24/12/2013 - 09:13

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

“Nâng tầm” cán bộ

Đội ngũ cán bộ, giảng viên là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của đơn vị đào tạo nói chung, trường đại học nói riêng. Xác định vai trò quan trọng này, thời gian qua, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ (ĐH KT - CN) Cần Thơ đã nỗ lực và tạo điều kiện để xây dựng, "nâng tầm" đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Trong thời gian chuẩn bị cho đợt học tiến sĩ ở Hoa Kỳ theo Đề án 911 đầu tháng 1-2014, không phải lo việc giảng dạy nhưng Thạc sĩ Nguyễn Vương Hoàng Triều, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ vẫn dành thời gian đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu, bởi theo anh "không học tập, nghiên cứu sẽ dễ "quên" kiến thức và việc truyền thụ cho sinh viên không hiệu quả…". Vừa nói, anh Triều vừa giới thiệu Phòng Thí nghiệm Hóa học, với các vật dụng, hóa chất được bài trí ngăn nắp và sạch sẽ, phù hợp, tạo thuận lợi cho việc giảng dạy, thực hành thực tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Anh Triều nhớ lại: "Sau khi học thạc sĩ tại Bỉ, cuối năm 2011, tôi về Việt Nam và công tác tại trường (trước đây là Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ) đến nay. Thời điểm đó, điều kiện công tác hết sức khó khăn vì thiếu phòng thí nghiệm, trang thiết bị thực hành thực tập và con người. Tuy nhiên, tôi rất tự hào khi công tác tại trường, bởi mình là một trong số cán bộ về trường trong giai đoạn đầu thành lập khi chuẩn bị nâng cấp thành trường ĐH". Để có được phòng thí nghiệm tươm tất, đầy đủ như hiện nay, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của trường, cùng với cán bộ của Khoa Khoa học Cơ bản, thạc sĩ Hoàng Triều đã nỗ lực tìm tòi, lên sơ đồ bản vẽ phòng thí nghiệm, danh mục thiết bị, hóa chất phù hợp…; cùng nhau xây dựng mở mã ngành mới chuyên ngành Hóa bậc đại học.

Thạc sĩ Nguyễn Vương Hoàng Triều, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ cố gắng dành thời gian ở phòng thí nghiệm để nghiên cứu, trong thời gian chuẩn bị du học.

Tương tự, thạc sĩ Hồ Hữu Danh, giảng viên Khoa Điện - Điện tử - Viễn thông là một trong số cán bộ của trường đang chuẩn bị "hành trang" để sang Canada học tiến sĩ theo Đề án 911 đầu năm 2014. Theo thạc sĩ Danh, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh theo Đề án Cần Thơ 150 cuối năm 2012, anh đã chọn về Trường ĐH KT-CN Cần Thơ công tác bởi yêu thích ngành sư phạm, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực truyền thông. Quan trọng hơn, chính môi trường sư phạm đã giúp anh Danh ngày càng gắn bó và phát huy khả năng của mình. Thạc sĩ Danh cho biết: "Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo trường, anh chị đi trước và đồng nghiệp nên tôi mới có được thành quả như hôm nay. Không riêng gì tôi mà các cán bộ, giảng viên khác cũng thế, nhà trường rất quan tâm, động viên tinh thần để cán bộ an tâm đi học, nâng cao trình độ chuyên môn. Như trong thời gian học, nếu giờ dạy trùng với giờ học thì trường bố trí lịch giảng dạy phù hợp. Người đi học khóa ngắn hạn và dài hạn (như ngoại ngữ, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, Cao trung cấp chính trị) vẫn được hưởng 100% lương và miễn giảm giờ chuẩn, còn khóa dài hạn ở nước ngoài thì hưởng 40% lương theo quy định. Tôi sẽ nỗ lực học tập, hoàn thành tốt chương trình học để có thể phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của trường sau khi về nước".

Tuy có bề dày phát triển hơn 32 năm nhưng trên thực tế, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ còn khá non trẻ, bởi chưa tròn "1 tuổi" (trường có quyết định thành lập tháng 1-2013-PV). Chính vì thế, quan điểm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định "con người là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo". Trên cơ sở đó, nhà trường tranh thủ mọi nguồn lực và chính sách để đào tạo lực lượng cán bộ đạt trình độ chuyên môn giỏi, có tư tưởng tốt, lý tưởng trong sáng vì sự nghiệp giáo dục nhằm nâng chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho trường. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ rất quan tâm công tác đào tạo cán bộ, giảng viên nên đã tăng cường 16 thạc sĩ từ Đề án 150 phục vụ giảng dạy tại trường. UBND TP Cần Thơ phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực cán bộ của trường giai đoạn từ 2010-2020 (kinh phí khoảng 64 tỉ đồng), là điều kiện quan trọng và cần thiết, để trường nâng cao trình độ lực lượng cán bộ. Ngoài ra, trường được Bộ GD&ĐT cấp 9 suất học bổng đào tạo tiến sĩ nước ngoài từ Đề án 911 của Chính phủ... Quan trọng hơn, lãnh đạo trường luôn tạo mọi điều kiện và động viên cán bộ tranh thủ các nguồn học bổng của các Viện, Trường trên thế giới để có nguồn học bổng du học. Trường hiện có 7 cán bộ đang học cao học và nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Trường ĐH KT-CN Cần Thơ hiện có trên 70 cán bộ đạt trình độ sau ĐH trong tổng số 169 cán bộ, viên chức, giảng viên và nhân viên (trong đó có 129 giảng viên); 28 cán bộ giảng viên đang học sau ĐH trong và ngoài nước (trong đó có 4 giảng viên đang học tiến sĩ ở nước ngoài). Tiến sĩ Dương Thái Công nhấn mạnh: "Với một trường ĐH KT-CN, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhằm cung cấp "sản phẩm tốt" đáp ứng thị trường lao động. Vì thế, thời gian tới, lãnh đạo nhà trường tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa hồng, vừa chuyên; đồng thời cần sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực nhiều hơn nữa từ Trung ương và địa phương để trường thật sự phát triển bền vững".

Bài, ảnh: B.Kiên

 

Chia sẻ bài viết