21/07/2016 - 14:23

“Đồ tể”- Nét đẹp của sự hướng thiện

Sau tập truyện ngắn "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" (đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013), tác giả Nguyễn Trí tiếp tục ra mắt tập truyện ngắn "Đồ tể" (NXB Trẻ), viết về những phận người bất hạnh, cơ cực. Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện bi kịch và góc khuất của cuộc sống, là nét đẹp của những tâm hồn hướng thiện.

Không khốc liệt, may rủi như những phu đào vàng, đãi đá quý hay ngậm ngải tìm trầm trong "Bãi vàng, đá quý, trầm hương", nhưng những câu chuyện trong "Đồ tể" cũng khiến người đọc đồng cảm với những phận người có cuộc sống nghèo khó.

27 truyện ngắn trong tuyển tập xoay quanh những người mưu sinh bằng nghề lao động chân tay vất vả như: đồ tể, thợ hồ, công nhân, làm tàu hũ, chạy xe ôm, đào giếng, bán hàng rong... Trong số đó, không ít người vì dòng đời xô đẩy hay những va chạm xã hội mà cuộc đời chuyển hướng. Chẳng hạn như Ba Đạt đang là giáo viên hợp đồng dạy Anh văn, vì phê bình những yếu kém của nhà trường và sai sót của hiệu trưởng, mà bị mất chỗ dạy, chuyển qua chạy xe ôm (truyện "Đổi nghề"); hay như Đặng trong "Một tám một mười" bị kẻ gian hãm hại, đi tù oan, ra tù lên rừng mót củi về đốt than sống qua ngày; như Châu- anh chàng đẹp trai, hát hay, đàn giỏi vì bệnh tật và nuôi vợ con mà chấp nhận làm đủ thứ nghề để mưu sinh, cuối cùng yên phận với nghề đồ tể (truyện "Đồ tể")…

Nỗi khổ tâm và cái nghèo của con người trong truyện rất đa dạng và được tác giả đẩy lên đến cùng cực. Nghèo vì đông con, bệnh tật, bán nhà đi tha phương cầu thực; nghèo vì ăn chơi, nhậu nhẹt, không lo làm ăn; khổ vì chồng đã vô dụng còn vũ phu; khổ vì bị lừa tình, lừa tiền; khổ vì cấp trên bòn rút tiền lương; khổ vì tranh chấp đất đai, mất tình anh em; đau khổ đến điên loạn vì con chết oan… Nhưng những câu chuyện không chỉ than nghèo, kể khổ mà thông qua đó là những bài học về cách đối nhân xử thế, về cách làm người và cả luật nhân quả.

Nhân vật Nghĩa trong "Chân mình thì mình đứng", Tính trong "Hảo hớn", Châu trong "Đồ tể" để lại trong lòng người đọc một hình ảnh đẹp về "nghèo cho sạch, rách cho thơm". Nếu Nghĩa và Tính đều rất nghĩa khí, không màng vật chất để giữ tình anh em, giữ hòa khí trong gia đình; thì Châu lại là người đàn ông rất mực chung thủy, hết lòng với vợ con. Bên cạnh nét đẹp tâm hồn thì nét đẹp của sự hướng thiện, của lòng bao dung khiến những nhân vật tỏa sáng, câu chuyện thêm ý nghĩa. Điển hình như truyện "Sau một cái chết" kể về vụ đánh người tập thể, gây ra cái chết cho tên trộm chó, khiến 15 gia đình trong xóm rơi vào cảnh tù tội, chia lìa. Sự oán hận của 2 bên được hóa giải khi chính người cha của nạn nhân đứng trước tòa nói những lời gan ruột, xin giảm án cho các bị cáo. Hay như truyện "Tôi có lỗi, cho tôi xin", "Quay đầu là bờ", "Bồng bềnh và gập ghềnh", các nhân vật biết sửa sai làm lại cuộc đời cũng như mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người thân, bạn bè…

Tập truyện vẫn có những câu chuyện đau lòng về cái ác, cái xấu, về những bi kịch không lối thoát, như một phần của cuộc sống. Trải nghiệm của tác giả qua mấy chục năm lăn lộn kiếm sống với đủ thứ nghề đã giúp Nguyễn Trí có vốn liếng lớn để viết văn, để từng trang viết, câu chuyện của ông sống động, gần gũi như đời thật.

Truyện của Nguyễn Trí được viết bằng văn phong giản dị, pha chút "khẩu khí giang hồ" nhưng vẫn rất cuốn hút người đọc. Bởi chính những câu chuyện nhân văn và góc nhìn đa chiều của tác giả đã đã làm nên một tên tuổi mới, được nhiều người yêu thích trên văn đàn.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết