16/02/2019 - 10:16

“Mài ngọc” cho văn hóa Khmer Nam bộ 

Lớn lên từ phum sóc, chung hưởng an yên dưới mái chùa và đắm mình vào từng điệu múa lời ca, Sơn Cao Thắng yêu văn hóa Khmer như máu thịt. 31 tuổi, đang là nghiên cứu sinh về văn hóa Khmer Nam bộ, Sơn Cao Thắng được xem là điển hình thuyết phục về thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống.

Những sản phẩm du lịch độc đáo do Sơn Cao Thắng và các học trò chế tác. Ảnh: DUY KHÔI

Mấy hôm Cần Thơ mở hội “Sắc xuân miệt vườn”, Sơn Cao Thắng - Phó Trưởng Bộ môn Nghệ thuật, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, Trường Đại học Trà Vinh - cùng nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh sang tham gia trình diễn nghệ thuật Khmer truyền thống và chế tác mão, mặt nạ cho kịch hát Khmer. Chàng trai trẻ trung không lớn hơn học trò mình là mấy, tỉ mẩn vẽ từng đường nét trên khung mặt nạ chằn. Này là nét uốn lượn, này là nét sổ dứt khoát…, chẳng mấy chốc một mặt nạ chằn thần thái, sắc nét và đầy xúc cảm hiển hiện. Chăm chú là vậy nhưng chốc chốc lại có học trò hỏi cách vẽ mặt nạ khỉ Hanuman, mão công chúa…, Thắng lại ngưng tay, chỉ tận tình cho từng người một.

Thấy chúng tôi thích thú trước tài nghệ của thầy trò mình, Thắng cười: “Nhờ những chuyến đi như thế này mà nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer được lan tỏa rất nhiều”. Rồi anh ân cần lý giải những thắc mắc của chúng tôi rằng: mão múa thì có 2 dạng: dán dính trên tóc và đội đầu. Mặt nạ cũng có mặt nạ kín và mặt nạ hở với rất nhiều loại, cho từng nhân vật, tính cách khác nhau. Nhưng với Sơn Cao Thắng, đặc biệt nhất có lẽ là mặt nạ chằn với gương mặt dữ tợn: bặm môi, mắt lồi, xếch, mũi to, miệng rộng có nhe răng nanh… Lại nữa, tùy theo loại chằn (địa vị, sức mạnh, ma thuật) mà người tạo tác sẽ vẽ nên những đường nét làm toát lên khí chất đó. Buổi tối, sân khấu rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm, tiếng hát điệu múa Khmer làm say lòng người. Sơn Cao Thắng trở thành một nghệ nhân trình diễn thiện nghệ. Nhìn điệu bộ, động tác nhuần nhuyễn, giao đãi có duyên, ít ai biết rằng đó là một giảng viên đại học đang sắp lấy học vị tiến sĩ.

Thắng có nụ cười hiền và hay cười, từ tốn nhưng say sưa nói về nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Thắng lớn lên từ phum sóc, ông bà nội vốn là bầu gánh dù kê, cha là nghệ nhân chơi nhạc cụ Khmer, mẹ là nghệ nhân hát nhạc truyền thống Khmer. Vườn hoa nghệ thuật gia đình đã vun bồi và nảy nở một hạt giống lành Sơn Cao Thắng. Sau khi đi tu trả hiếu như bao chàng trai Khmer khác, Thắng tiếp tục học tập, cả chữ Việt lẫn chữ Bali để trau dồi kiến thức. Rồi anh chọn học ngành Văn hóa Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh để theo đuổi ước mơ quảng bá và trao truyền vốn quý của dân tộc mình. Tốt nghiệp, Thắng được giữ lại trường vì các thầy cô nhìn thấy nơi chàng trai trẻ ấy một nhiệt huyết căng đầy: “Văn hóa Khmer mình đẹp lắm!”.

Sơn Cao Thắng (trái) hướng dẫn học trò vẽ mặt nạ. Ảnh: DUY KHÔI

Luận văn đại học rồi thạc sĩ và giờ là tiến sĩ, Sơn Cao Thắng vẫn chọn một lối đi duy nhất và đến cùng là nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer. Bộ sưu tập nghiên cứu khoa học của chàng giảng viên 31 tuổi rất dày dặn với hàng trăm đề tài đã công bố. Chỉ nhìn thấy tên đề tài thôi đã biết anh tâm huyết biết chừng nào: múa dân gian Khmer trong đời sống hiện đại; làm thế nào để nghệ thuật truyền thống Khmer được giới trẻ đón nhận; cách để nghệ thuật dù kê tiệm cận với công chúng… Sơn Cao Thắng truy tìm căn nguyên, lý giải có lý có tình bằng tấm lòng của một nhà tri thức trẻ.

Dù vậy, Thắng hay lặp đi lặp lại trước lời khen ngợi của mọi người rằng: “Có gì đâu, mình vẫn phải học các cô chú nghệ nhân nhiều thêm nữa”. Thật vậy, nhiều năm qua, ngôi nhà của những nghệ nhân nghệ thuật truyền thống Khmer ở Trà Vinh như chú Sang Sết, chú Thạch Sô Hoanh… đã dày dấu chân Sơn Cao Thắng. Anh xem họ như cha chú, khiêm nhường mà lĩnh hội những điều còn chưa khám phá của cách vẽ mặt chằn, điệu bộ chân tay khi múa truyền thống hay là những sử liệu về các điệu kịch hát… Thắng cúi đầu lắng nghe, ghi chép và từ những chuyến đi, tìm hiểu trong dân gian đó, anh kiên tâm “mài giũa” để viên ngọc nghệ thuật truyền thống Khmer càng mài càng sáng.

Ở Trường Đại học Trà Vinh, nhắc đến Sơn Cao Thắng, nhiều sinh viên cười bắt quen và rằng: “À, thầy Thắng của em!”. Mới hiểu rằng, Thắng đối đãi với học trò ngoài tư cách của một người thầy, còn là một người bạn cùng đam mê nghệ thuật truyền thống. Anh trân quý những người trẻ, trẻ hơn mình, chọn lối đi riêng để bảo tồn văn hóa cổ truyền. Nhiều năm qua, với vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh, điều Thắng tâm đắc nhất là đã trao truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho bao thế hệ sinh viên. Họ đến, rồi đi, lĩnh hội và lan tỏa. Từ câu lạc bộ này, những sinh viên như Thạch Ngọc Quang, Kim Thị Thanh Truyền… và hàng trăm sinh viên khác nữa biết múa, hát, biết vẽ mặt nạ, làm mão… cho kịch hát Khmer. Thạch Huỳnh Thươne là một điển hình, anh tốt nghiệp đại học ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số của Trường Đại học Trà Vinh năm 2017. Vốn được thầy Thắng truyền cảm hứng về nghệ thuật Khmer truyền thống, Thươne bây giờ vẫn theo thầy làm mặt nạ, đi trình diễn nghệ thuật Khmer. Thươne khéo tay và lành nghề, vậy nhưng khi hỏi về công việc, anh hiền hậu: “Thầy Thắng dạy không đó!”.

Chẳng phải dùng từ hoa mỹ nhưng ai cũng công nhận, đóng góp của Sơn Cao Thắng cho văn hóa Khmer là thấy rõ. Rõ nhất là đề tài về sản phẩm mô hình ghe ngo Khmer. Ai cũng biết, ghe ngo có vị trí quan trọng trong tâm thức người Khmer Nam bộ. Để bảo tồn và phát triển, Sơn Cao Thắng đã sản xuất ra sản phẩm mô hình chiếc ghe ngo với kích thước nhỏ gọn cộng thêm mẫu sản phẩm bắt mắt, với những đường nét hoa văn đặc trưng. Mô hình chiếc ghe ngo do Thắng chế tác đã trở thành sản phẩm quà tặng đầy ý nghĩa khi đến Trà Vinh. Sản phẩm mô hình mão, mặt nạ biểu diễn Khmer cũng vậy, anh vừa làm nguyên bản để cung cấp cho các đoàn nghệ thuật Khmer, vừa làm những mô hình nhỏ gọn để làm sản phẩm du lịch, rất được ưa chuộng. Cơ sở chế tác của anh nằm trong lòng thành phố Trà Vinh là nơi quy tụ nhiều sinh viên và cựu sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa. Ai cũng khen rằng, đó là một kiểu khởi nghiệp - StartUp thật dễ thương. StartUp từ chính tình yêu của mình!

Còn nhớ hồi năm 2013, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo về sân khấu dù kê, có trình diễn vở “Cạm bẫy học đường”. Vở diễn khiến ai cũng “ồ” đầy ngạc nhiên và thích thú vì dù kê lại hiện đại và gần gũi như vậy, lại do chính các sinh viên của trường trình diễn. Vở diễn kể về Song Ha - cậu ấm ham chơi hơn ham học. “Học thầy không tày học bạn”, gia đình cho Song Ha kết thân với đôi bạn nhà nghèo hiếu học là Tot Tana và Via Sna. Con đường tìm tri thức thật gian nan, cuộc chiến nội tâm trong 3 người họ được nghệ thuật hóa thành các thế lực xấu rình rập, cái ác luôn bao vây... Ví như nhân vật hoàng tử Thomareach uy nghi, tri thức hiền lành, tốt bụng. “Thấy vậy nhưng không phải vậy”, bên trong hoàng tử là yêu quái đội lốt người, mưu đồ lôi kéo con người rơi vào tệ nạn xã hội. “Cạm bẫy học đường” tạo nên tiếng vang lớn và người viết nên kịch bản đó không ai khác chính là Sơn Cao Thắng. Tiếp sau đó, anh còn viết “Đằng sau danh vọng” và nhiều kịch bản nữa. Kịch bản dù kê của Thắng luôn mang hơi thở hiện đại, gần gũi với giới trẻ. Anh xem đó là cách để quyện lòng những thế hệ 8X, 9X... và trẻ hơn nữa tìm về nét đẹp của dù kê, của rô-băm, của tiếng ngũ âm rộn ràng phum sóc, của tiếng hò reo khi ghe ngo nước rút ở những mét nước cuối cùng…

Ở Trà Vinh, có một người chuyên tâm “mài ngọc” cho văn hóa Khmer - Sơn Cao Thắng!

Ký: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết