14/01/2022 - 13:06

Xúc tiến đầu tư, thương mại trên nền tảng số 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế khiến hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, xúc tiến trên nền tảng số là “chìa khóa vàng” giúp thành phố mở rộng tìm kiếm đối tác, thu hút đầu tư hiệu quả; doanh nghiệp duy trì kết nối với đối tác, mở rộng thị trường. Từ đó, giúp thành phố và doanh nghiệp kịp thời bắt nhịp chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội, hoàn thành các mục tiêu phát triển…

Lãnh đạo thành phố tham gia diễn đàn XTTM trực tuyến do Bộ Ngoại giao tổ chức. 

Duy trì kết nối

Ngày 8-2-2021, UBND TP Cần Thơ tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II cho 2 nhà đầu tư: Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni. Dự án đặt tại Trung tâm Ðiện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có công suất thiết kế 1.050MW với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỉ USD. Ðây là một minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền thành phố linh hoạt thích ứng trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 trong việc duy trì kết nối.

Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ là một trong những đơn vị nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi cách thức xúc tiến đầu tư, thương mại từ trực tiếp sang trực tuyến và được cộng đồng DN tích cực hưởng ứng. Các hoạt động kết nối cung - cầu trực tuyến được kết nối đã thu hút được các đối tác trong và ngoài nước tham gia. Trung tâm chia sẻ thông tin, kết nối các doanh nghiệp tại địa phương với các chương trình của Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) và các trang web, các nhóm kết nối giao thương trên các nền tảng xã hội (Zalo, Facebook, Viber) của các tổ chức XTTM nước ngoài; giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội giao thương. Ðồng thời, Trung tâm vận hành Diễn đàn Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại là nơi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham khảo thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của TP Cần Thơ; kênh tương tác, thảo luận và trao đổi các thông tin liên quan đến đầu tư, thương mại và hội chợ tại TP Cần Thơ; tiếp nhận thông tin để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh tại thành phố.

Ông Trần Thủ Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Mekong, nhận định: “Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng ta đã chuyển hướng rất nhanh, thông qua hoạt động kết nối giao thương trực tuyến đã hỗ trợ doanh nghiệp duy trì kết nối với đối tác; khai thác thị trường, đa dạng đầu ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhờ duy trì kết nối trên nền tảng số, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xuất khẩu được 177.000 tấn gạo sang thị trường nhiều nước, đạt doanh thu trên 30 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm, Công ty sẽ xuất khẩu gạo đạt 190.000 tấn.

Khẳng định vai trò cầu nối

Ðể hỗ trợ các địa phương, Cục XTTM xây dựng hệ sinh thái XTTM số, nền tảng ứng dụng tích hợp các dịch vụ XTTM, tạo điều kiện cho DN trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh, nền tảng số sẽ được cung cấp miễn phí cho các tổ chức/đơn vị tổ chức các hội chợ, triển lãm trực tuyến; các ứng dụng số khác phục vụ XTTM như chắp mối kinh doanh trực tuyến, tư vấn/đào tạo,…

Thời gian qua, Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên, Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, Công ty CP Phân bón Hóa Chất Cần Thơ, Công ty TNHH SunoFood Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Mỹ Bình... là những đơn vị tiên phong, tiếp cận phương thức giao thương trên nền tảng số. Lãnh đạo các công ty này đều cho rằng từ sự kết nối trực tuyến đã giúp doanh nghiệp kết nối thường xuyên với các đối tác, giữ được thị trường, đã có thêm hợp đồng mới, tuy ít...

Trung tuần tháng 11-2021, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Tổng Lãnh sự Ấn Ðộ tại TPHCM tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư - thương mại dành cho doanh nghiệp Ấn Ðộ. Mục đích giới thiệu cho các doanh nghiệp Ấn Ðộ những thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, cơ hội đầu tư - thương mại và các chính sách hỗ trợ của thành phố; tìm hiểu nhu cầu đầu tư, hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp hai bên. Hội thảo thu hút khoảng 80 đại biểu (trong đó có 25 đại biểu Ấn Ðộ) đại diện cho các liên đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và Ấn Ðộ. Ðã có 14 cuộc trao đổi được thực hiện giữa doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực như: nông sản, thủy sản, phân bón, hóa chất, thực phẩm chế biến, thuốc thú y,… Trong năm 2021, thành phố đã tiếp và làm việc với khoảng 20 đoàn ngoại giao và nhà đầu tư như Tập đoàn Sovico, Công ty CP Tập đoàn TH, Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam, Tập đoàn SK Hàn Quốc,... đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực đô thị, logistics, ngân hàng, biến đổi khí hậu, xử lý nước thải, giáo dục, nông nghiệp, y tế, thương mại,... Thành phố ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty CP Wons (Nhật Bản).

Nhờ duy trì kết nối với các đối tác nhập khẩu qua nền tảng số, Công ty CP Chế biến Thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Westfoods) đảm bảo ổn định các đơn hàng trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Westfoods. 

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, cho biết: “Ðể tham gia hoạt động XTTM trực tuyến có hiệu quả, DN cần phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng kinh doanh và xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá trực tuyến chuyên nghiệp. Ðặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chuyển đổi số sớm; tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên thế giới. Yếu tố cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ. DN phải cải thiện tốc độ, năng lực giao tiếp, điều này có thể hiểu là tổng hợp các yếu tố gồm: thành thạo ngoại ngữ, khả năng trao đổi trực tiếp, rõ ràng, hiệu quả trong thời gian ngắn để tạo ấn tượng, “ghi điểm” với khách hàng về sự chuyên nghiệp, tin cậy trong kinh doanh. Ðể xúc tiến xuất khẩu trực tuyến thành công, doanh nghiệp cần linh hoạt vận dụng và kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực để chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh”.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, xúc tiến đầu tư - thương mại trực tuyến sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến đầu tư - thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực và nâng cao hiệu quả cho xúc tiến đầu tư - thương mại trực tiếp.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết