25/06/2022 - 12:15

“Nhớ Nha Trang”, nhớ soạn giả Minh Thùy 

ÐĂNG HUỲNH

"Lời riêng này anh gởi cho em. Từ thành phố thân yêu anh gởi về nơi đó. Nhớ biển Nha Trang đêm hè lộng gió. Mặt nước xanh rờn con sóng khẽ lời ru...", những câu lối mở đầu bài vọng cổ "Nhớ Nha Trang" đã in sâu vào tâm trí của biết bao người mộ điệu cổ nhạc. "Nhớ Nha Trang", người ta lại nhớ đến soạn giả Minh Thùy, một tác giả cổ nhạc tài hoa, vừa vào cõi vĩnh hằng.

Soạn giả Minh Thùy. Ảnh chụp lại từ phim tư liệu

Sau 4 câu nói lối ấy là 12 câu Phụng hoàng đã trở nên kinh điển của cổ nhạc. Những ca từ tình cảm mà cũng đầy lạc quan, thể hiện trách nhiệm của đôi lứa yêu nhau với quê hương, đất nước, thấm sâu vào lòng người: "Nghĩa nước tình dân chưa tròn bổn phận mình. Thì hãy vì nhau mà giữ vẹn chữ chung tình. Ơi quê hương mình, đang từng giờ, từng phút đổi thay. Quên nỗi nhọc nhằn lo xây dựng tương lai...". "Nhớ Nha Trang" qua giọng ca của NSND Thanh Tuấn làm nên một tác phẩm nghệ thuật không pha lẩn.

Vậy nên, "Nhớ Nha Trang" là nhớ soạn giả Minh Thùy! Nhưng sự nghiệp của soạn giả Minh Thùy thì không chỉ có vậy. Với hơn 200 bài vọng cổ, trong đó có hàng loạt bài nổi tiếng, ông ghi đậm dấu ấn trong lòng người mộ điệu.

Soạn giả Minh Thùy sinh năm 1944, tên thật là Lê Minh Hoàn, quê ở cù lao Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang. Ông vừa qua đời ngày 18-6, thọ 79 tuổi. Sinh thời, soạn giả Minh Thùy kể rằng, ông được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Mới 16-17 tuổi, ông đã tham gia cách mạng ở quê nhà, sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật nên tham gia đội văn nghệ địa phương rồi vào Văn công tỉnh Mỹ Tho. Sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông vào công tác tại Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, phụ trách mảng chương trình văn nghệ, cho đến khi về hưu.

Kể về sự nghiệp sáng tác cổ nhạc, ông nhớ như in đó là vào đầu năm 1970, khi nghe tin các chiến sĩ cách mạng của ta đang bị giam cầm ở Nhà tù Côn Ðảo bị tra tấn, bách hại dã man, ông dâng trào niềm cảm xúc. Dù chưa một lần đến với Côn Ðảo nhưng ông cảm xúc viết bài ca cổ đầu tay "Tôi đã nghe rồi hỡi Côn Lôn". Bài ca hoàn thiện, do nghệ sĩ Kim Hà thể hiện, rất được yêu thích và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân lúc bấy giờ.

Xem đó chỉ là cảm xúc nhất thời, ông tiếp tục công việc biểu diễn, dàn dựng mà "gác bút". Mãi đến năm 1978-1979, thời kỳ đi làm kinh tế mới, mở mang các nông trường, ông cảm xúc viết nên bài "Hoa thắm đồng bưng". Ðó là câu chuyện đẹp về các chàng trai cô gái thanh niên xung phong đi khai hoang, xây dựng nông trường... Từ đó, ông sáng tác đều tay hơn và rất nhiều bài trong số đó nổi tiếng đến hôm nay như "Về quê ngọai", "Bến Tre thơm ngát hương dừa", "Tìm em trong kỷ niệm", "Giọt nắng tình quê", "Tình mẹ với quê hương", "Chuyến xe miền Tây"...

Theo lời soạn giả Minh Thùy chia sẻ lúc sinh thời, thuận lợi của ông là lúc còn ở chiến khu, đọc nhiều thơ và tiểu thuyết. Nhờ vậy, ông nắm vững về gieo vần, niêm luật, cách dùng từ sao cho trúng và hay. Nhưng ông cũng cho rằng, để viết bài ca cổ hay, điều cần nhất và trước hết là phải có cảm xúc, có sự rung động. Ông ví dụ như bài "Tìm em trong kỷ niệm", viết về cuộc thảm sát đồng bào ta của địch ở Bình Long, đó là một câu chuyện bi thương, ông viết trong sự nghẹn ngào, nên lay động người nghe. Với cù lao Thới Sơn, 3 bài ca cổ ông viết cho quê hương mình là "Về quê", "Bến đò xưa" và "Tình mẹ với quê hương", đều rất nổi tiếng. Tình yêu quê hương tuôn tràn trong mạch viết của soạn giả Minh Thùy.

Chia sẻ bài viết