25/05/2019 - 12:32

“Lạt mềm buộc chặt” 

Tâm lý chung của đa phần phụ nữ là muốn quản lý chồng, càng chặt càng tốt. Tuy nhiên, “lạt mềm” lại “buộc chặt”. Biết cư xử mềm dẻo, cương nhu đúng lúc sẽ mang lại kết quả mỹ mãn...

Thường xuyên tham gia các hoạt động giúp gắn kết gia đình hạnh phúc. Trong ảnh: Một gia đình tham gia hội thi nấu ăn do Hội LHPN quận Ninh Kiều tổ chức.

► Ðừng quá cầu toàn…

Mỗi lần gặp nhóm bạn, câu chuyện của chị M. (Ninh Kiều) bao giờ cũng là những thất vọng ê chề về cuộc sống hôn nhân. Chị M. kể: “Trước kia chồng tôi rất ga-lăng, dịp sinh nhật tôi bao giờ anh cũng bí mật chuẩn bị và dành cho tôi sự bất ngờ. Vậy mà mấy năm nay tổ chức sơ sài. Thậm chí bó hoa đôi khi cũng quên. Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết có phải bây giờ tôi già, xấu nên không còn được ông xã yêu chiều như trước”. “Khi nghe M. tâm sự bạn bè hay khuyên M. nên thực tế, bớt đòi hỏi, hoạnh họe chồng. Chồng M. là mẫu đàn ông chung thủy, hết lòng yêu thương vợ con; chỉ có điều do bận bịu nên không còn những biểu hiện lãng mạn như trước...”- chị Hồng Ngọc, bạn thân của chị M. bộc bạch.

Nhiều chị em hay mang trong mình tâm lý lo sợ “mất chồng” nên suy diễn thái quá. Trường hợp của chị Ng. (Bình Thủy) là một ví dụ. Vợ chồng chị Ng. có một tình yêu đẹp từ thời sinh viên. Ra trường cả hai đều xin được việc làm ở thành phố, kinh tế ổn định. Là người đàn ông lịch thiệp lại giỏi giang nên chồng chị Ng. thăng tiến nhanh trong công việc. Vì thế chị Ng. lúc nào cũng mang tâm lý mặc cảm, sợ chồng có mối quan hệ ngoài luồng. Chị Ng. chia sẻ: “Tôi bị áp lực tâm lý già trước tuổi vì đã 2 lần sinh con, trong khi ông xã thì lúc nào cũng phong độ, lại thêm giao tiếp khéo, kiểu gì cũng bị nhiều “bóng hồng” nhòm ngó”. Càng lo sợ chuyện chồng trăng hoa, chị Ng. càng tiều tụy và mất tự tin vào bản thân, khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, dễ nảy sinh mâu thuẫn.

► Tập buông để giữ

Đó là kinh nghiệm của nhiều chị em khi nói về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chị D., ở quận Bình Thủy, chia sẻ: “Do đặc thù công việc nên từ lúc cưới nhau đến nay, vợ chồng tôi yêu xa. Trước đây, vợ chồng tôi có thỏa thuận: cứ 7 giờ tối là ông xã gọi điện, hai vợ chồng trò chuyện đến tận khuya. Hôm nào chồng bận việc không gọi điện là tôi cứ bứt rứt và nổi cơn ghen. Cuối tuần dù bận bịu đến mấy ông xã vẫn phải thu xếp qua Cần Thơ chở tôi đi chơi, mua sắm; nếu không thì thế nào cũng có chuyện cãi vã…”. Cũng theo chị D. mọi việc duy trì tốt đẹp khoảng 1 năm đầu, sau đó số cuộc gọi và gặp mặt thưa dần. Đặc biệt kể từ khi chị sinh con, do bận bịu công việc, gia đình nên có đôi lúc chồng chị không có mặt kịp thời, khiến chị suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nghi ngờ chồng phản bội.

Sau nhiều lần gặng hỏi thậm chí kiểm tra mail, điện thoại, tài khoản mạng xã hội… cuối cùng chị D. phát hiện ra chồng thường xuyên chat với đồng nghiệp nữ. Chị D. tâm sự: “Anh chia sẻ với nữ đồng nghiệp rất nhiều điều từ những chuyện buồn phiền trong công việc cộng thêm áp lực gia đình, vợ chồng. Nguyên nhân cũng vì anh không muốn làm cho vợ thêm buồn phiền, lo lắng. Càng đọc những dòng tin tôi càng hối hận vì mình đã không tâm lý, ghen tuông vô cớ”. Thế là chị D. chủ động làm hòa với chồng và tháo gỡ hết những gút mắc trong lòng, vợ chồng thông hiểu nhau hơn. Từ đó, chồng chị D. không còn giữ thói quen chat khuya với cô bạn đồng nghiệp mà dành nhiều thời gian quan tâm đến vợ, con. Về phần chị D. tuy suốt ngày bận bịu với việc chăm con nhưng cũng không quên dành cho chồng sự quan tâm, hỏi han công việc của chồng, luôn tạo điều kiện thuận lợi để anh được nghỉ ngơi, giải trí thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng.

Chị V. ở quận Bình Thủy, cũng áp dụng cách riêng để duy trì hạnh phúc gia đình. Chị V. tâm sự: “Lúc mới cưới vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Hễ mỗi lần anh đi ra ngoài về muộn là tôi đứng ngồi không yên. Kể từ khi có con, tôi hướng mình vào những việc có ích hơn chứ không bó chân ngồi đợi như trước. Đến nỗi có lần ông xã thắc mắc sao vợ lại không gọi điện nhắc mỗi khi anh về trễ. Và anh luôn chủ động về nhà sớm vì sợ vợ con kéo nhau đi chơi, đi ăn bỏ mình ở nhà…”. Cũng theo chị V. để có được sự chuyển biến như trên, đòi hỏi cả một quá trình. Chị V. quan niệm hạnh phúc là do sự vun đắp từ hai phía vì thế cần sự tự giác và trách nhiệm của cả hai. Bản thân chị luôn tôn trọng tình cảm gia đình, hiếm khi nào chị quên ngày lễ, kỷ niệm, tôn trọng sở thích của các thành viên. Lúc rảnh rỗi, chị thường hay nấu những món ngon mà chồng, con yêu thích. Những dịp đi công tác xa, gặp món gì ngon hay món đồ thích hợp, chị đều không ngại công mua cho bằng được. Còn chồng chị từ người đàn ông khá vô tâm, thờ ơ với việc nhà, chăm con, dần trở thành người chồng, người cha có trách nhiệm, cùng chị chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết