18/02/2013 - 14:58

“Chúng tôi làm lúa chung nhau”

Thu hoạch lúa ở cánh đồng mẫu Trung Nhất, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Cũng cánh đồng ở ấp Trung Nhất, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng), nhưng trước đây, có nơi  giờ chỉ còn trơ lại gốc rạ, có chỗ lúa mới ngả màu, đấy là chưa kể giống lúa hạt ngắn hạt dài khác nhau. Nhưng hôm nay gần 500 công đất, cùng một màu vàng ươm, lúa đang vào ngày thu hoạch, ngào ngạt  khắp cánh đồng mùi thơm giống đặc sản. Nâng một bông lúa trĩu hạt, lão nông  Phạm Văn Thật cười khà khà: “Cỡ này là cầm chắc không dưới 1 tấn một công tầm cấy. Mấy ông nhà nước thì nói  là làm cánh đồng mẫu còn tụi tui ở đây thì cứ gọi là làm lúa chung nhau. Làm kiểu này có nhiều cái lợi so với lúc mình làm riêng lẻ”.

Tiền thân là tổ hợp tác bơm tưới, với 15 thành viên có ruộng liền kề nhau tham gia, và đúng như tên gọi, tổ hợp tác là để anh em cùng nhau gom máy móc, nhân công giải quyết lúc lúa bị  úng ngập hay nắng  hạn. Còn những công đoạn khác thì vẫn như trước nay mạnh ai nấy làm. Đến vụ hè thu năm 2012, qua phát động của chính quyền địa phương, anh em quyết định nâng tầm từ tổ hợp tác lên thành Câu lạc bộ (CLB) sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu. Thế là gần 300 công đất được làm đồng loạt từ  khâu  cải tạo đất, xuống giống đến bón phân, phun thuốc, thu hoạch...và hiệu quả mang lại là chi phí đầu tư giảm còn năng suất lại tăng.

Anh Phạm Thành Nhanh, một thành viên của CLB, so sánh: “Trước kia làm riêng lẻ, mỗi khi làm đất hay cấy gặt gì thì mạnh ai nấy đi tìm nhân công, rồi giá đội lên đội xuống,  giờ làm chung chỉ kêu một lần là xong, chưa kể anh em vần công cho nhau. Còn về khâu chăm sóc, nếu như trước kia người xuống giống trước kẻ cấy giặm sau, trà lúa không đồng loạt đến khi có dịch bệnh, mạnh ai nấy phun thuốc, phun đồng này rầy vọt qua đồng bên cạnh, tới bên đó phun thì rầy trở lại đồng mình. Cứ thế làm sao mà cắt được dịch bệnh. Còn bây giờ, lúa cùng ngày tuổi, phun xịt gì anh em cũng làm một lượt, cách thức lại giống nhau nên dịch hại hết đường sống sót. Như vậy không giảm chi phí đầu tư mà tăng năng suất sao được”.

Thành công ngay từ vụ đầu tiên, nên tới vụ đông xuân này, đã có thêm 9 hộ lân cận  xin gia nhập CLB. Cánh đồng mẫu Trung Nhất giờ có 24 hộ đều là đồng bào Khmer tham gia, với diện tích đất làm chung gần 50 ha. Không kể cùng nhau chọn giống, bơm nước,  bón phân, xịt thuốc...  đồng loạt,  vừa giảm chi phí vừa  đạt hiệu quả cao  mà ngay đến ngày  thu hoạch như lúc này cũng cho thấy sự vượt trội của mô hình cùng nhau sản xuất. Tất cả các khâu từ cắt, suốt, thậm chí là đem lúa ra bán hầu như đều bằng cơ giới. Trong đó đáng chú ý là đường vận chuyển. Ngày trước dù có thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì bà con vẫn phải bơi xuồng theo cặp  tuyến kinh  mà vào  lấy lúa, vì đồng thu hoạch lởm chởm, làm sao có đường mà đưa xe kéo vào. Còn bây giờ, theo bố trí của  anh em, đồng  trước gặt trước rồi tới đồng sau, làm theo kiểu cuốn chiếu nên lúa vừa vào bao là có ngay xe tới chở. Hơn nữa, gặt trước hay gặt sau thì bà con cũng khỏi phải so đo với nhau nếu giá cả thị trường lên xuống, bởi tất cả đã được bao tiêu. Ông Thạch Chiến, Trưởng Ban nhân dân ấp Trung Nhất, đồng thời cũng là thành viên của CLB,  cho biết: “Ngay từ đầu vụ chúng tôi đã liên hệ với cơ sở thu mua để bao tiêu sản phẩm cho toàn bộ cánh đồng mẫu. Cũng là giống OM 4969, nhưng thương lái mua của bà con bên ngoài 4.900 đồng/kg, còn mua của tụi tui 5.300 đồng/kg”. 

Vụ đông xuân năm nay, bà con làm lúa ở huyện Thạnh Trị lại trúng mùa, tại ấp Trung Nhất, theo đánh giá của chính quyền địa phương, năng suất bình quân khoảng 6,5 tấn/ha. Riêng những thửa ruộng trong cánh đồng mẫu đều đạt trên 7 tấn/ha. Hạt lúa thu về nhiều hơn bà con làm riêng lẻ, tới mùa gặt,  khỏi phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái mà giá bán mỗi kg lúa lại cao hơn ba bốn trăm đồng, ngoài ra còn bao điều ích lợi từ các khâu gieo trồng chăm sóc của mô hình làm ăn tập thể - cánh đồng mẫu.

Bài, ảnh: Quốc Khởi

Chia sẻ bài viết