11/01/2021 - 09:00

“Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” 

Thế giới vẫn đang căng mình chống dịch COVID-19. Ở tuyến đầu, các y bác sĩ luôn chịu nhiều áp lực và nguy hiểm đến tính mạng. Những nỗi niềm đó được tác giả Iris Lê - y tá người Úc gốc Việt - bày tỏ qua cuốn tiểu thuyết “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020).

Nhân vật chính là Mia, 29 tuổi, người Úc gốc Việt, là y tá một bệnh viện lớn ở Sydney (Úc). Cô đã ly hôn, nuôi con gái 6 tuổi và sống cùng mẹ ruột. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Úc, cô và các đồng nghiệp phải tăng ca liên tục, lại thêm đuối sức vì suốt ngày bị bịt bùng trong bộ đồ bảo hộ. Khẩu trang N95 dành riêng cho y bác sĩ khan hiếm, mỗi người phải dùng 1 cái duy nhất trong suốt ca làm việc 12 tiếng, làm giảm độ an toàn. Gương mặt họ vằn vện những vết hằn, thâm, đau rát vì cạnh của khẩu trang và mắt kính cứa vào. Bàn tay bỏng rát, mòn da và nứt nẻ do rửa tay bằng cồn quá nhiều. Nhất là nguy cơ nhiễm COVID-19 rất cao khi ngày ngày tiếp xúc với biết bao người bệnh và đã có không ít y bác sĩ dương tính với virus.

Những khó khăn ấy vẫn không khiến Mia đau lòng bằng sự chia cắt với người thân, sự kỳ thị của cộng đồng. Vì đảm bảo an toàn cho người nhà, Mia dọn ra ngoài sống cùng Faith, nữ đồng nghiệp còn độc thân. Khi quá nhớ con gái, cô lén về thăm và ngắm con qua cửa kính. Lúc con gái phát hiện và muốn mở cửa để gặp mẹ, Mia vội vã rời đi như trốn chạy. Lúc đi làm, đi mua nhu yếu phẩm, Mia và các đồng nghiệp bị nhiều người kỳ thị, xa lánh, từ chối bán hàng vì sợ cô mang mầm bệnh từ bệnh viện lây lan cho cộng đồng. Mia thậm chí còn bị một người đàn ông hành hung khi đi tàu điện về nhà. Cô càng xuống tinh thần khi những người cô yêu quý lần lượt ra đi. Ðó là Xie - bệnh nhân người Trung Quốc có hoàn cảnh đáng thương chết vì COVID-19; là Joan, nữ y tá kỳ cựu 65 tuổi, ra đi mãi mãi vì không chịu nỗi sự cô đơn và áp lực công việc…

Câu chuyện của Mia giúp người đọc hiểu hơn về nghề y và những khó khăn mà các y bác sĩ phải đương đầu khi COVID-19 hoành hành. Bên cạnh những mảng màu trầm buồn, vẫn có những điểm sáng ấm lòng. Ðó là những khách sạn tài trợ chỗ ở miễn phí cho các y bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19, những chiến dịch tiếp sức nhân viên y tế của nhiều nhà hảo tâm… Ðể rồi sau những nỗi buồn, Mia tiếp tục sứ mệnh của mình. Cô tiếp tục gieo mầm nhân ái bằng cách làm việc thật tốt, giúp đỡ bệnh nhân vượt qua giai đoạn cam go nhất. Cô nhận ra: “Có nỗi buồn, con người mới có khoảng thời gian trầm lắng, sống chậm lại để suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều điều, để rồi từ đó trưởng thành hơn” (trang 196).

Tiểu thuyết được viết từ những tư liệu đời thực và trải nghiệm của chính tác giả nên chân thực. Không chỉ là câu chuyện về dịch bệnh, tác phẩm còn là những suy tư, nỗi niềm của người Việt xa xứ trong va chạm văn hóa khi ngụ cư ở nước ngoài, là hành trình thích nghi và phấn đấu vươn lên của Mia từ khi còn thơ ấu đến lúc trưởng thành.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết