02/10/2020 - 09:36

“Đốt nóng động cơ” tạo đột phá tăng trưởng kinh tế 

Trong 9 tháng của năm 2020, nền kinh tế thế giới và trong nước có những biến động lớn do tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, có độ mở lớn nên hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề. Mới đây, tại Diễn đàn “Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 và một số giải pháp”, nhiều ý kiến cho rằng, để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cần tìm ra hướng đi mới để bù đắp, thay thế những động lực tăng trưởng truyền thống đang dần mất lợi thế.

Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô.

Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô.

Tìm “cơ” trong “nguy”

Theo TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 vẫn mang đến một số cơ hội, xu thế mới cho nền kinh tế thế giới như: tái định hình chuỗi cung ứng; xu hướng tiêu dùng, thương mại trên nguyên tắc hạn chế tiếp xúc; thay đổi trật tự thế giới mới; gia tăng chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại; gia tăng đảm bảo an ninh lương thực và các sản phẩm thiết yếu. Ðối với Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nhiều cơ hội về thương mại và đầu tư mở ra: đa dạng hóa thị trường thương mại do các nước tìm kiếm nguồn cung mới và cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 thúc đẩy quá trình số hóa, gia tăng thương mại điện tử vốn đã phát triển trong mấy năm trở lại đây. Ông Phạm Ðình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Sự phát triển của nền kinh tế số cùng với những thay đổi trong thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người Việt cho thấy Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa bao giờ ở gần và tác động trực tiếp đến Việt Nam nhiều đến thế. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong tất cả các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội đều có sự chuyển đổi để thích nghi và phát triển nhanh chóng. Ðơn cử, những biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh giúp giáo dục trực tuyến trở thành giải pháp tối ưu của các trường học; hoạt động văn hóa, du lịch cũng đang hướng đến các mô hình trải nghiệm trực tuyến.

Theo nhận định từ các chuyên gia, Việt Nam là một những quốc gia thành công trong việc khống chế COVID-19 nên đã giảm thiểu được tác động của dịch. Và cơ hội để hồi phục kinh tế Việt Nam cũng đến sớm hơn, đặc biệt khi một số đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã kiểm soát được dịch bệnh khá tốt. “Khi dịch bệnh diễn ra, bên cạnh một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề (hàng không, du lịch, dịch vụ) thì một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (nông sản, thực phẩm, dược phẩm...). Mặt khác, với nỗ lực phòng dịch sớm và thành công trong việc kiểm soát dịch, Việt Nam hạn chế được thiệt hại về kinh tế so với các quốc gia khác, tạo dựng được niềm tin trong cộng đồng quốc tế. Ðây là điểm khác biệt trong việc tạo sức hút đầu tư đến Việt Nam trong thời gian tới” - ông Phan Vinh Quang, Chuyên gia kinh tế, nhận định.

Tạo sự đột phá

Ðại dịch COVID-19 cho thấy nhu cầu cấp thiết đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, tăng cường tính độc lập tự chủ, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, tái cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường. Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài có khá nhiều bất lợi, Việt Nam cần tìm các giải pháp duy trì tăng trưởng từ các động lực trong nước: ổn định vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp, hộ gia đình; phục hồi và kích cầu thị trường trong nước bằng các chính sách tiền tệ hợp lý… ; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu; doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động theo hướng số hóa, đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để đón cơ hội mới.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất tập trung giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Ðại học Fulbright Việt Nam, trong năm 2020, nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 90%, đầu tư khu vực nhà nước sẽ tăng 12%, tổng đầu tư tích lũy tài sản sẽ tăng 4%, GDP tăng 2,5%. Nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, đầu tư khu vực nhà nước sẽ tăng 16,5%, tổng đầu tư tích lũy tài sản sẽ tăng 5,3% và GDP sẽ tăng 2,9%...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cần đảm bảo tính dài hạn trên góc độ tác động kinh tế - xã hội của công trình đầu tư, tránh tâm lý giải ngân vốn đầu tư để kích thích tăng trưởng ngắn hạn...

Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục kinh tế. Bởi hiện nay các động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia: sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước khó có thể sớm phục hồi trở lại như trước khủng hoảng. “Chúng ta phải “đốt nóng” các động cơ phục hồi để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, các chiến lược dài hạn cần được chú ý: tái cấu trúc và đa dạng chuỗi cung ứng; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài, có chính sách phù hợp để thu hút dòng vốn FDI đang chuyển; nâng cao năng lực sản xuất trong nước; đa dạng hóa thị trường đầu ra, thúc đẩy giao thương quốc tế; triển khai mô hình chính phủ số…” -  PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết