14/10/2017 - 16:30

Hoạt hình Nhật thời kỳ mới 

Năm 2017 là cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật, đánh dấu 100 năm (1917-2017) loại hình này phát triển thành nét văn hóa đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc. Trước cạnh tranh khốc liệt từ Hollywood, Trung Quốc, phim hoạt hình Nhật vẫn có vị trí riêng trong thời kỳ mới.

Bước chuyển đột phá

Hoạt hình Nhật có nét đặc trưng với những khung hình từ kỹ thuật truyền thống, vẽ bằng tay. Trong số các hãng phim hoạt hình truyền thống của Nhật thì Studio Ghibli là đơn vị có tầm ảnh hưởng quốc tế. Nơi đây sản sinh nhiều thiên tài như: Hayao Miyazaki, Isao Takahata, Toshio Suzuki, trong đó Hayao Miyazaki được xem là cây đại thụ của ngành công nghiệp. Ông là người đã chỉ đạo 5 trong 10 phim hoạt hình Nhật Bản có doanh thu cao nhất mọi thời đại và ảnh hưởng lớn thị trường quốc tế: “My Neighbor Totoro”, “Spirited Away”. Năm 2013, Hayao Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu, cùng thời điểm Studio Ghibli thông tin về khó khăn khi theo đuổi loại hình phim hoạt hình truyền thống, mà nguyên nhân chính là không có người kế thừa. Mặc dù hoạt hình kiểu truyền thống của Nhật còn có các hãng Yasuo Otsuka, Studio Ponoc, Studio Kajino…, nhưng giới chuyên môn vẫn lo lắng phim hoạt hình Nhật khó duy trì phong độ, thậm chí có thể lụi tàn.

“In This Corner of the World”.

Thực tế ngược lại, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật đang có những bước đột phá cho thời kỳ mới. Đại diện cho sự bùng nổ là “Your Name” (2016) của đạo diễn Makoto Shinkai. “Your Name” là hiện tượng tại Nhật, nhưng phim không hề giống với các bộ phim khác được sản xuất từ Studio Ghibli. Đó là câu chuyện lãng mạn về tình yêu tuổi mới lớn, sự hoán đổi thân xác đầy hài hước, yếu tố của khoa học viễn tưởng kết hợp trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên. Phim để lại ấn tượng về nội dung, âm nhạc và hình ảnh đặc trưng. Với doanh thu trên 355 triệu USD, “Your Name”  trở thành phim đạt doanh thu cao thứ tư trong lịch sử phòng vé Nhật Bản,  đánh bại doanh thu của “Spirited Away”- tác phẩm từng đoạt giải Oscar- để trở thành phim ăn khách nhất lịch sử phim hoạt hình Nhật Bản.

Một tác phẩm gây chú ý khác là “In This Corner of the World” (2016) của đạo diễn Sunao Katabuchi, được phát hành và yêu thích tại Anh, Mỹ; đánh bại “Your Name” để giành giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại giải Japanese Academy năm ngoái. Phim kể về cô dâu vị thành niên trong thế chiến thứ hai, là phiên bản hoạt hình của thể loại phim lịch sử được trau chuốt kỹ. Đạo diễn Sunao Katabuchi, chia sẻ: “Khi nhắc về phim hoạt hình, người xem mặc định chỉ dành cho gia đình hay trẻ em. Nhưng hoạt hình là thể loại mà các nhà làm phim có thể truyền tải tới người xem bất cứ điều gì, không giới hạn độ tuổi hay bất cứ rào cản nào”. Trên trang Rotten Tomatoes, “In This Corner of the World” đạt đến 98% điểm tích cực, điểm số khá hiếm dành cho phim hoạt hình.

Theo báo cáo năm 2016 của Hiệp hội hoạt hình Nhật Bản, những năm gần đây phim hoạt hình vẫn phát triển bền bỉ, thu nhập luôn tăng cao và có nhiều dự án được phát hành tại thị trường nước ngoài. Đặc biệt, hoạt hình Nhật đang có sức hút ở Anh, khán giả tại đây rất mong đợi những tác phẩm như: “Napping Princess”, “Genocidal Organ”, “In This Corner of the World”, “Your Name”, “A Silent Voice”. Thậm chí, kênh Netflix cũng đang có ý định hợp tác với các hãng Nhật để bổ sung hệ thống danh sách phim hoạt hình.

Thế hệ nối tiếp

Với lịch sử phát triển lâu đời, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật vẫn có sự thích ứng kịp thời trước những thay đổi, nhất là về nhân lực. Nhiều  nhà làm phim đang lấp dần chỗ trống mà đạo diễn Hayao Miyazaki để lại. Đạo diễn Mamoru Hosoda là một trong số đó, được biết đến với nhiều tác phẩm đậm chất phiêu lưu giả tưởng: “Summer Wars”, “The Girl Who Leapt Through Time”. “The Boy and The Beast” (2015) là tác phẩm mới nhất của Mamoru Hosoda, được so sánh như “The Jungle Book”, “The Karate Kid” của Mỹ. Mamoru Hosoda cho rằng: “Hayao Miyazaki dừng làm phim không có nghĩa là hoạt hình Nhật kết thúc. Nói một cách khách quan, đó có thể là sự ra đời của một ngành công nghiệp mới”.

Đồng quan điểm, đạo diễn Naoko Yamada của hãng Kyoto Animation, nói: “Tại Nhật, mọi người đều yêu thích Studio Ghibli, nhưng không có nghĩa sẽ bỏ qua các hãng khác. Các tác phẩm của những hãng hoạt hình khác vẫn đang được phát hành rộng rãi, lan tỏa các thị trường Tây Âu. So với trước kia, phim hoạt hình Nhật đã mở rộng với nhiều đề tài phong phú, phạm vi khán giả với những độ tuổi và trình độ khác nhau. Các đạo diễn năng động và sáng tạo hơn, dần hình thành lớp đạo diễn mới”.

Hiromasa Yonebayashi đang được xem là đạo diễn triển vọng, xuất thân từ Studio Ghibli. Hiromasa Yonebayashi được biết đến qua các phim: “The Secret of Arrietty” (2010) và “Marnie Was There” (2014)- tác phẩm nhận đề cử Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Trong khi Studio Ghibli vẫn chưa quyết rõ con đường sắp tới, Hiromasa Yonebayashi đã mạnh dạn hợp tác với một nhóm các nhà làm phim hoạt hình thành lập hãng mới mang tên Studio Ponoc. “Mary và Flower of Witch”- tác phẩm đầu tiên của Studio Ponoc, do Hiromasa Yonebayashi đạo diễn đã ra rạp vào tháng 7-2017 tại Nhật, dự kiến tại Bắc Mỹ, Úc vào mùa đông năm 2017.

Hayao Miyazaki cũng có truyền nhân, đó là Gorō Miyazaki- con trai ông, được đào tạo để trở thành kiến trúc sư cảnh quan. Nhưng Gorō Miyazaki lấn sân ngành công nghiệp hoạt hình với tác phẩm đầu tay “Tales from Earthsea” (2006). Gorō Miyazaki cho biết: “Tôi không thể sao chép quá trình của cha, tôi sẽ kể về những câu chuyện của riêng mình”. “Tales from Earthsea” không được đánh giá cao, nhưng “From Up on Poppy Hill” (2011)- tác phẩm thứ hai của anh, được trang Rotten Tomatoes đã đánh giá 83% điểm tích cực, còn Japan Times cho rằng Gorō Miyazaki đang dần chứng tỏ tài năng.

Phim hoạt hình Nhật có thể không thể tạo dựng thời kỳ hoàng kim như trước, nhưng hiện tại sức ảnh hưởng trên quốc tế lại đang mở rộng. Tại các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, hoạt hình Nhật đã bắt đầu có chỗ đứng trong những năm gần đây.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Guardian, Tofugu, Radiotimes)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hoạt hình Nhật