CÁT ÐẰNG
“Monster” (Quái vật) là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, nhà biên kịch Nhật Bản Hirokazu Kore-eda, đạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2023. Ðề cập tới nạn bắt nạt học đường và những tổn thương trong gia đình, phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa, nhưng cách giải quyết vất đề và cái kết lơ lửng khiến người xem chưa thỏa mãn.

Phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV ở Cần Thơ.
Saori Mugino, mất chồng trong một tai nạn, nuôi con một mình. Khi phát hiện con trai Minato có những vết thương trên người khi đi học về, cô đến trường khiếu nại vì cho rằng thầy chủ nhiệm Hori đã đánh và mắng con mình. Thầy giáo và Ban giám hiệu nhà trường đều nhận lỗi, xin lỗi. Nhưng sự việc vẫn tiếp diễn và lần này, thầy Hori nói rằng, con trai cô trước giờ mới là người bắt nạt bạn bè. Saori tìm đến cậu bé Yori, bạn học cùng lớp với con trai để tìm hiểu sự việc. Với lời làm chứng của Yori, thầy giáo phải thừa nhận lỗi sai và bị đuổi việc. Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó, thêm vài sự kiện diễn ra và sự thật về chuyện ai là kẻ bắt nạt, ai là nạn nhân dần được lật mở…
Ðạo diễn khai thác vấn đề theo góc nhìn của từng nhân vật nên các sự việc được lặp lại và diễn biến chậm rãi khiến thời lượng kéo dài hơn 2 tiếng. Dưới mắt của bà mẹ thì con mình là nạn nhân của thầy giáo, trong mắt của thầy giáo thì Minato là kẻ bắt nạt bạn bè. Còn trong đầu bọn trẻ thì người lớn chỉ làm quá sự việc lên. Nhưng vấn đề ở đây là không ai nói thật với ai để sự việc được giải quyết rõ ràng, triệt để. Và cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất là thầy giáo trẻ tốt bụng, chịu hàm oan, mang tai tiếng, mất việc, mất người yêu, bế tắc đến nỗi suýt tự tử.
Nửa phần sau của phim, từng chút một, đạo diễn dẫn dắt khán giả tìm hiểu về tình bạn cũng như hoàn cảnh sống của cậu bé Minato và Yori. Minato buồn, tổn thương vì người cha quá cố của mình là kẻ ngoại tình. Yori cũng chẳng khá hơn khi cha mẹ ly dị, cậu sống với người cha hay nhậu nhẹt và đánh con mỗi khi không vui. Hai đứa trẻ cô đơn và hay bị bạn bè bắt nạt đã chơi thân với nhau, bảo vệ nhau. Và sự thật đằng sau tất cả mọi việc lại đơn giản vô cùng, tất cả chỉ là hiểu lầm, là những mảnh ghép rời rạc nhưng kết nối không đúng thứ tự đã gây nên một câu chuyện khủng hoảng cho mọi người.
Có thể thấy, bộ phim phản ánh được phần nào của thực trạng xã hội hiện nay về gia đình, nhà trường và cách giải quyết vấn đề khi có rắc rối xảy ra liên quan đến học sinh, giáo viên. Ðặc biệt là văn hóa cư xử ở Nhật Bản. Ðồng thời, truyền tải thông điệp: Ai sẽ trở thành quái vật trong mắt nhìn của người khác khi sự thật bị che giấu? Ai cũng tưởng rằng mình đang đấu tranh cho mục đích cao cả: mẹ muốn bảo vệ con; hiệu trưởng muốn bảo vệ danh tiếng nhà trường... mà thật sự bỏ lỡ nhiều điều vốn giản dị, bình thường khác.
Thế nhưng, điểm trừ của phim chính là khiến người xem có cảm giác hụt hẫng. Mở đầu phim và một số chi tiết khiến người xem cứ ngỡ đằng sau mọi việc là sự thật bất ngờ hay là điều gì đó đã khiến nhân vật nào đó biến thành “quái vật” như tên phim. Nhưng cuối cùng mọi việc lại được kết thúc một cách lửng lơ và khó hiểu. Thầy giáo leo lên nóc nhà muốn tự tử nhưng chẳng hiểu vì sao sau đó lại trở về bình thường. Khi vào phòng không thấy con đâu, nhìn qua ban công mưa gió bão bùng, người mẹ hốt hoảng lao xuống nhà, người xem ngỡ cậu bé nhảy lầu nhưng cuối cùng chẳng biết việc gì xảy ra. Sau khi giải mã được bức thư của học trò, thầy giáo lao đến nhà rồi cùng người mẹ chạy vào rừng tìm 2 cậu bé trong mưa bão, khán giả cũng tưởng rằng 2 cậu bé để lại di thư rồi làm chuyện điên rồ. Nhưng rồi cái kết lại không giải quyết được vấn đề gì rõ ràng. Xem xong, khán giả thốt lên: giá như sau cơn bão, mọi sự hiểu lầm được giải quyết, thầy giáo được minh oan và hai đứa trẻ có những chuyển biến mới trong tâm lý, cuộc sống… thì phim sẽ trọn vẹn hơn.