26/03/2023 - 21:25

“Hào quang rực rỡ”

Buổi ra mắt dự án phim “Hào quang rực rỡ” của ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng diễn ra mới đây thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, sự quan tâm đó không phải vì bộ phim nói về cuộc đời của nam ca sĩ tự nhận danh hiệu “Ông Hoàng nhạc Việt”, cũng không phải vì quy tụ dàn nghệ sĩ đông đảo; mà vì màn khóc sướt mướt và lời chia sẻ “tận đáy lòng” của một nam nghệ sĩ khách mời. Anh này khóc nức nở ngay trên sân khấu và nói: “Ðời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều. Có rất nhiều thăng trầm. Hãy nếm bốn chữ “hào quang rực rỡ” đi rồi biết nó là cái gì”.

Lời chia sẻ “đẫm nước mắt” ấy nhận nhiều phản hồi không hài lòng từ dư luận. Nhiều người nói rằng, đã “khó nuốt” thì đừng “nuốt”. Phàm làm nghề gì trên đời này, từ cô bán hàng rong, anh viên chức, đến nghệ sĩ, người làm thuê... đều có những áp lực đặc thù. Dĩ nhiên, với nghệ sĩ, áp lực sẽ nhiều hơn vì họ là người của công chúng. Nhưng nếu chỉ vậy mà đã cảm thấy “khó nuốt” thì tốt hơn hết là hãy về vườn vui thú điền viên.

Vấn đề ở đây, nhiều nghệ sĩ đang tự chuốc khổ vào thân khi khoác cho mình chiếc áo quá rộng, quá lượm thượm. Ai cũng ông hoàng, bà chúa, ai cũng là số 1, đệ nhất, danh hài, danh ca... và tự cho mình hơn người khác một bậc. Cùng với đó, họ tự cho họ những đặc quyền, rằng khán giả phải luôn ủng hộ, phải yêu thương họ như một nghệ sĩ lớn. Khi khán giả có những góp ý hoặc phản ứng trái chiều, họ lại cảm thấy bị xúc phạm, bị hiếp đáp, đầy oan ức. Nhiều người còn quay lại mắng nhiếc khán giả.

Không chỉ nghệ sĩ mà bất kỳ ai, đã nói đến “hào quang rực rỡ” thì nào có dễ. Với những nghệ sĩ chân chính, hào quang rực rỡ chỉ là khi họ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, sắm trọn vai trò đem đến chân - thiện - mỹ cho công chúng. Khi hoàn thành công việc, họ trở về đời thường với khán giả của họ, thế thôi!

Ðể nói về hào quang rực rỡ của nghệ sĩ, xin kể 3 câu chuyện của 3 nghệ sĩ gạo cội. Hồi 90 tuổi, cố NSND Bảy Nam, bậc tiền bối, đứng dưới hàng ghế khán giả của rạp hát mà tâm sự: “Khán giả của tôi, khán giả từ Nam - Trung - Bắc, bảy mươi mấy năm đã yêu thương tôi, đã dìu dắt tôi, đã dạy dỗ tôi, mà bây giờ tôi phải chia tay. Cái nấc thang ác nghiệt này tôi phải bước xuống, tôi phải từ giã khán giả rồi. Không có một cái phép lạ nào để tôi ngồi cạnh khán giả thân yêu của tôi. Hết rồi! Hết rồi...”.

Còn cố nghệ sĩ Út Bạch Lan lúc sinh thời ai cũng biết bà hiền hậu, khiêm nhường, lúc nào mở đầu câu chuyện cũng dạ, thưa. Có lần, bà nhắc lại lời dạy của tiền bối mình rằng, nghệ sĩ hát hay thì cũng không được làm khó mấy đứa em vô sau. Còn với những khán giả thương mình, dù người ta có nghèo, mua gánh bán bưng, thì mình cũng phải đứng lại, nói chuyện phải rất lễ phép. Không phải mình nghệ sĩ thì mình muốn nói gì thì nói, muốn mặc cái gì thì mặc.

Chuyện cuối là của nghệ sĩ Vũ Linh, vừa qua đời. Một video clip lan truyền câu chuyện do chính ông kể lúc sinh thời. Trong một buổi biễu diễn, chủ đoàn quảng cáo nghệ sĩ tham gia biểu diễn, đặt ông lên hàng đầu rồi mới tới nhiều nghệ sĩ đàn anh, chị của ông phía dưới. Khi ông hỏi thì được trả lời: “Anh là ngôi sao hàng đầu mà!”. Ông sửa ngay: “Không có hàng đầu, hàng cuối gì hết. Em phải sửa lại liền, đầu tiên là chị Út Bạch Lan, anh Phương Quang, anh Minh Vương, chị Lệ Thủy, rồi mới tới anh, tới Phương Hồng Thủy...”. Hay một câu chuyện khác qua lời nghệ sĩ Hồng Sáp (gần 90 tuổi), người chuyên mặc phục trang cho nghệ sĩ: Nghệ sĩ Vũ Linh không bao giờ để cho bà giúp mặc đồ khi diễn mà nhờ những người trẻ tuổi, vì biết bà là người lớn tuổi, lại là nghệ sĩ đi trước...

Mấy câu chuyện “ôn cố tri tân” để nghệ sĩ bây giờ nghiền ngẫm. “Hào quang rực rỡ” của nghệ sĩ là ở nơi khán giả chứ không phải tự phong, tự nói là được! Nói như cố NSND Bảy Nam, “khán giả đã dạy dỗ” người nghệ sĩ, còn bây giờ, nhiều nghệ sĩ sao cứ thích làm điều ngược lại!l

Chia sẻ bài viết