04/01/2018 - 20:09

“Khi con là nhà” – Thấm tình cha con 

Những ngày cuối năm 2017, điện ảnh Việt khép lại bằng bộ phim về tình cảm gia đình “Khi con là nhà” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Câu chuyện cảm động, dễ thương của phim mang lại nhiều cảm xúc và sự ấm áp.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp Lotte Cinema và CGV.

Hai cha con Bi trong phim.

Đ​ạ​o diễ​n Vũ Ngọc Đãng có ngã rẽ bất ngờ khi làm phim gia đình và​ tạ​o bước ngoặt khi trình làng một tác phẩm nhẹ nhàng mà​ giàu cảm xúc.

Chuyện phim kể về hai cha con Quang và cậ​u bé​ Bi 6 tuổi ở một vùng quê nghèo. Vợ mất sớm, Quang lại mê bài bạc, đá gà, đánh đề, khiến anh lâm vào cảnh túng bấn. Cũng vì bài bạc, Quang bị công an truy bắt, trốn lên Sài Gòn, Bi phải lén đi theo cha. Không giấy tờ, không đồng xu dính túi, hai cha con sống lây lất nơi đầu đường xó chợ. Nhiều biến cố xảy ra, hai cha con lạc mất nhau, Bi rơi vào tay kẻ chăn dắt trẻ em. Quang bất chấp mọi nguy hiểm đi tìm con để rồi khi đoàn tụ, anh mới sửa mình để làm người cha tốt hơn.

 “Khi con là nhà” có đường dây cốt truyện mạch lạc, bố cục chỉn chu, nội dung nhân văn, lôi cuốn người xem dõi theo hành trình phiêu bạt của hai cha con cho đến phút cuối cùng. Vẫn như những bộ phim khác, Vũ Ngọc Đãng chăm chút từng khung hình, bối cảnh khiến phần hình ảnh của phim dù ở thôn quê hay thành phố phồn hoa vẫn ấn tượng, giàu​ biể​u cảm. Phần hóa trang thuyết phục người xem bằng những hình ảnh chân thật, gần gũi đời thường. Những diễn viên thư​ờ​ng đóng những vai thờ​i thư​ợ​ng như Lương Mạnh Hải, Tú Vi, La Quốc Hùng hóa thân thành những con người nghèo khổ, lam lũ từ cuộc sống đến ngoại hình. Điển hình như Lương Mạnh Hải trong vai Quang với đầu bù tóc rối, da rám nắng, răng xỉn màu, quần áo cũ kỹ, lôi thôi lếch thếch… Sự tỉ mỉ trong hóa trang cùng diễn xuất khá tốt vai người cha hết lòng thương con, giúp Lương Mạnh Hải tạo được hình ảnh mới và sự khác biệt trong lòng khán giả sau những vai diễn có phần đi vào lối mòn của anh.

Điểm sáng diễn xuất của phim thuộc về diễn viên nhí Duy Anh trong vai bé Bi. Biểu cảm tự nhiên, đặc biệt là những cảnh khóc, những tiếng kêu ba lạc giọng của cậu bé khiến người xem không khỏi xót lòng. Sự kết hợp, tung hứng của Lương Mạnh Hải và Duy Anh trong suốt bộ phim, dù bi hay hài đều rất nhịp nhàng, ăn khớp, khiến người xem cảm nhận, thấm tình cha con từng chút một. 

Có lẽ, với những khán giả khắt khe, phim còn thiếu một chút cao trào, kịch tính hay những tình tiết đắt giá để đẩy cảm xúc đến mức vỡ òa. Nhưng với đại đa số người xem, phim đã chiếm trọn cảm tình của họ. Bởi phim không chỉ truyền tải trọn vẹn tình cha con khắng khít mà còn làm bật tình người ấm áp qua các nhân vật phụ, giúp đỡ hai cha con như: cô Liễu, bà chủ quán hủ tiếu, người phụ nữ lượm ve chai…

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết