15/04/2023 - 12:42

“Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà”
Một phim giải trí chất lượng 

CÁT ĐẰNG

“Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà” khi trình chiếu ở Trung Quốc, Việt Nam... đã liên tục đứng đầu phòng vé và nhận được đánh giá cao của khán giả. Điều gì đã làm nên sức hút của phim?

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Hai nhân vật chính Mao Mao và Ngô Minh Hàn trong phim.

Hai nhân vật chính Mao Mao và Ngô Minh Hàn trong phim.

Nhân vật chính Ngô Minh Hàn (Hứa Quang Hán) - một cảnh sát hết mình vì công lý chính nghĩa, nhưng vì bất đắc dĩ, anh buộc phải minh hôn với một chàng gay đã chết vì tai nạn giao thông là Mao Mao (Lâm Bách Hoành). Cả hai thống nhất hợp tác cùng có lợi. Minh Hàn sẽ giúp Mao Mao hoàn thành những di nguyện còn dang dở để yên tâm chuyển kiếp, còn Mao Mao hỗ trợ Minh Hàn phá đường dây ma túy. Từ đây, hàng loạt chuyện dở khóc dở cười xảy ra giữa chàng cảnh sát và hồn ma của Mao Mao.

Trinh thám, phá án là yếu tố tiếp theo lôi cuốn người xem theo dõi khi muốn biết người gây ra cái chết của Mao Mao là ai, cũng như hồn ma làm cách nào để giúp Minh Hàn đưa ra ánh sáng ông trùm ma túy mà đơn vị anh đang đau đầu đối phó. Qua đó, hồi hộp theo dõi các pha hành động, rượt đuổi cùng những tình huống bất ngờ, kịch tính. Quá trình phối hợp điều tra của hai anh chàng hoàn toàn trái ngược nhau đã giúp họ dần hiểu nhau hơn. Từ “cặp đôi hoàn cảnh” sẵn sàng đốp chát, hạch sách nhau đến đồng cảm, sẻ chia và rồi cuối cùng là trở thành tri kỷ.

Bên cạnh đó, những vấn đề về tâm tư, khát vọng, ước mơ của người đồng tính cùng định kiến của xã hội, sự phán xét, phản đối của người nhà… được khai thác dưới góc nhìn hài hước, châm biếm nhưng không kém phần sâu lắng, xúc động. Người xem thông cảm khi Mao Mao vừa khóc, vừa bộc bạch mong muốn được yêu và sống hạnh phúc bên người mình thương đến già; xúc động khi bố của Mao Mao “ngoài cứng, trong mềm”, ông phản đối tình yêu đồng giới của con nhưng lại rất thương con, âm thầm làm những chuyện tốt nhất cho con; ngưỡng mộ bà nội của Mao Mao, tuy cao tuổi nhưng có tư tưởng rất tiến bộ về hôn nhân đồng giới. Bộ phim cũng cho thấy, dù tại Đài Loan là một trong những nơi ở châu Á cởi mở, cho phép kết hôn đồng giới, nhưng cuộc sống vẫn luôn tồn tại sự xung đột ngấm ngầm của nhiều hệ tư tưởng.

Thành công nhất của phim chính là khai thác rất tốt sự hài hước với hàng loạt mảng miếng gây cười, tình huống trớ trêu, bi hài được xây dựng khéo léo, mượt mà suốt từ đầu đến cuối phim. Bộ phim mang đến tiếng cười ở nhiều sắc thái, có tiếng cười sảng khoái khi Minh Hàn chật vật khổ sở với anh chồng ma; tiếng cười châm biếm các hủ tục mê tín; tiếng cười thích thú bởi những tình huống xử lý thông minh và cả những tình tiết “thô mà thật” được thể hiện đáo để, duyên dáng… Diễn xuất tự nhiên, hài hước của dàn diễn viên từ chính tới phụ là điểm sáng của phim. Nhất là bộ đôi diễn viên chính Hứa Quang Hán và Lâm Bách Hoàn khi họ vừa có ngoại hình đẹp, vừa tung hứng, phối hợp ăn ý. Khi họ chọc cười, khán giả cười thoải mái; khi họ khóc, khán giả cũng rưng rưng đồng cảm.

Dù tổng hợp nhiều thể loại như một nồi lẩu thập cẩm nhưng nhờ nêm nếm gia vị khéo léo, vừa ăn, “Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà” trở thành một phim giải trí chất lượng. Cái kết có hậu và đầy tính nhân văn của phim không chỉ giải quyết toàn bộ khúc mắc của các nhân vật mà còn làm người xem thấy hiểu và trân quý hơn tình cảm gia đình, bạn bè để sống ý nghĩa hơn.

Chia sẻ bài viết