01/08/2023 - 08:33

Ðiện ảnh Nhật có đang thoái trào? 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, Hollywoodreporter)

Bên cạnh Bắc Mỹ và Trung Quốc, thì Nhật Bản là thị trường phòng vé lớn toàn cầu bởi ngành công nghiệp điện ảnh đặc trưng của quốc gia này. Tuy nhiên, giới chuyên môn quan ngại rằng chất lượng điện ảnh Nhật đang dần có sự thay đổi.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phim điện ảnh Nhật Bản, năm 2022, tổng doanh thu phòng vé nước Nhật đạt 213 tỉ yên, tăng 31,6% so với năm 2021. Với doanh thu này, điện ảnh Nhật phục hồi, đạt 80% so với trước đại dịch (261 tỉ yên, năm 2019). Doanh thu năm 2019 cũng là doanh thu phòng vé cao nhất được ghi nhận kể từ khi hệ thống báo cáo bắt đầu vào năm 2000. Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách các phim có doanh thu thì hơn phân nửa đều là phim hoạt hình, cụ thể: "One Piece Film Red","Jujutsu Kaisen", "Suzume", "Detective Conan: The Bride of Halloween"… Ngành công nghiệp điện ảnh của Nhật vì thế cũng gắn liền với ngành công nghiệp hoạt hình.

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng thị trường nội địa tại Nhật ngày càng khó khăn, các phim nội rất khó tìm chỗ đứng. Trong khi đó, văn hóa hoạt hình của Nhật phổ biến và được yêu thích trên toàn cầu, tạo thuận lợi cho nhiều phim hoạt hình phát hành. Chính sự phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp hoạt hình đã dần làm thay đổi cách thức sản xuất phim ảnh truyền thống tại Nhật. 

Trước đây, điện ảnh Nhật có chất riêng, đặc biệt là trong những năm 1950. Thời điểm này có không ít phim Nhật lọt vào danh sách phim kinh điển của điện ảnh thế giới: "Rashomon", "Seven Samurai", "Tokyo Monogatari"… Trong đó, "Rashomon" đã mang về Oscar đầu tiên cho Nhật hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Điện ảnh Nhật vẫn mang đậm phong cách chung là đặc tả, có những quy luật riêng về bố cục khung hình và cách dựng phim đặc biệt trong tạo tâm lý cho nhân vật lẫn người xem. Điều này vốn được đánh giá cao, hình thành phong cách điện ảnh kinh điển của Nhật, nhưng ngày nay có vẻ đã không còn phù hợp.

Sau COVID-19, thị hiếu khán giả đã dần thay đổi, buộc các nhà sản xuất, nhà làm phim phải thích ứng. Các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... đều không ngừng thay đổi cách thức làm phim để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khán giả. Trong khi Nhật Bản vẫn giữ nguyên lối sản xuất phim cũ. Do đó phim Nhật hiện tại được xuất khẩu, phát hành thị trường quốc tế phần lớn là phim hoạt hình. Doanh thu phim hoạt hình đang đóng vai trò trọng yếu cho ngành điện ảnh quốc gia này. Cụ thể, phim hoạt hình "Demon Slayer the Movie: Mugen Train" (ảnh) có thể dễ dàng mang về hơn 364 triệu USD doanh thu toàn cầu, nhưng phim điện ảnh "Kaiji: Final Game" với sự góp mặt của dàn sao hàng đầu của Nhật vẫn chật vật thu về hơn 17 triệu USD doanh thu toàn cầu.

Sự thật này buộc ngành điện ảnh Nhật phải nhìn nhận lại và cần có sự thay đổi. Chính phủ nước này hiện đã lập quỹ Cool Japan, nhằm hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm điện ảnh. Nhà sản xuất Horoyuki Akune cho rằng điện ảnh Nhật trước hết phải hướng đến hợp tác quốc tế, thích ứng cách làm phim mới, cập nhật thị hiếu khán giả ở các thị trường. Horoyuki Akune đã nhanh chóng thích ứng khi hợp tác cùng Netflix để sản xuất "Naked Director" và phim gây sốt trên nền tảng trực tuyến Netflix.

Ngành công nghiệp điện ảnh Nhật đã có lịch sử hơn trăm năm với bản sắc văn hóa rất riêng. Cho đến nay, điện ảnh Nhật vẫn giữ chất bản địa và vì "quá Nhật" nên khó tìm đầu ra ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thị trường hiện nay là bài toán khó không chỉ với ngành công nghiệp điện ảnh Nhật mà còn ở toàn cầu. Để tồn tại, mỗi quốc gia phải có sự nỗ lực thích ứng riêng và điện ảnh Nhật đang tìm sự thích ứng phù hợp với thị trường.

Chia sẻ bài viết