Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu trị giá 4.200 tỉ USD, mọi người thường theo đuổi những dịch vụ hoặc sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ - bao gồm các siêu thực phẩm, liệu pháp tế bào gốc và chương trình thải độc đắt đỏ. Thế nhưng, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến tuổi thọ không đòi hỏi chúng ta phải tốn nhiều tiền. Các nhà khoa học gọi những yếu tố đó là “động lực sức khỏe mềm”.
Quan hệ xã hội mạnh mẽ là một trong những “động lực sức khỏe mềm” giúp tăng cường tuổi thọ và sức khỏe. Ảnh: Getty Images
Theo các nhà khoa học, “động lực sức khỏe mềm” bao gồm mạng lưới xã hội, các mối quan hệ, lòng tốt, sự chu đáo, lạc quan và tinh thần thiện nguyện - những yếu tố giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. “Mặc dù chế độ ăn và tập thể dục là quan trọng, nhưng sự kết nối xã hội và những động lực sức khỏe mềm - tức cách bạn sống, cả về mặt tinh thần lẫn xã hội - còn quan trọng hơn” - Marta Zaraska, nhà báo khoa học nổi tiếng người Canada, nhấn mạnh.
Trong cuốn sách xuất bản gần đây có tên “Tình bạn, sự lạc quan và lòng tốt có thể giúp bạn sống đến 100 tuổi như thế nào”, bà Zaraska đã phân tích lợi ích của “động lực sức khỏe mềm”, dựa trên hàng trăm nghiên cứu và các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như hóa sinh phân tử, tâm lý học mạng (về truyền thông trực tuyến) và động vật học. Theo đó, thực hiện chế độ ăn uống và vận động lành mạnh giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 35%, trong khi các mối quan hệ xã hội - với người yêu, bạn bè, lối xóm và cộng đồng - giúp giảm từ 45-65% tỷ lệ này.
Lý giải điều này, bà Zaraska cho rằng những yếu tố “mềm” có tác động tích cực đến cảm xúc, nên cũng tác động tích cực đến sinh lý. Cơ chế này liên quan tới việc giảm căng thẳng tinh thần và giảm viêm, đồng thời tăng các hóa chất tạo cảm giác phấn chấn tinh thần (như oxytocin và serotonin) và bổ trợ sức khỏe não bộ.
Tuy những việc như tăng cường mạng lưới xã hội, giúp đỡ người khác và trau dồi tư duy tích cực nghe có vẻ trừu tượng, nhưng Zaraska khẳng định chúng ta có thể thực hiện chúng dễ dàng bằng những mẹo sau:
+ Dành thời gian tập luyện. Giống như những việc bạn cần làm để đạt được mục tiêu đi 10.000 bước/ngày, bạn nên dành thời gian để gầy dựng các động lực sức khỏe mềm, chẳng hạn như nhín chút thời gian để thăm hỏi người thân, bạn bè (qua điện thoại hoặc mạng xã hội), kết nối và tham gia các nhóm thiện nguyện hoặc tập cách suy nghĩ tích cực hơn...
+ Bắt đầu từ việc nhỏ. Dành ra 5 phút mỗi ngày để viết ra hai điều mà bạn có thể làm để thực hiện những động lực mềm. Đó có thể đơn giản là việc nhường người khác đi trước khi tham gia giao thông hoặc dành một lời khen chân thành cho đồng nghiệp.
+ Đơn giản hóa: Khi bạn kết hợp các động lực sức khỏe mềm, chế độ ăn và tập thể dục, bạn có thể loại bỏ các chế độ ăn lỗi thời hoặc các chương trình tập thể dục cứng nhắc. Thay vào đó, hãy đơn giản hóa nó: luôn năng động, ăn nhiều rau quả và gắn kết với mọi người xung quanh.
+ Sống có tổ chức: Theo bà Zaraska, một động lực sức khỏe mềm quan trọng và đáng ngạc nhiên nhất đó là sự chu đáo - như thanh toán hóa đơn đúng hạn, giữ gìn nhà cửa luôn gọn gàng và ngăn nắp.
Liệu pháp ôxy cao áp có thể đảo ngược quá trình lão hóa
Trong thử nghiệm mang tính đột phá, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv (Israel) vừa thành công trong việc dùng liệu pháp ôxy cao áp (HBOT) chặn đứng quá trình lão hóa của các tế bào máu ở người khỏe mạnh.
Cụ thể, các chuyên gia đã yêu cầu 26 tình nguyện viên trên 64 tuổi tham gia cuộc thử nghiệm HBOT kéo dài 3 tháng, gồm 60 buổi nằm trong một buồng cấp khí ôxy cao áp. Người tham gia được lấy mẫu máu vào thời điểm trước, trong và sau khi kết thúc thử nghiệm. Họ cũng được lấy mẫu máu sau đó một thời gian để đánh giá hiệu quả lâu dài của HBOT.
Sau khi phân tích mẫu máu chứa ADN tế bào miễn dịch của người tiếp nhận HBOT, các nhà nghiên cứu nhận thấy chiều dài telomere (những đoạn trình tự lặp lại của ADN thường ngắn dần theo tuổi tác) đã tăng thêm từ 20-38%, trong khi số lượng tế bào già nua giảm từ 11-37%. Họ kết luận HBOT cho hiệu quả chặn đứng và đảo ngược quá trình lão hóa tốt hơn cả những liệu pháp điều chỉnh lối sống.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư Shair Efrati, rút ngắn telomere là một phần trong cơ chế sinh học của quá trình lão hóa, thôi thúc các nhà khoa học khắp thế giới tìm tòi các biện pháp can thiệp về dược lý và môi trường nhằm kéo dài telomere. Và công trình của họ chứng minh rằng quá trình lão hóa trên thực tế có thể được đảo ngược ở cấp độ phân tử tế bào.
|
AN NHIÊN (Theo Inverse, Study Finds)