22/06/2022 - 08:55

“Người khó giúp người khổ, vậy thôi!” 

Một căn nhà chật hẹp, tứ bề che chắn bằng tôn, mùa mưa thì lạnh, mùa nắng thì nóng, ở ven bờ kè rạch Khai Luông (phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Một đôi vợ chồng trẻ nặng gánh mưu sinh, chăm sóc mẹ già, con nhỏ. Tất cả không ngăn bước hành trình thiện nguyện của họ - hành trình của người khó giúp người khổ hơn!

Vợ chồng anh Lập chị Hiền kiểm đếm số tiền tích cóp của Quỹ ăn vặt 1k và lên kế hoạch giúp người nghèo. 

Ðôi vợ chồng mà chúng tôi nhắc đến là chị Huỳnh Thị Mỹ Hiền và anh Hà Trí Lập, cùng 33 tuổi. Vợ chồng mưu sinh bằng nghề bán đồ ăn vặt, anh Lập có thêm nghề sửa chữa máy in. Họ vui với cuộc sống hiện tại và chọn cách làm thiện nguyện để tri ân cuộc đời.

Vòng tròn nhân ái

Mở đầu câu chuyện, chị Hiền kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian hơn 4 năm về trước của gia đình mình. Ngôi nhà lúc đó còn xập xệ, rung chuyển theo hướng gió, hướng mưa. Con rạch Khai Luông mênh mông, gió thổi thốc tháo vào căn nhà trống không, khiến nhà đổ sập. Cả gia đình phải lụi hụi lượm lặt vật dụng, che chắn để có nơi trú ngụ. Rồi chị Hiền tóm gọn bằng mấy chữ: “Khổ biết chừng nào!”. “Họa vô đơn chí”, những người thân yêu của chị Hiền lần lượt rời xa cõi trần, đó là bà nội, bà ngoại rồi người cậu thân thiết. Sự mất mát, tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần khiến chị Hiền như ngã quỵ, buông xuôi.

Và rồi, những nhóm thiện nguyện và những tấm lòng hảo tâm trên địa bàn TP Cần Thơ đã biết và chìa tay ra nâng đỡ vợ chồng chị Hiền. Chị kể rành, không sót một ai, đó là nhóm của chị Vân Út, anh Hoàng Trung Kiên, anh Ðoàn Anh Minh, anh Lâm Thành Phú, anh Phục Hưng... đã hết sức giúp đỡ, động viên vợ chồng chị và gia đình vượt qua khó khăn. Họ đã kêu gọi từ cộng đồng chung tay giúp chị dựng lại mái nhà, gầy dựng lại công việc. Vợ chồng chị Hiền từ những khó khăn, bế tắt đã tìm ra ánh sáng của tương lai.

Chị Hiền kể: “Những lúc nhà sập, rồi người thân qua đời, tôi bi quan, tiêu cực lắm, cứ muốn buông xuôi thôi. Nhưng rồi nhờ các anh chị, các nhóm thiện nguyện giúp đỡ, động viên, tôi đã vượt qua khó khăn và cú sốc tinh thần”. Gượng dậy sau bao biến cố, chị Hiền nghĩ nhiều về tình cảm và sự giúp đỡ của cộng đồng dành cho mình, nghĩ về tình người trong lúc gian nan, nghĩ về sự sẻ chia, cái nghĩa ở đời... Chị xin cám ơn hết thảy. Và, cách để chị trả ơn những người đã giúp đỡ mình chính là tiếp tục giúp đỡ những cảnh đời khác khổ hơn mình, khó khăn hơn mình. Vòng tròn nhân ái đó cứ tuần hoàn theo nhịp đập của trái tim yêu thương.

Quỹ ăn vặt 1k

Lúc đầu, chị Hiền bắt đầu công việc bằng việc quyên góp quần áo cũ rồi giặt giũ, phân loại để tặng lại cho bà con nghèo. Một, hai, ba... rồi nhiều tấm lòng đến với chị Hiền để lan tỏa yêu thương, việc thiện nguyện của chị vì vậy được nhiều người biết đến. Và rồi, chị nhìn thấy những cảnh đời khốn khổ, những phận người nghèo khó, bệnh tật... Ngẫm lại mình thấy vẫn còn may, chị quyết định kêu gọi giúp đỡ. Nhà hảo tâm tin ở sự minh bạch, lương thiện của chị Hiền và chung tay giúp đỡ. Vậy là qua hơn 4 năm, đã có mấy chục trường hợp được chị Hiền kêu gọi giúp đỡ, với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Mới đây, chị Hiền vừa kêu gọi được 6 triệu đồng để trao tặng cho bà Thiều Thị Mai, một bệnh nhân ung thư đang nằm viện điều trị. Nhận tiền, bà Mai dẫu trong cơn đau mà mắt lay láy niềm vui, lòng biết ơn không nói thành lời.

4 năm qua, chị Hiền còn tham gia nhiều hoạt động như hỗ trợ, lo hậu sự cho người có hoàn cảnh khó khăn qua đời, vận động tiền, quà tặng bà con vùng sâu, vùng xa, có khi ra tận Tây Nguyên... Ðiều làm mọi người quý chị hơn là thời gian gần đây, mẹ chị mắc bệnh nan y, phải điều trị thường xuyên ở bệnh viện. Dù hoàn cảnh chật vật là vậy nhưng vào bệnh viện chăm sóc mẹ, hễ biết hoàn cảnh nào cần giúp là chị lại dang rộng vòng tay yêu thương để giúp đỡ và kêu gọi mọi người hỗ trợ.

Thu nhập chính của vợ chồng là từ nghề bán đồ ăn vặt cũng như nghề sửa máy in của anh Trí Lập. Chị Hiền lại vừa sinh con, non ngày non tháng, mọi chi tiêu gia đình đều tăng vọt nhưng điều đó không khiến chị chùn bước trước hành trình yêu thương. Cũng suốt 4 năm qua, anh chị duy trì “Quỹ ăn vặt 1k” rất dễ thương. Trên phiếu tính tiền, anh chị ghi “Trên mỗi ly quán sử dụng 1k để làm từ thiện giúp người nghèo”. Có nghĩa, mỗi món đồ mua, từ thức ăn, nước uống, khách sẽ góp 1.000 đồng vào “Quỹ ăn vặt 1k”. Chị Hiền chuẩn bị một hộp bánh thiếc, trên nắp khoét rảnh để cất tiền như kiểu “bỏ ống heo”. Trung bình, chị gom được cả triệu đồng mỗi tháng để làm từ thiện. Số tiền ấy chị dùng để mua gạo, mì, nhu yếu phẩm... tặng người bán vé số, người lao động nghèo; hoặc bổ sung vào tặng các hoàn cảnh chị kêu gọi mà được số tiền không nhiều. Chị Nguyễn Thị Lệ Trinh, khách hàng, nói: “Nhìn vào phiếu tính tiền của quán tôi ấn tượng và xúc động lắm. 1.000 đồng, số tiền nhỏ thôi, nhưng cũng là một hành động đẹp giúp người nghèo”.

Ðồng hành cùng vợ suốt 4 năm qua trên bước đường thiện nguyện, anh Hà Trí Lập hết lòng hỗ trợ chị. Tặng quà từ thiện, thực hiện các chuyến thiện nguyện ở Tây Nguyên, ÐBSCL, Cần Thơ..., anh Lập đều phụ vợ để những phần quà tươm tất nhất đến với bà con. Anh Trí Lập chia sẻ, thật ra hoàn cảnh gia đình anh còn chật vật lắm, mẹ bệnh, con nhỏ, chuyện buôn bán, sửa máy in không phải lúc nào cũng thuận lợi. Anh còn gánh lo cho cha mẹ ruột của anh nữa. Nhưng nhìn lại thì gia đình anh vẫn còn may mắn hơn rất nhiều cảnh đời. “Tôi vui vì vợ biết sống vì người khác, có lòng nhân ái. Ðiều đó, với tôi, còn quý hơn tiền bạc”, anh Lập tâm tình.

*  *  *

“Ốc không mang nổi mình ốc mà còn mang cọc cho rêu!”, “Nghèo mà bày đặt làm từ thiện”, “Thích làm nổi”, “Làm chuyện bao đồng”... - bên cạnh rất nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng, 4 năm qua vợ chồng chị Hiền cũng nghe những lời như thế về việc làm thiện nguyện của họ. Chị Hiền nói: “Thật lòng lúc đầu nghe vậy thì buồn lắm, nhưng bây giờ quen rồi. Ai nói gì thì nói, việc mình mình làm, miễn sao có ích cho bà con nghèo là được!”. Bỏ qua mọi lời dị nghị, anh Lập và chị Hiền vẫn bền bỉ trên bước đường đến với người có hoàn cảnh khó khăn. Anh chị không dám nghĩ đó là việc làm từ thiện hay giúp đỡ, mà đơn giản đó là sự san sẻ, một sự đồng cảm mà họ gọi là “Người khó giúp người khổ, vậy thôi!”.

Mới hay rằng, đâu phải đợi giàu mới làm từ thiện!

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết