27/10/2016 - 15:43

“Kim chỉ nam” cho việc mua điện thoại cũ

Việc mua một chiếc điện thoại thông minh đã qua sử dụng là sự lựa chọn của khá nhiều người. Nó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà đôi khi bạn vẫn có thể "tậu" được một chiếc điện thoại còn rất tốt với giá hời. Tuy nhiên, trước khi mua, ngoài việc xem các trầy xước bên ngoài, bạn rất cần kiểm tra thật kỹ 4 yếu tố quan trọng.

1. Phần cứng

+ Điện thoại iPhone

Để kiểm tra phần cứng của một chiếc iPhone cũ, ta có nhiều cách, nhưng tốt nhất bạn nên cài đặt ứng dụng ReGlobe. Đây là ứng dụng miễn phí, nó giống như một thị trường trực tuyến, nơi bạn có thể bán chiếc điện thoại của bạn. Trong khi bán hàng trên nền tảng này hoàn toàn là sự lựa chọn của bạn, nó có một công cụ được xây dựng sẵn có thể giúp kiểm tra phần cứng cần thiết.

Sau khi cài đặt và khởi động ReGlobe trên iPhone, ứng dụng sẽ hướng dẫn bạn thông qua việc kiểm tra phần cứng từng bước một. Trong bước đầu tiên, nó sẽ kiểm tra tất cả phần cứng liên quan đến âm thanh và cung cấp một báo cáo đầy đủ.

Tiếp theo, nó sẽ giúp bạn kiểm tra những thành phần khác như nút Volume, phím Home, nút nguồn, thiết bị thu âm (microphone), tai nghe và màn hình... Tất cả những kiểm tra này rất chuẩn xác, sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn toàn diện về chiếc iPhone dự định mua.

+ Điện thoại Android

Nếu là điện thoại Android, bạn có thể cài đặt ứng dụng Phone Doctor Plus để kiểm tra phần cứng cần thiết. Các bài kiểm tra có 30 hạng mục phần cứng, bao gồm các cảm biến, cảm ứng đa điểm, tai nghe, micrô, cảm biến con quay hồi chuyển, cảm biến tiệm cận, màn hình...

2. Thông tin IMEI

Kiểm tra IMEI (International Mobile Equipment Identity - số nhận dạng thiết bị di động quốc tế) để xem các thiết bị có thuộc diện bị mất cắp hoặc nằm trong "danh sách đen" hay không. Cách tốt nhất để làm điều này là tìm các số IMEI của thiết bị và tra nó trên một cơ sở dữ liệu trực tuyến.

Số IMEI có thể được tìm bằng cách bấm * # 06 #, và một khi bạn có số này, tiếp tục mở trang IMEI Checker (https://goo.gl/FmUE3n), rồi nhập số IMEI của thiết bị để kiểm tra. Nếu điện thoại có báo cáo là bị đánh cắp, dịch vụ sẽ cung cấp tình trạng như bị khóa hoặc nằm trong "danh sách đen" (Blocked/Blacklisted).

3. Khóa kích hoạt

Kiểm tra tình trạng khóa kích hoạt là cần thiết vì nếu một điện thoại buộc phải thiết lập lại, bạn sẽ không thể sử dụng nó với định danh (ID) cá nhân của bạn.

+ Điện thoại iPhone

Để kiểm tra iPhone, bạn mở trang iCloud Activation Lock và nhập vào số IMEI để thực hiện việc kiểm tra. Nếu Find My iPhone được kích hoạt trên số IMEI đó, nó sẽ hiển thị và do đó bạn nên yêu cầu người bán tắt nó trước khi mua.

+ Điện thoại Android

Đối với người dùng Android, không có cách nào trực tiếp để biết nếu điện thoại đã bật khóa kích hoạt. Tuy nhiên, bạn có thể thử cấu hình nó theo ID Google của bạn. Nếu điện thoại thông báo rằng việc cấu hình lại không được thực hiện và đòi ID cũ trước khi bạn có thể cấu hình nó, có nghĩa là các khóa kích hoạt đang hoạt động.

Khi đó, bạn chỉ cần yêu cầu người bán "làm sạch" điện thoại đúng cách và tiến hành thiết lập ID Google lại.

4. Tình trạng bảo hành

Để kiểm tra tình trạng bảo hành của iPhone, bạn chỉ cần mở trang Check Coverage của Apple - nơi bạn có thể kiểm tra các dịch vụ và hỗ trợ trên iPhone. Kế tiếp, bạn hãy nhập số serial number của iPhone để xem tình trạng bảo hành của nó.

Đối với điện thoại Android, bạn chỉ có thể dựa trên hóa đơn hợp lệ với số IMEI để biết tình trạng bảo hành của điện thoại, thường lên đến một năm.

Hoàng Thy

Chia sẻ bài viết