15/07/2018 - 10:33

“Gia Định tam gia” và những cống hiến cho văn hóa nước nhà 

Biên khảo: Đặng Hoàng Thám

“Gia Định tam gia” (hay “Gia Định tam gia thi”) là danh hiệu người đời xưng tụng ba vị quan văn của thời Vua Gia Long: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Các cụ là công thần trong xây dựng cõi Nam, đồng thời có những đóng góp quan trọng cho văn học và sử học nước nhà.

Khu mộ cụ Ngô Nhơn Tịnh. Ảnh: TL

Từ giữa cuối thế kỷ XVIII, sinh hoạt văn hóa- xã hội ở các trung tâm văn hóa của miền Nam, nhất là tại Gia Định, diễn ra khá sôi nổi. Điển hình là sự ra đời của “Bình Dương thi xã” quy tụ các văn nhân, thi sĩ trong những cuộc gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn chương, thi phú, ngâm vịnh, họa, bình phẩm các tác phẩm. Nổi bật trong “Bình Dương thi xã” là nhóm “Gia Định tam gia thi”, gồm các cụ: Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức. Các cụ là quan văn có nhiều công lao trong việc an dân, trị quốc cũng như trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, “Gia Định tam gia” là đồng môn, học trò của cụ Võ Trường Toản, danh sư được người đời kính trọng.

Nhiều tuổi nhất trong “Gia Định tam gia” là cụ Lê Quang Định (1759-1813), người huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Cha của cụ Lê Quang Định vốn là viên quan nhỏ chẳng may mất sớm, nhà nghèo nên cụ theo anh vào ngụ ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Tại đây cụ theo học Thầy Võ Trường Toản ở làng Hòa Hưng và sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, nên được một thầy thuốc trong vùng gả con gái cho. Cụ và Ngô Nhân Tịnh (1761-1813), Trịnh Hoài Đức (1765-1825) cùng theo học một thầy, kết thân với nhau rồi cùng sáng lập “Bình Dương thi xã”.

Khi Chúa Nguyễn Ánh tái chiếm Gia Định vào năm 1788, mở khoa thi chọn người hiền tài làm quan giúp nước, cụ Lê Quang Định (cùng với cụ Trịnh Hoài Đức) thi đỗ và được cử làm Hàn Lâm Viện chế cáo, giữ việc biên soạn sổ sách, sau điều chức Điền tuấn quan (chăm lo việc khai khẩn, khuyến nông), rồi lãnh chức Đông cung thị giảng (dạy học cho hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh). Năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, cụ Lê Quang Định được giữ chức Thượng thư bộ Binh, rồi làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1806, cụ đảm nhận việc biên soạn “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí” gồm 10 quyển, là bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn. Sách ghi chép đầy đủ và có hệ thống về đường sá, sông núi, thổ sản, phong tục từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Bộ sách được triều Nguyễn đánh giá rất cao, đồng thời trở thành công cụ tra cứu chủ yếu cho các công trình địa chí tiếp theo. Năm 1810, cụ giữ chức Thượng thư Bộ Hộ kiêm coi Khâm thiên giám (tức đài quan sát thiên văn).

Bên cạnh biên soạn địa chí, cụ Lê Quang Định có nhiều tác phẩm để đời, như: “Hoa nguyên thi thảo” bằng chữ Hán, gồm 74 bài hầu hết là thơ đề vịnh, cảm hoài và thù tạc; “Gia Định tam gia thi tập” gồm nhiều bài thơ in chung với thơ của cụ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Những sáng tác, nghiên cứu của cụ Lê Quang Định được giới văn chương trong nước và cả từ nước ngoài như Trung Hoa, Triều Tiên tán thưởng. Năm 1813, cụ Lê Quang Định từ quan và mất không lâu sau đó.

Là bạn học và bạn thơ với cụ Lê Quang Định, cụ Ngô Nhân Tịnh cũng làm quan nhà Nguyễn, từng giữ nhiều vị trí quan trọng, nhưng giai đoạn cuối gặp nhiều điều bất như ý. Tổ tiên của cụ Ngô Nhân Tịnh là người Minh Hương quê gốc Quảng Đông, Trung Quốc; đến Gia Định lánh nạn khi nhà Thanh lật đổ triều Minh. Cụ Ngô Nhân Tịnh được sinh ra tại Gia Định và được bồi dưỡng bởi nền giáo dục của nước ta. Không có sử liệu ghi lại quá trình cụ theo phò Vua Gia Long, chỉ có tài liệu ghi lại cụ khởi đầu với vị trí Thị độc Viện hàn lâm. Nhờ lập nhiều công trạng, năm 1812, cụ được Vua thăng chức Thượng thư Bộ Công, kiêm thêm Hiệp Hành Tổng Trấn tỉnh Gia Định và được phong tước Tinh Viễn Hầu. Ngay năm sau đó, cụ bị xàm tấu là ăn hối lộ. Vua Gia Long không tin, nên không trị tội ông, nhưng cũng không còn tin tưởng như trước. Cuối đời, ông sống ẩn dật và mất vào mùa đông năm 1813.

Nhiều tài liệu ghi chép cụ Ngô Nhân Tịnh làm quan thanh liêm, giản dị,  khẳng khái và có phần bộc trực, nóng nảy; vì thế hay bị gièm pha. Khi mất, cụ được an táng tại làng Chí Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; sau cải táng di dời về làng Tân Hóa, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định. Do khu mộ không người thăm nom thờ tự, năm 2004 UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã di dời và an vị lăng mộ cụ Ngô Nhân Tịnh trong khuôn viên chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình hiện nay).

Các tác phẩm của cụ hiện còn “Thập Anh đường văn tập” gồm 187 bài kinh nghĩa, lấy đề tài từ Kinh thi và Kinh thư, dùng làm mẫu cho những người đi thi tham khảo; “Thập Anh đường thi tập” gồm 81 bài thơ chữ Hán xướng họa với bạn bè; “Nhất thống dư địa chí” do Lê Quang Định soạn, Ngô Nhân Tịnh nhuận chính; “Gia Định tam gia thi tập” in chung với thơ của cụ Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định.  

Nhỏ tuổi nhất trong “Gia Định tam gia”, sự nghiệp của cụ Trịnh Hoài Đức nhiều thuận lợi. Cụ không chỉ là công thần của triều Nguyễn, mà còn là nhà thơ, nhà văn, sử gia nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX. Làm quan dưới triều Nguyễn, cụ Trịnh Hoài Đức lên đến chức Lại bộ thượng thư, kiêm Binh bộ thượng thư; được ban tước An Toàn Hầu.

Tuy quyền cao, chức trọng, nhưng cụ vẫn sống cuộc đời thanh liêm trong sáng. Sách “Đại Nam liệt truyện” triều Nguyễn ca ngợi: “Đức không có nhà riêng, vua cho 3.000 quan tiền và gỗ, gạch ngói, cho làm nhà để làm chỗ nghỉ ngơi, tắm gội”... Bên cạnh việc phụng sự triều Nguyễn, cụ dành trọn tâm huyết cho bộ sách “Gia Định thành thông chí”, bộ bách khoa tự điển địa lý nhân văn đến nay vẫn được sử dụng trong nghiên cứu lịch sử và địa lý miền Nam. Quyển sách này ghi chép công phu và tỉ mỉ về núi sông, khí hậu, hành chính, thành trì, cũng như phong tục tập quán, tính cách và sinh hoạt của dân cư tại vùng đất Gia Định từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất này từ năm 1698 cho đến những năm đầu thế kỷ XIX. Gia Định hay Gia Định thành ban đầu vốn là tên dùng để gọi toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam. Cho nên bộ sách viết về cả miền Gia Định, hay Nam Bộ xưa.      

“Gia Định tam gia” không chỉ nổi tiếng bởi tài hoa, mà còn là những tấm gương cống hiến cho sự phát triển chung của miền Nam.

-----------------

Nguồn tham khảo:

“Gia Định xưa”, Huỳnh Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2006

“Một số danh nhân lịch sử đất phương Nam”, nhiều tác giả, NXB Hồng Đức-Tạp chí Xưa & Nay, 2015

Chia sẻ bài viết