06/07/2017 - 21:33

“Hồi sinh” một dòng kênh ở Thới Lai

Kênh Mương Lộ nằm song song với đường tỉnh 922, từ Rạch Nhum đến gần khu hành chính huyện Thới Lai dài khoảng 8km trước kia bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhưng từ khi được nạo vét, khai thông, con kênh đã trong xanh trở lại, vừa đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, vừa đẹp cảnh quan môi trường ở địa phương.

 Con kênh Mương Lộ đã trong xanh trở lại.

Theo các vị cao niên ở địa phương, kênh Mương Lộ có sau năm 1975, hình thành do nhu cầu tưới tiêu trong canh tác nông nghiệp và lấy đất làm nền hạ cho đường tỉnh 922. Từ đó đến nay, con kênh chưa từng được nạo vét, tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhà cửa hai bên rạch chật kín khiến con kênh bị bồi lắng, rác thải tràn ngập dưới lòng kênh. Khổ sở nhất là những khi kênh cạn nước, mùi hôi bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con. Điều khiến địa phương và bà con trăn trở nhất là việc nạo vét kênh khó thực hiện do rất nhiều hộ dân đều có cầu bê tông bắc ngang kênh để vào nhà. Chỉ riêng 4km đoạn thuộc xã Thới Thạnh đã có đến 85 cây cầu.

Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, cho biết, khi địa phương đã sắp hoàn thành quá trình xây dựng nông thôn mới thì con kênh Mương Lộ trở thành "bài toán khó" bởi có vị trí "mặt tiền" nhưng ô nhiễm, không đảm bảo mỹ quan. Vậy là địa phương bàn với nhân dân quyết tâm nạo vét con kênh. Chiếc xáng cuốc nhỏ được chọn, khi nạo vét xong đoạn ngắn thì phải lên bờ để tránh cầu rồi tiếp tục đoạn khác; những cầu có quy mô lớn thì địa phương vận động bà con tháo dỡ 1- 2 trụ cầu để xáng cuốc qua. Chỉ hơn 4km ở xã Thới Thạnh nhưng phải thi công từ cuối năm 2015 đến tận tháng 7-2016 mới hoàn thành việc nạo vét. "Nhờ vậy mà xã Thới Thạnh hoàn thành tiêu chí về môi trường, đã được công nhận xã nông thôn mới vào tháng 8-2016"- ông Nguyễn Văn Bé Ba thông tin.

Không chỉ giúp địa phương "gỡ khó" mà lợi ích thật sự được bà con phấn khởi chia sẻ. Ông Cao Văn Thành, cán bộ giao thông thủy lợi xã Thới Thạnh, kể rằng, những ngày nạo vét kênh bà con đứng coi rất đông, ai cũng vui mừng. Đất nạo vét quăng lên tới đâu, bà con lại tấn dọc bờ kênh, trải đều tạo vẻ thông thoáng rồi trồng hoa kiểng đẹp mắt. Dòng kênh đen ngòm, hôi thối ngày nào đã trong xanh trở lại. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, người dân ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, phấn khởi kể: Bây giờ có ghe hàng bán đồ ăn dưới kênh, mùa lúa vừa rồi bà con chở lúa bằng ghe về tận nhà, không còn nhọc nhằn như trước nhờ con kênh Mương Lộ được nạo vét. "Hồi trước làm gì có mấy cảnh đó. Bây giờ chiều chiều, đi bộ ngắm nhìn con kênh đầy nước, trong lành, lòng cũng thấy vui"- ông Hoàng nói.

Từ khi con kênh được nạo vét, bà con trồng hoa kiểng, các loại cây giữ đất dọc bờ kênh. Địa phương cũng vận động bà con không vứt rác, xác súc vật chết… xuống kênh để tránh ô nhiễm và nhất là không xây cất lấn chiếm lòng kênh. Bà con ai cũng vui vẻ chấp hành bởi nhiều người nói rằng: Ai lại đi "giết" con kênh vừa mới được "hồi sinh"? Chuyện "hồi sinh" kênh Mương Lộ cũng là minh chứng cho quyết tâm cải tạo môi trường, khôi phục hệ thống kênh rạch của thành phố giữa thời đô thị hóa. Qua đó, người dân cũng ý thức hơn trong giữ nét văn minh đô thị, bảo vệ môi trường; bởi suy cho cùng, người dân sống ven kênh rạch sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên khi dòng nước bị ô nhiễm. Ý thức nhỏ cho một lợi ích lớn là vậy! 

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết