18/04/2019 - 08:35

Ðảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường 

 TP Cần Thơ: Tình trạng bạo lực học đường được hạn chế đáng kể

Những hoạt động ngoại khóa giúp học sinh gắn bó thân thiện với nhau hơn, góp phần hạn chế bạo lực học đường. Trong ảnh: Học sinh Cần Thơ tham gia trò chơi dân gian.

(CT) - Sáng 17-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường tại 63 điểm cầu tỉnh, thành trên cả nước. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Cần Thơ, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đến dự.

Theo Bộ GD&ĐT, những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường gia tăng; riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2019, hàng loạt vụ bạo lực nghiêm trọng giữa học sinh xảy ra ở Hưng Yên, Nghệ An và Quảng Ninh. PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn nguồn từ UNESCO cho biết hằng năm có 246 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn thế giới là nạn nhân của bạo lực học đường. Tại Việt Nam, khoảng 22% trẻ từ 13-15 tuổi tham gia các cuộc ẩu đả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nổi bật là sự thiếu quan tâm từ phụ huynh do áp lực mưu sinh, những quan niệm lệch lạc về bạo lực và ứng xử bùng nổ từ mạng xã hội, công tác giải quyết vấn đề này ở các địa phương chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, chưa chú trọng giáo dục về pháp luật cho học sinh, hoạt động trải nghiệm và giáo dục kỹ năng chưa thường xuyên, một số nhà giáo thiếu mẫu mực... Nhiều đại biểu cho rằng, giải quyết bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội, phải đẩy mạnh hoạt động của tổ tư vấn học đường ở các trường phổ thông, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức cho đội ngũ giáo dục, đưa giáo dục kỹ năng sống thành môn học chính khóa…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Đối với bạo lực học đường, cần nỗ lực “phòng hơn là chống”; đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa công tác này, có phân công phân nhiệm cụ thể; tăng cường kiểm tra giám sát đi đôi với phát hiện biểu dương người tốt, việc tốt trong các trường. Bộ trưởng đề nghị 63 lãnh đạo Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ngành đến từng cơ sở giáo dục. Nếu phát hiện giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để tiếp tục đứng lớp. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị nào bao che, Bộ sẽ xử lý nghiêm.

 Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị- Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Tình trạng bạo lực học đường của thành phố được hạn chế đáng kể, năm 2017 có 4 vụ học sinh đánh nhau; năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, có 2 vụ. Lãnh đạo ngành và tập thể thầy cô giáo các cơ sở giáo dục luôn nỗ lực tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường; nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, phong trào ngoại khóa... cho học sinh.

Tin, ảnh: B.Ngọc

Chia sẻ bài viết