02/05/2022 - 09:13

“Cõi người mắc cạn”
Trăn trở về môi trường xanh 

Hoàng Khánh Duy - cây bút trẻ quê ở Cà Mau, đang sinh sống và làm việc tại Cần Thơ - vừa ra mắt truyện dài “Cõi người mắc cạn”. Đây cũng là tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 7 do NXB Trẻ tổ chức. Tác phẩm đề cập đến hạn mặn ở vùng ĐBSCL cùng những phận người, qua đó thể hiện khao khát một môi trường xanh của thiên nhiên và “xanh” của đời người.

“Cõi người mắc cạn” được sáng tác theo phương thức huyền thoại hóa, mang một chút yếu tố kỳ ảo. Trong tác phẩm này, nhân vật chính được gọi là “hắn” lặn lội vào chốn rừng thiêng nước độc, tìm đến nơi heo hút nơi non cao chỉ mong gặp được Thiên Lão - người được cho là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, có thể giải thích được nguyên nhân mọi chuyện đang xảy ra, có thể dự đoán cả tương lai. Anh đã gặp được Thiên Lão và mong ông giúp anh làm cách nào để thế giới tươi đẹp hơn. Cụ thể là giúp vùng đất quê hương anh thoát khỏi hạn mặn khiến người dân phải bỏ xứ tha hương. Theo đó, ký ức về vùng quê mang tên “Đất Ngọt” ùa về với những kỷ niệm ngọt ngào pha lẫn bất lực. Từ vùng đất trù phù xanh tươi, nước ngọt quanh năm, trải qua nhiều đợt hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, nơi đây đổi tên thành “Đất Mặn”.

Hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm, người cha vất vả và hàng loạt số phận không trụ nổi sự khắc nghiệt của thiên nhiên phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn trên những trang viết khiến lòng người quặn xoắn. Thương cho những người phải lang bạt kỳ hồ như hắn; xót xa cho những người phụ nữ truân chuyên, bất hạnh như Diệu, Di, mẹ Di; hay cảm thông cho Ngò, chàng trai với chuyện tình ngang trái, éo le. Mỗi một phận người mà nhân vật “hắn” gặp, trò chuyện hay sống chung đều là những lát cắt cuộc đời. Họ đều là nạn nhân của những kẻ xấu, của những định kiến xã hội hay quan niệm cổ hủ, sai lầm của người thân trong gia đình.

Bên cạnh đó, có những người mong muốn đem tri thức, làm hết sức để thay đổi nhận thức của người dân, cải tạo thói quen canh tác trong nông nghiệp như anh phóng viên của tờ báo “Môi trường Xanh”. Trong giấc mơ của hắn, mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân cũng nói về sự sai lầm của con cháu khi làm thiên nhiên nổi giận. Cuối cùng, chính bản thân nhân vật “hắn” đã giác ngộ ra chân lý, lẽ sống sau hành trình đi tìm câu trả lời mà không cần sự chỉ dẫn của Thiên Lão, bởi Thiên Lão - suy cho cùng cũng chỉ là nhân vật hư ảo. Đúng như tiêu đề của sách, con người sẽ mãi mắc cạn trong chính cõi đời này nếu không tự mình đứng dậy sau những vấp ngã.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết