29/10/2014 - 09:04

“Lời sám hối” - Sức hút của một phim “hương xưa”

Đằng sau một danh gia vọng tộc là cuộc chiến ngầm của năm bà vợ. Mỗi người theo đuổi mưu đồ riêng, vô tình tạo nên chuỗi bi kịch cho bản thân và những người thân. Phim dài 44 tập, phát sóng lúc 19 giờ 45 phút, từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1.

 Lệ Hằng  (Nhật Kim Anh, phải) nhịn đắng nuốt cay để trả thù. 

Tình yêu giữa Ba Thiện (Lý Hùng) và Lệ Hằng (Nhật Kim Anh) tưởng sẽ đi đến cái kết viên mãn. Nào ngờ, ngày Ba Thiện đưa Lệ Hằng về nhà ra mắt đã mở ra bi kịch cho cuộc đời của cả hai. Hội đồng Vĩnh, anh trai Ba Thiện mê đắm trước sắc đẹp của Lệ Hằng, bày kế đẩy Ba Thiện đi học tận phương Tây rồi cùng vợ cả dựng vở kịch bội ước gây nên hiểu lầm giữa Lệ Hằng và Ba Thiện. Trong lúc đau khổ, uất hận vì bị bỏ rơi, Lệ Hằng làm bà ba nhà hội đồng Vĩnh.

8 năm sau, Ba Thiện trở về nước, một lần nữa gây nên sóng gió. Ông Vĩnh ghen tuông, hắt hủi Lệ Hằng, cưới thêm người vợ thứ tư là Thanh Thanh (Bích Trâm). Rồi câu chuyện quá khứ cũng bị phơi bày, Ba Thiện vì cứu Lệ Hằng thoát khỏi sự đày đọa của ông Vĩnh đã đồng ý trao đổi nửa gia sản. Lệ Hằng ra đi chưa được bao lâu thì ông Vĩnh cưới thêm người vợ nữa là Mận (Quỳnh Lam) - người hầu trước kia của Lệ Hằng. Hóa ra, ngay từ đầu Mận đã bày kế đẩy Lệ Hằng - người vợ được ông Vĩnh sủng ái nhất ra đường, để leo lên vị trí bà năm. Mận quan hệ lén lút với Đực (Hoàng Anh), người làm trong nhà để mang thai, giành quyền làm chủ trong gia đình.

Sau khi biết sự thật về những người đã làm hại mình, Lệ Hằng không cam tâm, cô quyết định quay lại nhà ông hội đồng Vĩnh, từng bước khiến những kẻ hại cô phải nhà tan cửa nát…

“Lời sám hối” trên tổng thể là bi kịch của những người phụ nữ trong xã hội mà giá trị của họ được đo bằng của cải và quyền lực của người đàn ông được gọi là chồng, dù nhiều người phải chung một ông chồng. Kịch tính của phim được dẫn dắt bởi những mâu thuẫn về nhân sinh giữa anh em hội đồng Vĩnh - Ba Thiện và quá trình tha hóa của những người phụ nữ phải dấn thân vào cuộc tranh quyền đoạt vị để tồn tại trong gia đình hội đồng Vĩnh. Họ đều có những điểm đáng thương và đáng giận khi theo đuổi những âm mưu và bất chấp thủ đoạn để có vị thế trong một gia tộc mà kẻ hiền lành, yếu thế phải chịu đủ điều tủi nhục. Lệ Hằng từ một người hiền lành trở nên lạnh lùng, nhẫn tâm; Mận thật thà trở nên mưu mô, thủ đoạn… để rồi cuối cùng đều phải tự gánh chịu mọi hậu quả. Chính cách dẫn chuyện hợp lý đã khiến “Lời sám hối” thu hút khán giả, dù không ít người “dị ứng” với lời thoại lạm dụng những từ đưa đẩy thời xưa khiến không khí phim có phần gượng ép.

“Lời sám hối” có thể được xem là món ăn lạ trên truyền hình hiện nay. Bối cảnh xưa, những phong tục, nếp sinh hoạt thời phong kiến được tái hiện chân thực. Nhật Kim Anh và Quỳnh Lam thể hiện tròn vai diễn của mình, tạo được sự đồng cảm, bất ngờ về tiến bộ trong diễn xuất của hai diễn viên trẻ.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết