CÁT LỘC
“Năm Thìn bão lụt” là nhóm từ cửa miệng của những cư dân trộng tuổi ở Đồng bằng sông Cửu Long mỗi khi nhắc đến bão lụt kinh hoàng của thế kỷ 20.
 |
Sao dầu trong khuôn viên Hải Phước An Tự được trồng lại sau trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) nay đã thành cổ thụ sau 108 năm trồng. |
Buổi sáng sớm hôm đó trời âm u một cách lạ kỳ. Chẳng mấy chốc mưa to gió lớn ào ạt đổ tới. Gió dữ tợn như muốn bứng người đi đường lên không trung. Dòng sông chảy qua chợ thị trấn Cầu Kè (Cầu Kè, Trà Vinh) nước đang ròng, bỗng dâng cao một cách khó hiểu. Sóng lớn từng đợt vồ ập khiến mấy chiếc ghe chài neo đậu chao đảo ngả nghiêng. Trận bão kéo dài chừng một tiếng đồng hồ thì chấm dứt với hàng me cổ thụ dọc bờ sông ngã rạp. Hôm sau, nhiều người nói sông Hậu, miệt Tam Ngãi (Cầu Kè), nước lụt ngập đường sá, ruộng vườn trên nửa thước.
Đó là trận bão lụt năm Nhâm Thìn (1952), khi tôi mới sáu tuổi. Còn trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904), mới thật sự khủng khiếp, được nhiều người nhắc đến, xảy ra vào ngày chủ nhật 1-5-1904 (16-3 âm lịch).
Đại đức Thích Minh Thông ở Hải Phước An Tự (xã Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) chỉ cho chúng tôi xem hàng trăm cây sao dầu quanh khuôn viên chùa, nói chúng được trồng sau trận “bão lụt năm Thìn”, vì trận bão nầy đã làm ngã rạp hàng trăm cây sao dầu cổ thụ của chùa. Trong hồi ký “Hơn nửa đời hư”, Vương Hồng Sển nhớ lại, tại Xoài Cả Nả (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) quê hương ông, “đầu hôm mưa gió rất lớn, rồi gió thổi một ngày một mạnh, càng về khuya gió càng to và chuyển hướng thổi qua lại, đến nỗi gốc me to trồng nơi lề đường trước nhà trốc gốc và ngã luôn vừa tàng vừa nhánh lá, nằm gọn trên nóc, mưa càng lớn hột, gió thổi vù vù, nhà kêu răng rắc. Ba tôi và mẹ tôi thức, mẹ tôi ôm tôi vào lòng, đèn đuốc tối thui, bà nội tôi ôm một cái mền trùm hết mình mẩy mà còn rên lạnh, cả nhà không dám nới đi đâu, ngồi một chỗ mà chịu trận, vì ngoài đường mưa gió càng ghê rợn hơn nữa. Mấy cánh cửa thông như muốn tốc ra khỏi ngạch; cái chốt cây đập qua đập lại, gió chen kẽ khe vách cửa thổi lòn vào nhà, tiếng kêu kèn kẹt như ai rên rỉ và nghiến răng. May sao khi trời gần sáng, gió dịu bớt rồi im luôn. Gần trưa mở cửa ra thì nhà không sao cả, nhưng ngoài đường cây cối nằm la liệt, nóc thiếc, mái hiên hai dãy phố bay tứ tung”.
Nhưng, Sóc Trăng chỉ là “ngọn” của trận bão lụt năm Thìn. Còn cái “gốc” của nó là các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), Tân An (Long An ngày nay), Chợ Lớn, Gia Định (TP.HCM ngày nay).
Trong quyển “Gò Công xưa và nay” của Huỳnh Minh và “Gò Công cảnh cũ người xưa” của Việt Cúc đã viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.
Theo Nguyễn Duy Oanh trong “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam”, trận bão năm Giáp Thìn (1904) đã ảnh hưởng rất lớn đến sông ngòi ở địa phương nầy. Những bãi cát trước đó bao quanh vàm rạch Băng Cung (cù lao Minh) sau trận bão đã làm bít gần như trọn vẹn vàm sông này; nước mặn từ phía biển xâm nhập lên làm cho các làng Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thạnh mất mùa. Phía Bình Đại bị thiệt hại nặng về nhà cửa, mùa màng; đất đai bị nhiễm mặn nhiều và ảnh hưởng tới những năm sau; cơn bão làm cho diện mạo địa hình thay đổi nhiều.
Trận bão lụt này còn lan tới Thừa Thiên - Huế, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản.
Trận bão đã gây ra thảm cảnh, ca dao đã ghi lại:
“Mới hay chết hết mẹ cha,
Kẻ đi tìm vợ người thời tìm con.
Chẳng biết ai mất ai còn
Phen này thịt nát xương mòn trời ôi!”
Theo các nhà khoa học, trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) là trận sóng thần, địa bàn ảnh hưởng của nó hầu như khắp Việt Nam và sang tận Campuchia. Trong đó:
“Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào,
Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh.
Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh,
Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai.
Vĩnh Long, Sa Đéc một vài,
Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can”
108 năm đã qua, nhân năm Thìn, nhắc lại chuyện bão lụt năm Giáp Thìn (1904) để chúng ta cảnh giác với khí hậu đang ngày càng biến đổi một cách khác thường.
Bài viết có sử dụng một vài tư liệu của một vài tác giả.