22/10/2014 - 18:00

“Hệ lụy”- thấu hiểu để trân trọng cuộc sống

 

“Hệ lụy” là tiểu thuyết đầu tay của Lại Văn Sinh - đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng. Câu chuyện về cái chết của người lính trẻ, gây nên những hệ lụy cho gia đình và thế hệ sau được viết bằng văn phong giàu hình ảnh và đầy trăn trở, suy tư…

Sách do NXB Hội Nhà Văn phối hợp với Phương Nam Book phát hành.

Câu chuyện bắt đầu từ những giấc mộng của bà Độ về Kỷ, người con trai lớn đi bộ đội và chết bí ẩn trong chiến tranh. Ba đêm liền Kỷ về kêu đau với mẹ, nên vợ chồng bà Độ triệu tập con cháu trong gia đình quyết đi tìm mộ của Kỷ. Hành trình đó giúp gia đình bà Độ quay về quá khứ và nguyên nhân cái chết của Kỷ dần được sáng tỏ. Khi tìm thấy mộ Kỷ, gia đình bà Độ cũng đồng thời nhìn nhận đứa con rơi của anh nhưng niềm vui chưa trọn thì nỗi đau khác lại ập đến…

“Hệ lụy” gây ấn tượng ngay từ bìa sách- một hình nhân cúi đầu bước đi trong những vòng tròn lẩn quẩn tưởng chừng không thể thoát ra được của kiếp nhân sinh. Khác với phần nhiều tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam, “Hệ lụy” đề cập đến nỗi đau do những quan điểm ấu trĩ một thời gây ra. Ở đó, “nghèo” được xem là một giá trị đến nỗi ai cũng cố mọi cách để được công nhận là thành phần gia đình nghèo. Có như thế thì mới hãnh diện, mới có cơ hội tiến thân. Cách nhìn nhận cực đoan và phiếm diện ấy ảnh hưởng đến cuộc sống của biết bao gia đình. Trong đó, gia đình Kỷ là một minh chứng sống động. Từ cha Kỷ đến Kỷ phải gánh chịu biết bao hệ lụy dù họ là những người sống nghiêm túc, mẫu mực. Đỉnh điểm là cái chết của Kỷ. Tài hoa, lại có được tình yêu của cô thôn nữ duyên dáng nơi đơn vị đóng quân, Kỷ bị những kẻ ganh ghét, đố kỵ hãm hại. Không tìm được thủ phạm, không điều tra được nội tình nên đơn vị không thể công khai, giải thích về cái chết của Kỷ. Kỷ được chôn một cách bí mật, chỉ 2 người biết địa điểm cùng những lời đồn lấp lửng liên quan đến “bí mật quân sự”, khiến gia đình Kỷ sống hoang mang và bị xa lánh suốt thời gian dài. Và hệ lụy không chỉ dừng lại ở đó mà còn kéo dài đến đời sau khi hai anh em họ vô tình trở thành người yêu của nhau...

“Hệ lụy” có bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ mang đậm chất điện ảnh trong từng phân đoạn miêu tả cảnh sắc hay tâm lý nhân vật. Đặc biệt, tác phẩm có nhiều phần bình luận sâu sắc, ý nghĩa. Ngoài nội dung chính, tác giả còn đề cập đến vòng luẩn quẩn của xã hội: đói nghèo, chiến tranh, thiếu hiểu biết dẫn đến những hệ lụy đau lòng đã đành, nhưng khi đất nước hòa bình, đổi mới và phát triển thì lại nảy sinh những hệ lụy từ sự vô ơn, lòng tham, cái ác… Cái nhìn trực diện cùng cách thể hiện sinh động tạo nên sức hút cho tác phẩm. Và với “Hệ lụy”, độc giả đối mặt với những khắc nghiệt của cuộc sống để trân quý hơn những điều tốt đẹp xung quanh.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
“Hệ lụy”