15/02/2018 - 15:22

“Bạn chí cốt” của người khẩn hoang 

“Con chó là bạn chí cốt của người vùng khẩn hoang”- nhà văn Sơn Nam đã chắc nịch như vậy trong cuốn hồi ký “20 năm giữa lòng đô thị”. Vậy rồi từ thuở khẩn hoang tới khi bước vào thời đại công nghệ số 4.0, con chó vẫn là “bạn chí cốt”, thiết thân với người đồng bằng. “Chó tới nhà thì sang”- người đồng bằng vẫn hằng tin như vậy.

Trong sự nghiệp để đời của mình, họa sĩ Tô Dự- người con của quê hương Cần Thơ- vẫn luôn ấn tượng với bộ 3 bức tranh chủ đề “Người đi mở cõi”, triển lãm tại Đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điểm nhấn là bức tranh vẽ cảnh người vợ ngồi trước mũi xuồng nhóm bếp cà ràng, người chồng vươn cánh tay lực điền chống xuồng qua đồng chiều và phía sau là chú chó ngồi “ngắm cảnh”. Họa sĩ Tô Dự nói rằng, đó là hình ảnh mà ông bắt gặp thuở bé thơ, đã nghe bậc tiền hiền kể lại và ông đã đem vào tranh một cách hồn hậu nhất. Hình ảnh chú chó làm cho bức tranh trở nên sinh động và đậm chất Nam bộ.

Cũng là chuyện con chó - “bạn chí cốt” của người khẩn hoang, quê tôi một vùng đồng bưng miệt Bạc Liêu, chết danh “Đồng Chó Ngáp” dù giờ đã tươi tốt hơn nhiều. Xuất xứ tên gọi Chó Ngáp cũng thật hay. Đó là một vùng rộng lớn đồng chua, nước mặn, chỉ toàn cỏ dại, không thể trồng trọt, chăn nuôi được gì. Rộng đến nỗi người quảy gánh băng đồng phải đem theo nước để nghỉ chân mà uống. Chó theo chân người khẩn hoang cũng vậy. “Mấy ông già xưa kể lại, hồi đó chó vùng này nổi tiếng nhịn khát và sức bền đi xa nhưng cũng không thể qua nổi cánh đồng này. Con nào giỏi, qua được cánh đồng thì cũng phải lè lưỡi thở dốc, ngáp dài ngao ngán. Cái tên Đồng Chó Ngáp chết danh từ đó”- lời cha kể vẫn lưu mãi trong sự mường tượng của tôi về xứ sở quê mình.

Cũng là một hình tượng nghệ thuật, con chó trong truyện Bác Ba Phi được nhân vật nhân cách hóa. Con chó luôn là bạn, là người hòa giải cho những “trái tánh trái nết” của bác Ba Phi và thằng Đậu. Hình ảnh chú chó lót tót đi trước, bác Ba đội thúng lúa đi giữa và thằng Đậu thủng thẳng theo sau trở nên kinh điển, dễ thương và trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều người. Rồi chuyện chú chó phóng lên vách nhà táp cái bánh làm bằng nếp dẻo quẹo nên bị dính răng, treo lủng lẳng thật khôi hài nhưng cũng là minh chứng cho sự gần gũi, gắn bó của người Nam bộ với loài vật trung thành này.

Từ hồi còn thanh niên, nay đã 82 tuổi, lão nông Bảy Buôl vẫn có thói quen dẫn theo chú chó khi đi đồng.

Từ hồi còn thanh niên, nay đã 82 tuổi, lão nông Bảy Buôl vẫn có thói quen dẫn theo chú chó khi đi đồng.

Trọn đời người gắn bó với vùng đất Hốc Hỏa, Hỏa Lựu (Hậu Giang), lão nông 82 tuổi Nguyễn Văn Buôl nói rằng, nhà ông chưa bao giờ thiếu vắng con chó. Hồi còn khỏe, nhà ông Bảy Buôl lúc nào cũng có vài ba chú chó tinh ranh để giữ nhà, theo ông bắt chuột lúc đi đồng. Bây giờ, con chó vẫn theo ông ra rẫy bái, cùng ông ăn bữa cơm trưa giữa xôn xao đồng nước. Ông Bảy Buôl nói rằng, tiếng chó sủa giữa đêm thanh vắng nơi làng quê là điều ông ấn tượng nhất. Đó là thanh âm bất trắc, dị thường giữa yên ả nông thôn. “Nhà quê, ai cũng nuôi con chó giữ nhà, mà bầu bạn. Không có, buồn chết!”- ông Bảy Buôl nói.

Dân xứ Hỏa Lựu này dường như có biệt tài huấn luyện chó thì phải! Nhiều người tỏ ra điệu nghệ trong chuyện “gõ đầu… chó”. Anh Nguyễn Thanh Nhanh (Út Nhanh), nhà ở phường 7, TP Vị Thanh, có con chó đặt tên Ki, năm nay đã 15 tuổi. Sự già yếu của Ki thể hiện trên bộ lông, dáng đi chậm chạp... Nhưng trí thông minh của Ki thì cả xóm đều phục. Lối xóm còn gọi Ki là “nhà toán học” vì Ki làm toán rất nhanh và đúng. Khi anh Nhanh hỏi: “Ki, 2 cộng 2 bằng mấy?”, Ki liền sủa 4 tiếng- không thiếu, không thừa. Tương tự, với những phép toán: 6:3, 2+3, 4-1… Ki đều có đáp án “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng với những phép toán “không thể trả lời” như 3:2, Ki cứ “ư, ử…” rất buồn cười.

Điều lạ là Ki không bao giờ ăn “mồi bén” như cá lóc nướng, tôm luộc… mà lại khoái khẩu những món ăn ngọt như dưa hấu, dưa cải, khổ qua, đặc biệt là kem cây và bánh bông lan… Anh Út Nhanh kể, lúc trước nói chó biết làm toán không ai tin, nhưng giờ cả xóm ai cũng biết. Hỏi anh bí quyết dạy Ki, anh cười: “Cái chính là mình thương, quan tâm nó, hiểu nó thích gì, cần gì. Lâu ngày, nó sẽ nghe lời mình dạy. Cần nhiều thời gian lắm!”.

 Anh Út Nhanh đang cho chú Ki thưởng thức que kem ngọt ngào.

 Anh Út Nhanh đang cho chú Ki thưởng thức que kem ngọt ngào.

Cũng ở Hỏa Lựu, anh ruột anh Út Nhanh là anh Tư Phát huấn luyện được chú chó nổi tiếng “sang chảnh”. Lu- chú chó hơn 2 năm tuổi này từ nhỏ tới lớn đã ngủ mùng. Hôm nào anh Tư Phát quên giăng mùng thì Lu tự lại quạt gió, thò chân bật nút rồi tìm hướng gió nằm ngủ cho mát, khỏi bị muỗi cắn. Lu rất thân với cậu con trai Út của anh Tư Phát, đang đi học ở Cần Thơ. “Tuần đầu thằng Út đi học xa nhà, Lu nó nhớ, bỏ ăn, nằm chèo queo”- anh Tư Phát kể. Cuối tuần, con trai anh Tư đi học về, vô mùng ngủ chưa được bao lâu là Lu lại vén mùng chui vào, nằm bên cạnh… ngáy “khì… khì…”. Hễ Lu bị bắt quăng xuống đất là đứng la rồi tìm cách vào… “nằm cạnh người thương”! Thương Lu nên dù đi làm bận cách mấy, anh Tư Phát cũng tranh thủ về nấu cơm, đồ ăn, không để Lu bỏ bữa. Chốt lại trí thông minh của Lu, anh Tư có lý khi nói: “Vật cũng như người. Mình thương nó thì nó thương mình thôi!”.

Dọc ngang sông nước đồng bằng, có bao nhiêu chuyện hay về những chú chó đáng yêu. Nào là chó giúp chủ bán vé số ở Cà Mau, chuyện “khách sạn” cho chó ở Cần Thơ rồi những tờ rơi “Tìm chó lạc”… thể hiện tấm lòng của người đồng bằng với thú cưng này, từ xưa đến nay vẫn vậy. Con chó không chỉ là vật nuôi giữ nhà là còn là biểu thị cho trí thông minh, sự trung thành. “Con không chê mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo” là vậy.

Lại nữa, con chó trong tâm thức người Việt còn biểu thị cho bao điều may mắn, giàu sang. “Chó tới nhà thì sang”, ước mong một năm mới Mậu Tuất thật tốt lành, sung túc và hạnh phúc tươi xanh!

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết