Sau Lễ Phát động Xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" (nay là "Cánh đồng lớn"- CĐL) của Bộ NN&PTNT diễn tại TP Cần Thơ (ngày 26-3-2011), ngành nông nghiệp thành phố đã bắt tay xây dựng mô hình thí điểm tại huyện Vĩnh Thạnh. Kết quả đáng ghi nhận là hơn 6 năm qua, CĐL không ngừng lớn mạnh và "có mặt" ở hầu hết các quận, huyện trồng lúa trọng điểm của thành phố. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cho biết:
 |
Thu hoạch lúa ở CĐL ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. |
- TP Cần Thơ bắt đầu triển khai xây dựng mô hình CĐL từ vụ hè thu 2011 với quy mô 400ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh và đến năm 2015 mở rộng mô hình thành phong trào CĐL, với diện tích hơn 17.630ha/vụ, chiếm trên 20% diện tích canh tác lúa của thành phố. Trong đó, có 63ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP
Năm 2016, CĐL tiếp tục phát triển với diện tích trên 18.300ha/vụ, tăng 45,7 lần so với đầu kỳ.
Tham gia sản xuất trong CĐL nông dân có những lợi ích căn bản nào, thưa bà?
- Giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận so với ngoài mô hình, cùng tạo ra nông sản có chất lượng cao và an toàn giúp nông dân an tâm sản xuất là những cái lợi mà nông dân có được khi sản xuất lúa theo mô hình CĐL. Đơn cử như vụ đông xuân 2015-2016, tổng chi phí sản xuất thấp hơn ngoài mô hình 7,6% (1,74 triệu đồng/ha), chủ yếu là nhờ tiết giảm đầu tư ở khâu giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa trong mô hình cao hơn ngoài mô hình 0,12% (12kg/ha); tỷ lệ lợi nhuận trong CĐL cao hơn 16,3% (3,16 triệu đồng/ha) so với ngoài mô hình.
Trong CĐL, 100% nông dân sử dụng giống xác nhận, cùng một loại giống, gieo sạ đồng loạt; ứng dụng sạ hàng, sạ thưa nên giảm lượng giống gieo sạ 60-100kg/ha. Các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", công nghệ sinh thái, chế phẩm sinh học... cũng được áp dụng đồng bộ. Tại nhiều CĐL, ngay từ đầu vụ, doanh nghiệp đã đến bàn thảo với nông dân để đầu tư "đầu vào" (giống, phân thuốc, hỗ trợ kỹ thuật) và bao tiêu "đầu ra" cho bà con nông dân trong mô hình với giá bằng và cao hơn ngoài thị trường khoảng 100-200 đồng/kg.
Kết quả là vậy, nhưng quá trình xây dựng và phát triển mô hình CĐL ở TP Cần Thơ có gặp khó khăn gì không, thưa bà?
- Quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung cũng như hình thành các CĐL với quy mô thực sự lớn còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ nên giá thành sản xuất vẫn còn cao, chất lượng sản phẩm chưa thật sự đồng nhất. Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố nỗ lực thực hiện vai trò kết nối "4 nhà", đặc biệt là liên kết giữa nông dân-nông dân, nông dân-doanh nghiệp. Song, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. Tình trạng liên kết lỏng lẻo, "bẻ kèo" từng lúc, từng nơi vẫn diễn ra.
Từ những kết quả đạt được, nhận diện tồn tại trong thời gian qua, chúng tôi xác định việc xây dựng CĐL là đòi hỏi tất yếu đối với sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung hiện nay. Bởi để phát triển nông nghiệp hàng hóa nhất thiết phải sản xuất tập trung, quy mô lớn. Và việc xây dựng CĐL là tất yếu và cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp đồng.
TP Cần Thơ đang xây dựng "Kế hoạch Xây dựng CĐL TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Các CĐL trong tương lai theo kế hoạch này có gì mới so với trước đây không, thưa bà?
- Mục tiêu Kế hoạch nhằm tái cơ cấu nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất lúa; tạo bước đột phá bằng việc liên kết, tổ chức lại sản xuất, xây dựng nền sản xuất theo chuỗi giá trị, có chiến lược, kế hoạch. Đồng thời, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa an toàn theo hướng hiện đại, hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao; nâng cao năng lực quản lý của ban điều hành hợp tác xã. Thành phố khuyến khích phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; tạo điều kiện ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các công đoạn sau thu hoạch... Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu nhân rộng mô hình lên 30.000ha/vụ vào năm 2020 và đạt mốc 40.000ha/vụ vào năm 2025 tại huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền và quận Thốt Nốt. Qua xây dựng và phát triển CĐL, thành phố tạo điều kiện hình thành các hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả; giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ 30% trở lên.
Như vậy, xây dựng CĐL của thành phố vẫn chú trọng vào việc giảm giá thành, nâng cao thu nhập cho nông dân; hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Song, vấn đề liên kết "4 nhà" sẽ được thắt chặt, các bên thể hiện rõ ràng vai trò, trách nhiệm và mức độ ràng buộc cao hơn khi tham gia mô hình. Theo đó, doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ "đầu vào" và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Doanh nghiệp phải đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu và có hệ thống sấy, kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh theo hợp đồng. Tổ chức đại diện của nông dân có trách nhiệm thực hiện hợp đồng, cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được cấp có thẩm quyền xác nhận. Chính quyền cấp xã, ấp tăng cường quản lý, giải quyết các khó khăn cho các bên liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Về phía ngành nông nghiệp, chúng tôi tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia liên kết trong CĐL; xây dựng tổ nhân lúa giống tại chỗ; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa cho nhóm nông dân tham gia mô hình. Tất cả nỗ lực trên nhằm giúp 2 tác nhân chính trong "4 nhà": nông dân-doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, ổn định và bền vững trên cơ sở cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
Xin cảm ơn bà!
MỸ THANH (thực hiện)