26/04/2017 - 09:57

“Mở đường” hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cải thiện thu nhập của người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc hoàn thành cũng như nâng chất tiêu chí số 10 về thu nhập luôn được các xã đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, đây là tiêu chí khá "nặng ký", đòi hỏi các xã có sự quyết tâm, có lộ trình rõ ràng và không thể một sớm một chiều mà đạt được.

Tiêu chí khó

Trong Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tiêu chí số 10 về thu nhập thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Do đó, tiêu chí này có ảnh hưởng và tác động qua lại đối với việc thực hiện các tiêu chí khác trong nhóm như: hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất. Hơn nữa, tiêu chí thu nhập còn ảnh hưởng đến nhiều tiêu chí ở các nhóm khác. Bởi nội dung các tiêu chí về XDNTM đều nhằm hướng đến mục đích nâng cao đời sống, cải thiện nhập cho người dân. Tính đến cuối năm 2016, toàn thành phố có 29/36 xã đạt tiêu chí này. Theo đánh giá từ các địa phương, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xuất phát điểm của các xã thấp thì đây là một tiêu chí khó.

 Thu hoạch lúa trên “Cánh đồng lớn” ở xã Thạnh Lợi. 

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiện Vĩnh Thạnh có 6/9 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Thời gian qua, việc thực hiện tiêu này được huyện đặc biệt quan tâm thông qua chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp như trồng màu, nuôi trồng thủy sản; chuyển dần từ sản xuất tự phát sang liên kết sản xuất có kế hoạch; tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Đối với cây trồng chủ lực của huyện-cây lúa, ngành nông nghiệp huyện vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình "Cánh đồng lớn"; tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để có điều kiện tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ rệt, thu nhập của người dân cũng được nâng lên. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, dịch hại phát sinh, giá cả thị trường bấp bênh nên ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Điều này tác động không nhỏ đến công tác phát huy nguồn lực đóng góp XDNTM trong dân.

Tháng 8-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 6977/BNN-VPĐP về việc hướng dẫn tạm thời xét công nhận xã đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo năm 2016-2017. Theo đó, quy định thu nhập từ ≥ 33 triệu đồng/người/năm vào quý IV-2016 tăng lên ≥ 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 gây khó khăn trong việc thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch. Theo ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, hiện Phong Điền đã được công nhận huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí, trong đó có tiêu chí thu nhập là áp lực lớn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 38 triệu đồng/ năm và để nâng lên mức 50 triệu đồng là điều không dễ. Thời gian qua, tại một số xã, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất được quan tâm. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

"Đòn bẩy" vận động đóng góp XDNTM

Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chí thu nhập trong XDNTM, nên năm 2017 tiêu chí này tiếp tục được nhiều địa phương chọn để "mở đường" thực hiện các tiêu chí khác. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Nhằm hoàn thành tiêu chí về thu nhập, trong năm 2017, huyện chỉ đạo các xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là phát triển sản xuất để ổn định vào tạo thêm thu nhập cho người dân. Đồng thời, thực hiện và nâng chất các tiêu chí mang tính đột phá (giao thông, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, lao động có việc làm...) của địa phương, tạo điều kiện cải thiện thu nhập của người dân. Về phía huyện, sẽ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình phi chính phủ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và thực hiện các dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn", "Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất".

Nhiều ý kiến cho rằng, các huyện, xã XDNTM trên địa bàn thành phố đa phần sản xuất nông nghiệp là chính, điểm xuất phát thấp. Trong khi đó, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay còn lỏng lẻo; đất đai manh mún, nhỏ lẻ; trình độ nông dân còn nhiều hạn chế... Do đó, khâu tổ chức lại sản xuất phải đặt lên hàng đầu. "Phải tổ chức lại sản xuất, nếu không thì khó lòng nâng được thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên theo chuẩn mới. "Để đạt được mục tiêu về tiêu chí thu nhập, năm 2017, Phong Điền tiếp tục tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trợ giá cây con giống, phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái... Đây là những hướng đi giúp nông dân Phong Điền "ăn nên làm ra" thời gian qua" - ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư Huyện ủy Phong Điền nói. Nhiều xã kiến nghị thành phố và cấp huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện các dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn", "Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất".

Về định hướng thực hiện tiêu chí thu nhập thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ đó nâng cao thu nhập cho người dân được thành phố xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Bởi khi đời sống khấm khá thì người dân mới có điều kiện chung tay cùng Nhà nước thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, y tế... Năm 2017, thành phố khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác với quy mô lớn, tập trung và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết