MAI QUYÊN (Theo Nikkei)
Sự phổ biến ngày càng tăng của điện thoại thông minh ở Ðông Nam Á cho phép người dân khu vực trải nghiệm tiện ích của nhiều dịch vụ qua ứng dụng, chẳng hạn như bắt xe, đặt đồ ăn, mua hàng trực tuyến… Dịch vụ y tế từ xa (telehealth) cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Ứng dụng Doctor Anywhere của Singapore có người dùng ở 6 quốc gia Ðông Nam Á. Ảnh: Doctor Anywhere
Giảm bớt thách thức cho ngành y tế
Trong hơn 3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, y tế từ xa đã trở nên “thật” và “gần” hơn với người dân nhiều nước. Ðồng hành cùng sự phát triển của thế giới, telehealth đang phổ biến ở Ðông Nam Á trong bối cảnh nhân lực ngành y tế ở một số quốc gia không theo kịp dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của khu vực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chi tiêu y tế của Indonesia năm 2020 tăng 71% so với năm 2010, lên tới 36 tỉ USD. Con số này của Thái Lan là 22 tỉ USD, tăng gần gấp đôi. Nhiều nước Ðông Nam Á khác cũng có chi tiêu y tế tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ ở Indonesia chỉ ở mức 6,95 bác sĩ/10.000 người vào năm 2021, thấp hơn Thái Lan (9,28) và Myanmar (7,51). Tỷ lệ này ở Mỹ là 35,55 bác sĩ/10.000 người vào năm 2020, Nhật Bản 26,14 và Trung Quốc 23,87.
Theo tờ Nikkei, khoảng cách rộng lớn và tốc độ phát triển đô thị không đồng đều giữa các quần đảo là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người dân Indonesia trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh chóng, hiệu quả. Nhưng những thách thức này đang dần được giảm bớt, nhờ sự hỗ trợ của các nhà cung cấp giải pháp y tế từ xa. Theo Ahmad Fariza, cư dân sinh sống ven thủ đô Jakarta, lần đầu anh biết đến ứng dụng chăm sóc sức khỏe Alodokter là khi họ hợp tác với chính phủ lúc đại dịch COVID-19 lây lan khắp Indonesia vào năm 2021. Khi bị sốt vài ngày trước, nhà thiết kế đồ họa tự do 27 tuổi này lần nữa truy cập ứng dụng. “Tham vấn trực tuyến, thay vì đến bệnh viện hoặc phòng khám khi bị bệnh, không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm mà còn tiết kiệm thời gian và tiền bạc” - Fariza hài lòng cho biết.
Alodokter là ứng dụng chăm sóc sức khỏe hàng đầu của Indonesia với mạng lưới rộng lớn gồm hơn 80.000 bác sĩ và hơn 20 triệu người dùng hoạt động thường xuyên hàng tháng. Ra mắt năm 2014, ứng dụng này trong năm 2019 đã huy động thành công nguồn vốn mới 33 triệu USD để mở rộng mạng lưới bệnh viện hợp tác và phát triển dịch vụ bảo hiểm y tế kèm theo. Khi truy cập ứng dụng, người bệnh có thể trao đổi tình hình trực tiếp với bác sĩ, đặt lịch hẹn khám chữa bệnh, theo dõi tình hình sức khỏe và quản lý hồ sơ bảo hiểm.
Ngoài Alodokter, nhà cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa Halodoc ra mắt vào năm 2016 cũng tự hào có hơn 20 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia. Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Halodoc, Jonathan Sudharta, cho biết con số này đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19. Tính đến tháng 12-2022, Halodoc đã vận chuyển đơn thuốc tới 400 thành phố. Trong đó, người bệnh ở 120 thành phố có thể nhận được thuốc trong 15 phút sau khi đặt. Trong những năm tới, ông Sudharta kỳ vọng Halodoc tiếp cận 100 triệu khách hàng, đồng thời mở rộng sang “các quốc gia chiến lược” như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Thị trường tiềm năng
Không chỉ Indonesia, tờ Nikkei cho biết telehealth bắt đầu phổ biến ở những quốc gia Ðông Nam Á khác khi nhiều công ty mở rộng hệ sinh thái dịch vụ y tế từ xa để cạnh tranh. Ðơn cử như Doctor Anywhere, một trong những công ty y tế kỹ thuật số lớn nhất tại Singapore, đã huy động được 38,8 triệu USD hồi năm ngoái. Một phần của nguồn đầu tư được dùng để mua lại Asian Healthcare Specialists (AHS), tập đoàn y tế đa ngành cung cấp các dịch vụ gây mê, da liễu, y học gia đình và tiêu hóa. Sau khi tư vấn từ xa, Doctor Anywhere có thể đưa bệnh nhân cần nhập viện đến các cơ sở y tế của AHS. Còn tại Philippines, tập đoàn Ayala năm ngoái tuyên bố hợp nhất 3 công ty chăm sóc sức khỏe - KonsultaMD, HealthNow và AIDE - thành một siêu ứng dụng công nghệ y tế. Ứng dụng mới sẽ ra mắt vào cuối tháng 3 này.