20/02/2018 - 14:34

Âm vang 50 năm và nhiều năm sau nữa... 

ĐẶNG DUY KHÔI

50 năm- nửa thế kỷ- quá nửa đời người- những con số ấy định lượng được dễ dàng bằng những tháng, những ngày. Nhưng có những điều thiêng liêng chẳng thể nào đong đếm- đó là sự anh dũng của cha ông, là tinh thần quật cường của dân tộc, là máu và hoa trên trang sử vàng quê hương. Di tích Chiến thắng Ông Cửu (*) không chỉ tái hiện hào khí của 50 năm trước, mà còn để lại cho con cháu nhiều đời sau những giá trị tinh thần dân tộc quý giá trong hành trang xây dựng và phát triển đất nước.

Cựu chiến binh phường Thường Thạnh, quận Cái Răng kể chuyện sử cho các em thiếu nhi địa phương tại Di tích Chiến thắng Ông Cửu. 

* Cánh đồng hóa biển lửa

“Nghe Di tích Chiến thắng Ông Cửu được xây mới khang trang, chú mừng quá. Làm vậy là nghĩa tình lắm!”, chú Lê Hồng Quang (tự Bảy Quang), y tá, nguyên Trung đội trưởng- Đại đội 23- Tiểu đoàn Tây Đô 1, xúc động. Người đàn ông 70 tuổi từng 5 lần bị thương thời chiến giờ sống giữa vườn cam xanh mướt ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Hỏi chú về những vết thương, chú nhớ quên trong dọc dài ký ức, chỉ khi hỏi về trận Ông Cửu của Tiểu đoàn Tây Đô, chú Bảy rành rạnh kể lại.

Chú Bảy nhớ khi Chỉ huy Vùng 4 của địch ra lệnh hủy diệt trận địa vì biết ta đang thâu chiến lợi phẩm. Quân ta vừa tới công sự thì pháo tới, cánh đồng Ông Cửu như một biển lửa. Rồi chú Bảy Quang rưng rưng khi kể về những đồng đội đã mãi nằm xuống nơi cánh đồng này, là đồng chí Bảy Xoàn- Đại đội trưởng, đồng chí Chí Linh- trinh sát… Tự hào và nhớ thương, chú Bảy ghìm giọng: “Anh em thương nhau lắm, điếu thuốc tàn chia nhau mà”.

Còn với Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Giàu (tự Tư Trung), nguyên Chính trị viên Đại đội Quân y tiền phương tỉnh Hậu Giang, vẫn nhớ như in cánh đồng lửa đạn ngút trời ở Ông Cửu hồi năm 1968. Sau khi chú Tư Trung chữa lành những vết thương hồi mùng 2 Tết Mậu Thân (1968) trong nội thành Cần Thơ, chú trở lại Tiểu đoàn Tây Đô, tham gia đánh trận Bà Vèn- Ông Cửu. Vết thương đã lành nhưng vẫn còn đau nhức, mắt thì hư 1 con, chân thì đi bước nào cũng đau nhói nhưng người y tá ấy vẫn xông pha nơi làn bom đường đạn để cứu thương. Nửa thế kỷ trôi qua nhưng vị Anh hùng 72 tuổi vẫn kể về chiến công của Tiểu đoàn Tây Đô năm ấy với xiết bao xúc cảm.

Trận đánh tại rạch Ông Cửu (lúc bấy giờ thuộc xã Thường Thạnh, huyện Châu Thành B) vào ngày 10- 6- 1968 đã nối dài những chiến công của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng. Tiểu đoàn Tây Đô và lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bại cuộc hành quân “Tìm diệt” của Sư đoàn 21 thuộc Vùng IV chiến thuật của chính quyền Sài Gòn. Trận chiến diễn ra phức tạp, ta và địch tranh chấp quyết liệt, giành giật từng công sự, bờ mương. Địch chiếm ưu thế về số quân, mạnh về hỏa lực, vũ khí hiện đại: pháo binh mặt đất, xe M113, các loại máy bay ném bom… Nhưng với tinh thần “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”, những người lính Tây Đô quả cảm, kiên hùng đã tiêu diệt trên 500 tên địch, bắn rơi trực thăng, thu nhiều súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng… Khoảng 4 giờ chiều, địch tháo chạy, cánh đồng Ông Cửu tan hoang khói lửa.

Nhắc đến chiến thắng Ông Cửu, không thể quên vai trò chỉ huy của đồng chí Hồ Văn Tửu. Trong bài viết “Hồ Văn Tửu” đăng trên Văn nghệ Cần Thơ xuân Bính Tuất (2006), tác giả Lê Trọng Nghĩa, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Tây Đô, kể: trong những giờ phút cam go nhất của trận chiến nhưng tranh thủ phút giây pháo địch ngừng bắn, đồng chí Hồ Văn Tửu ân cần trao cho chiến sĩ từng điếu thuốc, bình dị mà sâu sắc vô cùng. Chiến thắng Ông Cửu đã làm nức lòng bà con các xã Thường Thạnh, Thường Đông, Đông Phước… và cả Châu Thành B vì đây là trận lớn nhất, ác liệt nhất và tiêu diệt nhiều tên địch nhất trên quê hương mình. Chiến thắng từ cuộc chiến không cân sức này còn cho thấy: “Chiến thắng Ông Cửu gắn liền với một con người có dũng khí, có nhân văn, có kỷ luật và một phong cách bình dị, đã tạo nên sự đoàn kết cán- binh, sức mạnh của một tập thể anh hùng. Đó là Hồ Văn Tửu”- tác giả Lê Trọng Nghĩa nhận định.

* Xanh mãi đồng xưa

Cánh đồng xơ xác của hơn nửa thế kỷ trước giờ đã mướt xanh cây trái. Một khu di tích khang trang, một tượng đài hiên ngang cũng được dựng lên trên cánh đồng ấy. Chiến thắng Ông Cửu không nằm yên trong quá khứ mà mãi là bản hùng ca hun đúc lòng tự hào cho thế hệ hôm nay. Công trình có những hạng mục như tượng đài và phù điêu, lễ đài trung tâm, nhà truyền thống… với tổng mức đầu tư gần 19 tỉ đồng.

Về Cái Răng, xuôi dòng Ông Cửu, Bà Vèn, thanh âm ngày mới xôn xao réo gọi. Bà con ai cũng hồ hởi nói về công trình mới trên quê hương mình bằng lòng tri ân quá khứ, tự hào hiện tại và những ước vọng tương lai. Trong ngọn gió chướng rì rào từ rạch Ông Cửu, chú Đoàn Xuân Ry (Ba Ry), một cựu chiến binh của Tiểu đoàn Tây Đô năm nào dẫn nhóm học sinh của Trường Tiểu học Thường Thạnh đến thăm di tích. Chuyện xưa kể lại, những đôi mắt lấp lánh thanh xuân, chăm chú lắng nghe. Cô bé Lê Trần Huỳnh Như, học sinh lớp 5, tỉ mẩn ghi ghi chép chép lời ông Ba kể, chỗ nào chưa rõ hỏi ngay. Huỳnh Như nói: “Nghe ông Ba kể con tự hào về lịch sử của quê hương mình”. Bạn bè của Như cũng vậy, các em mới hay rằng, con đường đến trường, dòng kinh trước nhà, cây trái sau vườn đều được dệt nên từ những chiến công. Chú Ba Ry thì nói: “Dù không trực tiếp tham gia trận Ông Cửu nhưng chú tự hào về đồng đội của chú, tự hào về Tây Đô anh hùng. Bởi vậy, dù lớn tuổi rồi nhưng chú dốc lòng kể sử cho con cháu nghe đặng mà thấu hiểu”.

Hạt giống đỏ nảy mầm xuân. Trên mảnh đất Thường Thạnh anh hùng 50 năm qua, âm vang Chiến thắng Ông Cửu vẫn như nguyên vẹn. Bao thế hệ người Thường Thạnh vẫn viết tiếp bản hùng ca trên quê hương mình. Hơn 1 năm không gặp lại, cô Bí thư Đoàn phường Thường Thạnh- Trịnh Ngọc Bích giờ đã là Phó Chủ tịch UBND phường. 36 tuổi với 13 năm làm công tác Đoàn, tôi ví von rằng chị Bích là “vàng đã thử lửa”. Chị Ngọc Bích thì cười mà rằng, chính truyền thống quê hương đã hun đúc cho chị những nghĩ suy của một người trẻ biết sống cống hiến và phụng sự Tổ quốc. Với cương vị lãnh đạo địa phương, chị Bích lại truyền ngọn lửa truyền thống cho những thế hệ tiếp nối. Những buổi sinh hoạt truyền thống, những buổi tham quan và chăm sóc di tích của tuổi trẻ; và ngày gần Tết, con đường hoa dẫn về di tích do các bạn trẻ của phường trồng, đua nhau khoe sắc chính là minh chứng cho sự tiếp nối ấy.

Thường Thạnh, Cái Chanh, Ông Cửu, Bà Vèn… những địa danh thắm màu hùng anh, nơi tôi có những người bạn vong niên thiết thân. Là ông Hai Đức với ngón đờn tài tử độc đáo cùng cây đờn sến 3 dây do ông tự chế; là dì Hai Đẳng- nghệ nhân giữ nghề dệt chiếu gia truyền... Ghé lại thăm dì Hai Đẳng ngày cận Tết, tiếng máy dệt chiếu cọc cạch không ngớt. Nói về quê hương mình, dì Hai Đẳng thiệt tình: “Chỉ nói nghề dệt chiếu của tôi thôi, hồi xưa người chuồi người dập đau xương sống, giờ có máy dệt, máy chẻ lác, khỏe re”. Dì Hai còn khoe mấy năm qua, chị Thủy, con gái dì, được nhà nước hỗ trợ vay vốn mua máy dệt chiếu nên khấm khá lắm.

Trong câu chuyện cuối năm với lão nghệ nhân Hai Đức, chú Hai trầm ngâm dạo khúc Nam Xuân “đãi khách” nghe nhức nhối tâm tư. Buông cây đờn, cầm ly trà nóng, chú Hai tóm gọn như vầy: “Ở ngoài thành có cái gì, xứ này có cái đó!”. Nghiệm lời chú Hai mới thấy đúng. Thường Thạnh giờ có khu du lịch, đường sá khang trang, trường lớp đàng hoàng… Một đô thị sinh thái đang tiến dần hiện thực hóa mục tiêu văn minh đô thị. “Cánh đồng biển lửa” sau 50 năm giờ là lúa, là hoa, là cây lành trái ngọt. Sự đổi thay diệu kỳ từ bàn tay dựng xây của bao thế hệ người Thường Thạnh trên nền tảng truyền thống quê nhà.

*   *   *

Chuyện xưa- chuyện nay ở Thường Thạnh cứ hòa quyện như một mối lương duyên. Âm vang 50 năm sẽ còn âm vang mãi mãi trên đất anh hùng.

----------------------

(*): Tên gọi tắt của Di tích Lịch sử- Văn hóa “Địa điểm chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu năm 1968”, được xếp hạng di tích cấp thành phố vào năm 2013.

Chia sẻ bài viết