20/02/2018 - 14:28

Lớp dạy Sử của ông Năm 

ĐĂNG HUỲNH

Ở xóm nhỏ của xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, từ trẻ nhỏ đến người già, đều gọi ông là ông Năm. Ông Năm nay đã 67 tuổi, một cựu chiến binh từng cầm súng chứ chưa một ngày cầm phấn. Vậy mà lớp dạy Sử bên chái nhà của ông Năm ngót 20 năm qua vẫn đều đặn ê a con chữ, hào hùng những khúc sử ca. Tình yêu Sử Việt cũng vút cao theo từng nốt nhạc.

Ông Năm tên thật là Văn Đình Thanh, là cựu chiến binh của Biệt động Cần Thơ một thời hào hùng. Trẻ nhỏ gọi là ông Năm, người lớn nghe riết rồi quen nên gọi theo. Vậy là dù cách nhà vài cây số nhưng hỏi nhà ông Năm, ai cũng rõ. Có người còn hỏi thêm, “ông Năm dạy Sử đó he?”.

     Ông Năm và các em nhỏ hát vang những khúc sử ca. 

Chiều Chủ nhật, mỗi em nhỏ một chiếc xe đạp nhắm thẳng nhà ông Năm mà đến. Chẳng đồng phục, chẳng sách vở, có em còn lấm lem bùn sình vì phải qua kinh, lội rạch, kính cẩn “Thưa ông Năm mới tới!”. Chái nhà nền lát gạch tàu láng bóng, đỏ au vì là chỗ ngồi của gần 1.000 đứa trẻ suốt 20 năm qua. Ông Năm thì ngồi bên bàn trà, tay ôm đàn măng-đô-lin. Những nốt nhạc chuẩn xác, âm vang đầy xúc cảm, hơn 70 đứa trẻ say sưa hát theo: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng…”. Chiều đồng quê bỗng rộn ràng giai điệu tự hào.

Xong phần tập hát, ông chuyển qua ôn lại kiến thức Sử: “Ai là người cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975?”, “Hãy cho biết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc tỉnh (thành phố) nào của Việt Nam?”, “Triều Nguyễn có bao nhiêu đời vua?”… Vậy rồi: “Con, ông Năm!”, “Kêu con đi, ông Năm!”… tiếng xôn xao cùng những cánh tay xung phong thẳng tắp, đầy tự tin. Mỗi câu trả lời đúng được thưởng 5 quyển tập cùng cái xoa đầu: “Ráng nghe hôn, con!”. Tan giờ học mà nhiều em còn chưa chịu về, quây quần bên ông Năm nũng nịu như bầy cháu nhỏ. Chúng còn kêu ông Năm ôn thêm cho thuộc bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm để vô lớp “khoe” các bạn:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời ...”

Ông Năm đọc trước, các em đọc sau. Chan chứa. Không biết sao tôi lại tự nhiên thấy cay cay mắt vì tự hào.

*  *  *

     Tôi đã biết ông Năm khá lâu, trong những lần họp mặt của Biệt động TP Cần Thơ nhưng không ngờ ông chính là “ông giáo làng” có 20 năm dạy Sử cho trẻ quê. Không lương, không bục giảng và không bao giờ có học trò tốt nghiệp. Bởi với ông: “Học biết chừng nào cho hết sử nước mình!”. Là một chiến sĩ Biệt động từng đối mặt lằn ranh sinh- tử trong những ngày Tết Mậu Thân 1968, ông Năm càng hiểu rõ giá trị của hòa bình, càng khắc cốt ghi tâm truyền thống lịch sử của dân tộc. Vậy là 20 năm trước, ông Năm cùng ông Sáu Quý- một cán bộ về hưu- quyết định mở lớp dạy Sử. 2 năm sau ông Sáu mất, ông Năm một mình dạy đến nay. 20 năm, gần 1.000 đứa trẻ đã ngồi dưới chái nhà ông Năm, đã cùng hát vang tình yêu Tổ quốc. Có người giờ có địa vị xã hội, nghề nghiệp ổn định, có người từng trở thành học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử từ những bài học đầu đời bên chái lá nghèo, vẫn thường tìm về thăm ông Năm.

Những em nhỏ hiện tại học lớp Sử của ông Năm, có em mới học vài ba tháng, có em đã học 8- 9 năm nhưng vẫn chưa nghỉ một buổi nào. Ông Năm không chỉ dạy sử mà còn truyền lửa, truyền tình yêu Sử Việt. Em Võ Phi Long, học lớp 10 Trường THPT Tầm Vu, đã có gần 7 năm ngồi dưới chái nhà này. Có những bài học đã nghe ông Năm dạy nhiều lần nhưng Long vẫn say sưa, ghi nhớ. Phi Long nói: “Ông Năm dạy Sử và còn dạy em làm người nữa!”. Còn những em nhỏ học lớp 4, lớp 5 như Lê Minh Thanh, Võ Lâm Như Huyền… thì hồn nhiên: “Học ông Năm dạy là vui nhất. Được hát, được nghe kể chuyện mà còn có quà!”.

20 năm, bao thế hệ trẻ em vùng quê đã thành người lớn. Ông Năm cũng già theo năm tháng, dáng đi đã không còn nhanh nhẹn, tóc đã bạc nhiều hơn. Chỉ có lớp học vẫn cứ đông đảo, chưa vắng một buổi nào. Mùa hè, ông dạy cách ngày. Bây giờ các em phải học nên ông Năm chỉ dạy thứ bảy và Chủ nhật. Mỗi buổi ít cũng 30- 40 em, nhiều có đến 70- 80 em, chen chúc trên những tấm gạch tàu. Những ánh mắt trẻ quê long lanh nghe ông Năm kể Sử.

Không chỉ dạy học, ông Năm còn dạy các em cách làm người, cách quan tâm tới người khác. Ông chính là bài học sống động. 20 năm dạy Sử, dù có lúc đơn vị này, tổ chức nọ, tài trợ nhưng để duy trì lớp học, có quà cho các em, ông Năm phải lấy lương hưu mà mua. Rồi hơn chục căn nhà tình thương do ông Năm vận động cho trẻ em nghèo suốt mấy năm qua. Trung thu năm nào, chái nhà nhỏ cũng là nơi “Đêm hội Trăng Rằm” cho trẻ nhỏ, là nơi tỏa sáng tình thương bao dung của một người lính giữa đời thường. Hằng năm, ông Năm vận động nhà tài trợ cho lớp đi tham quan Bảo tàng, Đền thờ Bác Hồ, Căn cứ Tỉnh ủy… “Đi cho tụi nhỏ biết Sử địa phương, với lại biết đây biết đó. Tội nghiệp, mấy đứa nghèo có được đi đâu xa”- ông Năm tâm tình.

*  * *

“Dân ta phải biết sử ta”- lời Bác Hồ dạy được ông Năm tâm nguyện và dành trọn quãng đời xế chiều để truyền lửa cho thế hệ trẻ. “Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh!...”- tiếng đàn của ông Năm, tiếng ca của lũ trẻ cứ vang vọng “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hòa trong tiếng gió chướng trở xuân, trong hương Tết, hương quê ngào ngạt.

Mầm xuân đất nước đang nảy chồi từ lớp học của ông Năm.

Chia sẻ bài viết