13/04/2024 - 12:30

“Hoa Xương Rồng” mạnh mẽ và kịch tính 

Tiểu thuyết “Hoa Xương Rồng” của nhà văn Nguyễn Trí đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học về Công nhân - Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Lao Động tổ chức năm 2023. Câu chuyện được viết dựa vào cuộc đời của chính tác giả và gia đình. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Vốn có năm năm rưỡi làm công nhân trong các nhà máy ở khu công nghiệp, Nguyễn Trí dễ dàng tải tư liệu và dệt nên những trang viết sinh động về công nhân và tổ chức công đoàn. Ông cho biết, ông hoàn thành tác phẩm chỉ trong 35 ngày, lấy chất liệu từ gia đình ông và những người thân, bạn bè, đồng nghiệp...

Câu chuyện mở đầu từ cô bé Hương, 14 tuổi, phải nghỉ học đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền phụ giúp gia đình, vì cha cô - ông Năm Thao - bị bệnh nặng phải nhập viện cấp cứu. Bà Năm Thao đi vay tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” để lo cho chồng, sau phải bán nhà để trả nợ. Khi ông Năm Thao bình phục, cả nhà dắt díu nhau lên thành phố mưu sinh; rồi cả gia đình lại trôi dạt về khu công nghiệp X để kiếm sống. Tại đây, ông quen biết với Mười Cường, một tay anh chị khét tiếng và Minh Tàn, còn gọi là Năm Lựu Đạn, một công nhân nhà máy dệt nhuộm nhưng đầy nghĩa khí. Cả hai giúp đỡ gia đình Năm Thao có chỗ ở và việc làm. Từ đây, đời sống công nhân được khắc họa đa chiều, một cách chi tiết, lôi cuốn… 

Tác giả đã dựng nên một “thế giới” công nhân với tất cả sự đa dạng về thân phận, hoàn cảnh. Trong thế giới ấy, có những em gái 15, 16 tuổi như Hương vì hoàn cảnh ngặt nghèo phải bỏ học giữa chừng để đi làm; có những “tay giang hồ” sau một thời gian vẫy vùng giờ vào nhà máy để sống cuộc đời yên ổn như Năm Lựu Đạn; lại có những cặp vợ chồng trí thức nhưng xảo trá như Tuấn - Trang...

Đời sống của công nhân từ những khó khăn riêng và chung, rồi có những cá nhân ăn chặn cả bữa ăn của công nhân, đến những tệ nạn như chơi đề, hút chích, trai gái, nhậu nhẹt… đều được thể hiện sinh động qua những trang sách. Có những người làm việc nghiêm túc, tận tụy nhưng cũng có kẻ xảo trá, gian manh, ăn cắp vật liệu, hàng hóa của công ty bằng nhiều mánh khóe. Ghê gớm hơn, những con người từng là công nhân, được thăng tiến lên chức nhưng lại ra sức bóc lột công nhân, ăn chặn tiền của công ty và nhiều thủ đoạn khác. Bên cạnh đó, công đoàn - tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động - cũng được miêu tả rất chi tiết thông qua những nhân vật và hoạt động cụ thể. Ngoài ra, một thế giới khác góp phần tạo nên sự gay cấn, hấp dẫn của tác phẩm là những tay anh chị, những trùm xã hội đen núp trong bóng tối điều khiển những hoạt động phi pháp như: buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, ghi đề, chơi hụi… Những thế lực ngầm này tác động không nhỏ đến đời sống của công nhân bằng cách vươn dài những vòi bạch tuột dụ dỗ, khống chế, “hút máu” họ bằng nhiều hình thức.

Trên phông nền đa chiều ấy, gia đình Năm Thao, Năm Lựu Đạn và một số nhân vật khác được tôn vinh qua lối sống đàng hoàng, tử tế, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Dù họ làm công nhân hay phụ hồ, phụ bếp, giúp việc nhà… thì vẫn cố gắng giữ mình trước những cám dỗ của xã hội. Đó là vẻ đẹp tình vợ chồng, tình cha con luôn bảo vệ nhau, luôn nghĩ cho nhau trước giông tố cuộc đời. Đó còn là vẻ đẹp của tình đoàn kết của những công nhân tụ họp lại với sự hướng dẫn của công đoàn. Họ sát cánh bên nhau, đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng trước những bất công và sai trái; cùng tố cáo hành vi phạm tội của những kẻ ác, giúp công an điều tra vụ án… 

Thông qua tiểu thuyết, tác giả muốn gửi gắm tới những người công nhân lao động thông điệp: Hãy như cây xương rồng - dù phải chịu nắng gió nơi sa mạc khô cằn vẫn xanh tươi và ra hoa.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết