26/11/2022 - 09:09

Ðể thêm hiểu, thêm thương... 

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Giao tiếp có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống vợ chồng, giúp đôi bên thêm gắn kết. Sự ân cần, tôn trọng dành cho bạn đời qua lời nói không chỉ thể hiện tình cảm mà còn là văn hóa ứng xử, góp phần vun đắp hạnh phúc gia đình.

Giao tiếp tốt sẽ giúp gia đình thêm gắn bó, yêu thương (ảnh mang tính chất minh họa).

Hơn 40 năm bên nhau, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh ở quận Ninh Kiều, vẫn trò chuyện ngọt ngào như thuở mới về chung nhà. Bí quyết của chị Hạnh chính là sự tôn trọng, chia sẻ và cảm thông với chồng. Trước đây, chồng chị Hạnh công tác xa nhà, thường cuối tuần mới về thăm vợ con. Không quản ngại cực khổ, chị Hạnh tảo tần nuôi các con học hành đàng hoàng. Khó khăn nhưng chị không than van, cằn nhằn mà ngược lại còn động viên chồng cố gắng làm việc. Ðiều chồng chị Hạnh hài lòng nhất ở vợ là thái độ mềm mỏng, luôn nói năng lịch sự. Những khi anh nhậu nhẹt về trễ, chị chăm lo chu đáo chứ không vì giận mà bỏ mặc. Có chuyện không vui, chị cũng giữ trong lòng, đợi đúng dịp mới góp ý nhẹ nhàng. Mỗi khi chị Hạnh nhờ việc gì, chồng khó từ chối bởi cách nói khéo léo, kiểu : “Anh ơi! giúp em việc này với…”.

Chị Hạnh tâm sự: “Nhiều người cho rằng là vợ chồng rồi cần chi khách sáo, câu nệ cách ăn nói, nên đôi lúc phát ngôn thiếu kiểm soát, khiến bạn đời buồn lòng. Theo tôi, việc ứng xử hằng ngày rất quan trọng. Người vợ cần biết cách dùng lời nói để kéo chồng con vào quỹ đạo của mình, không áp đặt, xúc phạm”. Thấy vợ như vậy nên chồng chị Hạnh cũng tự điều chỉnh bản thân để giữ hòa khí. Mấy năm nay, chị Hạnh bị bệnh, được chồng hết lòng chăm sóc. Từ sự ân cần, thuyết phục của chồng mà chị chịu điều trị theo phác đồ, sức khỏe dần cải thiện. Các con chị Hạnh lập gia đình cũng theo gương cha mẹ, gìn giữ lời ăn tiếng nói, trong ấm ngoài êm.

Vợ chồng chị Yến Ngọc ở quận Bình Thủy, hay treo các câu nói về cách ứng xử vợ chồng trên vách nhà để nhắc nhở nhau. Chị Ngọc quan niệm giao tiếp hằng ngày rất quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình nên chị chọn sự dịu dàng và ngọt ngào để đối đãi với chồng. Về quê thăm nhà, đi đám tiệc hay gặp bạn bè, chị chỉ nói về những điều hay của chồng, phần nào chưa được thì “đóng cửa bảo nhau”. Chị Ngọc kể: “Trước khi cưới, tôi quy ước dù sau này có chuyện gì vợ chồng cũng không được gây tổn thương nhau bằng lời nói. Vợ chồng đều bận rộn nên thông cảm nhau, cần nhờ việc gì đều hỏi trước, nếu không được thì sẽ có cách sắp xếp, không giận hờn. Ðối với công việc nhà, vợ chồng cùng hỗ trợ nhau”. Theo chị Ngọc, để giao tiếp phát huy hiệu quả, phải hiểu tính chồng, chọn cách nói phù hợp và cần nhất là phải chân thật, cùng bàn bạc, không nên đặt người khác vào chuyện đã rồi. Tận dụng lợi thế, lời nói mang lại cho chị Ngọc nhiều kết quả tốt đẹp, được chồng rất mực yêu thương, gia đình hạnh phúc. 

Chị N ở quận Cái Răng, là người giỏi giang, có thu nhập cao. Áp lực công việc cộng với chăm lo các con và kiêm luôn nội trợ khiến chị N thường quá tải, sinh ra cáu gắt với người thân. Mỗi khi gọi điện thoại cho chồng con, chị N nói như ra lệnh và không cần nghe bên kia giải thích. Chồng chị N có tính vô tư, ít phụ giúp vợ nên hai bên thường cãi vã. Những lời cay nghiệt của chị N khiến chồng con ấn tượng sự “dữ dằn”, quên mất những hy sinh vất vả của chị. Sợ những lời xiên xỏ, bóng gió của vợ, có thời gian chồng chị "ngán" về nhà, ngủ lại cơ quan hoặc tá túc nhà mẹ ruột.

Má chồng chị N thương con dâu cực khổ, chỉ vì quá nóng tính, nói năng thiếu kiềm chế mà ra cớ sự, nên đứng ra khuyên giải, hàn gắn. Nghe lời má, chị N tập ăn nói có chừng mực, không cộc cằn, không cãi tay đôi hay tranh hơn thua với chồng nữa. Thấy vợ sửa đổi tính tình, chồng chị cũng bớt la cà bên ngoài, chia sẻ việc nhà. Ðiều chuyển biến tích cực là khi chị N đổi cách nói chuyện, đôi bên giao tiếp nhiều hơn trước, tâm sự về công việc, cách nuôi dạy con… Nhờ hiểu mà hai người thương nhau hơn.

Nhiều cặp đôi có cuộc sống hôn nhân viên mãn, cho rằng, người trong cuộc phải luôn tôn trọng bạn đời, thể hiện rõ nhất ở cách nói chuyện hằng ngày. Nghe cách xưng hô, biết gia đình hạnh phúc ra sao, tôn ti trật tự thế nào. Thực tế, cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng "màu hồng", mà sẽ có những lo toan, áp lực, không tránh khỏi buồn bực. Không ít gia đình mất hòa khí, có khi xảy ra bạo lực cũng vì nói năng gây tổn thương nhau. Ðể có sự hòa thuận, vợ chồng cần cư xử tế nhị. Hãy để hạnh phúc được thắp sáng bởi sự ngọt ngào, mến yêu dành cho nhau trong những lời nói và sự quan tâm chân thành.

Chia sẻ bài viết