30/06/2023 - 08:37

“Dòng nhớ” và dòng chảy tình yêu cải lương 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

"Dòng nhớ" là vở cải lương do các sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ diễn báo cáo tốt nghiệp vào cuối tuần qua. Không chỉ người thi diễn hết mình, sống trọn với vai tuồng mà giáo viên, phụ diễn, hậu đài... đều dành trọn tâm sức để có được vở cải lương chỉn chu, chuyên nghiệp. Qua "Dòng nhớ", khán giả còn cảm nhận có một dòng chảy tình yêu cải lương vẫn chảy.

Các diễn viên trong vở cải lương “Dòng nhớ”.

Kịch bản sân khấu "Dòng nhớ" của tác giả Ngô Phạm Hạnh Thúy, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả Tô Thiên Kiều chuyển thể cải lương. Tham gia diễn có 3 sinh viên thuộc lớp Cao đẳng Diễn viên kịch hát và lớp liên thông Cao đẳng diễn viên kịch hát, gồm: Nguyễn Hoàng Thắng, Nguyễn Thùy Trang và Lữ Hoàng Giang.

Ðó là chuyện tình éo le và day dứt có bối cảnh sông nước miền Tây. Ðể trả món nợ ân tình, người mẹ buộc con trai tên Chờ phải lấy người mà anh không yêu, tên Mai. Chờ lại yêu Thà, cô gái đã có một đời chồng, làm nghề buôn bán trên ghe và hai người đã có con với nhau. Ngày đám cưới Chờ và Mai, chỉ có cô dâu mà không có chú rể. Chờ và Thà lênh đênh trên chiếc ghe cũ, ôm giấc mộng hạnh phúc. Mai chọn ở lại thui thủi với mẹ chồng và chúc phúc cho Chờ. Mẹ Chờ tìm mọi cách để Chờ về với Mai, đem cháu về với nội. Thà một mình rời bến hạnh phúc, sống trên sông nước. Những tưởng mọi sự đã an bài nhưng nỗi đau, nỗi day dứt, nỗi nhớ niềm thương cứ ghìm chặt từng người, từng số phận... tới già chưa thôi.

Vở cải lương dài hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng dường như không một ai bỏ về, khán phòng im phăng phắc. Thỉnh thoảng, những tiếng vỗ tay vang lên khi diễn viên dứt câu xuống xề quá hay, khi những nét diễn quá duyên, quá xúc động... Không khí chẳng khác nào một sân khấu diễn doanh thu. Trên sân khấu, từng diễn viên thật sự đứng dưới "thánh đường nghệ thuật".

Các nhân vật chính trong vở cải lương đã chinh phục người xem. Ðáng khen nhất là Thùy Trang, cô hóa thân vai Thà cam chịu, với những thút thắt tâm lý, dằn vặt đi hay ở, nắm hay buông... Nhất là lớp diễn vì muốn bắt lại cháu nội, mẹ Chờ khơi lại chuyện Thà từng có con và vì phút lơ là đã để cháu bé rơi xuống sông mà chết - nỗi ám ảnh suốt đời - nên Thà đành bồng con trao lại cho bà. Còn với Hoàng Thắng, vai Chờ xuyên suốt từ đầu đến cuối vở, khó thể hiện, nhưng anh đã làm hài lòng người xem. Khắc khoải, chông chênh và sụp đổ, nhân vật Chờ có những phân đoạn khiến người xem như đau thắt ruột. Còn với Hoàng Giang, dù lớp diễn không nhiều nhưng cũng đủ thể hiện khả năng ca diễn của anh.

Không chỉ có "nhân vật chính", các nghệ sĩ phụ diễn cũng "cháy" trên sân khấu khiến vở diễn thêm thu hút. Ðó là vai người mẹ của NNƯT Ái Hằng, với những xung đột tâm lý, gay cấn. Hai vai diễn cậu Út của nghệ sĩ Xuân Pháp và Tư Mắm của nghệ sĩ Thùy Trang mang lại nhiều tiếng cười vì sự duyên dáng. Với nhân vật Mai, nghệ sĩ Hồng Trúc cũng rất nổi bật. Xem "Dòng nhớ", khó ai nhận ra ai là người thi, ai là phụ diễn, mà chỉ nhìn thấy một vở diễn đẹp qua từng phân cảnh.

Âm nhạc rất cuốn hút, cảnh trí sân khấu chuyên nghiệp và hiệu quả... Tất cả là thành quả của một ê-kíp, từ giáo viên hướng dẫn đến dàn nhạc, họa sĩ, nhạc sĩ, chạy đạo cụ... Ðể khi vở diễn khép lại, từng người như vỡ òa. Khán giả thấy được nét đẹp của cải lương qua cách dạy và làm cải lương ở ngôi trường này.

Những năm qua, việc tuyển sinh diễn viên kịch hát cải lương của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ không dễ, số học sinh, sinh viên theo học không nhiều. Nhưng những giáo viên của trường vẫn tâm huyết với nghề, vẫn tận tâm dìu dắt sinh viên, tiêu biểu như thầy Trần Bảng, thầy Nguyễn Thanh Bình... Cũng nhờ vậy mà nhiều năm liền, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ đã đào tạo nhiều nghệ sĩ cải lương, góp phần cho sân khấu được sáng đèn.

Chia sẻ bài viết