28/06/2019 - 09:25

“Nhìn lại và điều chỉnh” để giữ hạnh phúc gia đình 

Bà Hứa Thị Anh Đào. Ảnh: DUY KHÔI

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Ðiều này cho thấy xã hội đang rất quan tâm đến những chuẩn mực hành xử, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với bà Hứa Thị Anh Ðào, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Cần Thơ, xoay quanh vấn đề này.

Xã hội hiện đại, gia đình hạt nhân (gia đình 2 thế hệ) là cơ bản. Theo bà, những thách thức nào đang đặt ra với các gia đình hạt nhân này, nhất là với các gia đình trẻ, trong đắp xây hạnh phúc?

- Theo tôi, thách thức là rất lớn. Thử nhìn cuộc sống quanh ta, gia đình gồm đôi vợ chồng trẻ và những đứa con nhỏ rất nhiều. Nhưng xã hội hiện đại nhiều khi khiến người trẻ cuốn vào vòng quay cuộc sống. Họ muốn kiếm tiền, họ muốn làm giàu, muốn thăng tiến… suy cho cùng cũng vì mong muốn tốt đẹp là gia đình, vợ/chồng con có cuộc sống sung túc hơn. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, càng phấn đấu thì họ lại càng áp lực và càng có ít thời gian dành cho gia đình.

Kế đến, xã hội bây giờ tiện nghi và hiện đại; công nghệ kết nối thế giới lại thật gần. Tôi cho rằng điều này phần nào cũng tác động đến truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Vợ/chồng đứng trước nhiều lựa chọn, nhiều so sánh và đôi khi một phút yếu lòng chẳng hạn, họ có quyết định sai lầm. Những cặp vợ chồng yêu sớm, cưới vội càng có nguy cơ hơn.

Có nhiều vợ chồng trẻ chọn cách ra riêng, sống không phụ thuộc vào cha mẹ hai bên. Tôi không nghĩ điều này là xấu nhưng họ cũng có những thiệt thòi nhất định. Với kinh nghiệm sống, tấm lòng người làm cha làm mẹ, tôi tin cha mẹ hai bên sẽ giúp ích các vợ chồng trẻ trong đời sống gia đình.

Điều tôi suy nghĩ vẫn là việc dạy con ở gia đình hạt nhân. Đó là điều cực kỳ khó trong bối cảnh công nghệ kết nối hiện nay. Nhiều khi họ phải vừa là cha mẹ, vừa là bạn để có cách dạy con đúng. Đòn roi hay mệnh lệnh giờ là hạ sách.

Đây là những thách thức tôi cho là cơ bản, nếu không khéo các vợ chồng trẻ sẽ cảm thấy bất hạnh trong chính mái ấm của mình.

Hạnh phúc gia đình là thành quả của từng thành viên đắp xây. Trong ảnh: Con gái tặng hoa cho mẹ thay lời cám ơn nhân ngày tốt nghiệp Đại học. Ảnh: DUY KHÔI

Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Đó là một chủ đề hay và cần thiết. Có một thực tế là hiện nhiều gia đình xuất hiện tình trạng các thành viên ít giao tiếp gần gũi, thỉnh thoảng mới nói với nhau vài câu khi cần. Hình ảnh quen thuộc đến đau lòng ở nhiều gia đình là mỗi tối, mỗi người dán mắt vào điện thoại thông minh mãi cho tới lúc đi ngủ.

Yêu thương và chia sẻ là cốt lõi của mỗi gia đình và mỗi thành viên phải thực sự là người xây tổ ấm. Ai cũng có những khiếm khuyết và tôi tin chắc rằng, chỉ những người thân yêu trong gia đình mới đủ nhân ái, độ lượng và kiên nhẫn để giúp nhau gọt giũa, hoàn thiện. Một người chồng nóng tính thì cần người vợ nhu mì. Một người vợ chưa được vén khéo thì rất cần một người chồng đảm đang. Một đứa con đi lầm đường thì hơn ai hết, cha mẹ là người dẫn lối cho con.

Ví như trong chuyện nấu ăn, khi vợ bận thì chồng hoàn toàn có thể xắn tay vào bếp. Cha mẹ bận thì con cái nấu. Khi nấu mình còn nghĩ về nhau, về những người thân yêu của mình: người này thích ăn ngọt, người này thích ăn món xào… Mỗi thành viên trong gia đình hãy là một đầu bếp, không gia vị nào nêm nếm ngon bằng tình thân. Tôi tin chắc điều này! Và cuối cùng, trên đời này bữa cơm gia đình là ngon nhất.  Bữa cơm gia đình là sợi dây gắn kết yêu thương vững vàng nhất.

►  Từ những chia sẻ này, theo bà, điều gì là cốt lõi trong đắp xây và giữ gìn hạnh phúc gia đình?

- Đó là “nhìn lại và điều chỉnh”. Mỗi thành viên trong gia đình hãy xem mình là một bánh xe trong cỗ máy. Bất kỳ bánh xe nào rơi ra hay hư hỏng thì cỗ máy cũng không thể hoạt động tốt được. Giá trị cốt lõi của gia đình là tình yêu thương. Chúng ta hãy nhìn lại và điều chỉnh những chuẩn mực ứng xử, giao tiếp để điều rốt cùng là chúng ta có một mái ấm tràn đầy yêu thương. San sẻ công việc cho nhau, quan tâm lẫn nhau, dành thời gian cho nhau nhiều hơn - đó cũng chính là cách ta giữ lửa yêu thương và cân bằng cuộc sống cho chính mình, gia đình mình.

Xin cảm ơn bà! 

Ðăng Huỳnh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết