20/07/2023 - 07:53

Xúc tiến đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Lãnh đạo TP Cần Thơ vừa chủ trì cuộc họp kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7), dự kiến khởi công trong năm 2024. Ðoạn 7km này khi được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo đồng bộ toàn tuyến quốc lộ 91 đi qua địa bàn TP Cần Thơ, đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông cho thành phố.

Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7) đang nhỏ hẹp, cần sớm được đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Phần lớn đoạn quốc lộ 91 đi qua địa bàn TP Cần Thơ (từ Km7 đến Km50) đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo thông thoáng, phương tiện lưu thông thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chỉnh trang đô thị TP Cần Thơ, kết nối giao thông với khu vực ÐBSCL. Trong khi đó, đoạn đầu tuyến 7km (đường Cách mạng Tháng 8 - Lê Hồng Phong), thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều, Bình Thủy hiện rất nhỏ hẹp, chưa được nâng cấp đồng bộ, thường xuyên ùn tắc giao thông. Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ chủ trì cuộc họp kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7), dự kiến khởi công trong năm 2024.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7), TP Cần Thơ có chiều dài tuyến hơn 7,04km (bao gồm cầu Bình Thủy): điểm đầu tại nút giao đường Cách mạng Tháng 8 - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi và điểm cuối kết nối với đoạn Km7 - Km14 đang khai thác. Ðây là dự án nhóm A; công trình đường giao thông cấp II, vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ; bề rộng nền đường: 37m. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.180,11 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 5.775 tỉ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 940,2 tỉ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng… Mặt cắt ngang 37m dự kiến của dự án cũng đồng bộ với quy mô mặt cắt ngang đoạn Km7 - Km14 (về bề rộng mặt đường, bề rộng dải phân cách giữa, bề rộng vỉa hè): mặt đường phần xe chạy 23m, dải phân cách giữa 4m, vỉa hè hai bên là 10m. Riêng quy mô cầu Bình Thủy, để đảm bảo mỹ quan đô thị, tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn cho phương tiện tham quan các khu di tích lịch sử, phương án cầu được đề xuất là cầu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, chiều dài toàn cầu 182,2m; đầu tư xây dựng 2 đơn nguyên cầu đồng bộ với quy mô phần tuyến với mặt cắt ngang
là 33m.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Sở đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Sau khi có chủ trương phân bổ vốn Trung ương của Chính phủ (dự kiến 3.235 tỉ đồng), sẽ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, dự kiến khởi công trong năm 2024. Về phạm vi giải phóng mặt bằng, theo phạm vi quy hoạch là 37m đối với phần tuyến, riêng đối với phần cầu Bình Thủy phạm vi khoảng từ 37m đến 48m (phục vụ bố trí đường dân sinh cặp cầu). Dự kiến tổng khối lượng đất thu hồi là 272.558,1m2; trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng là 60.848,3m2 và đất Nhà nước quản lý là 211.709,8m2. Dự kiến có khoảng 1.110 hộ (có 109 hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ) và 71 tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó có khoảng 278 hộ giải tỏa trắng cần tái định cư, dự kiến nhu cầu tương đương 330 nền (quận Bình Thủy dự kiến 250 nền, Ninh Kiều khoảng 80 nền).

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy Tiêu Quốc Doãn, đối với dự án này trên địa bàn quận nhu cầu tái định cư khoảng 250 nền. Quận Bình Thủy hiện đang tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố, về quỹ nền tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hiện quận cũng không đảm bảo so với nhu cầu. Ðể triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7) thuận lợi, quận sẽ cân nhắc sắp xếp từ quỹ nền địa phương đang quản lý để bố trí. Liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án này, các sở, ngành thành phố và nhất là chủ đầu tư dự án (Sở Giao thông vận tải) cũng nên quan tâm giúp 2 địa phương về thủ tục thu hồi đất đảm bảo đúng quy trình, quy định.

Tại cuộc họp kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: Ðây là công trình trọng điểm của thành phố. Sở Giao thông vận tải cần chủ động hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với dự án trong tháng 7-2023. Sau khi có chủ trương phân bổ vốn Trung ương, Sở Kế hoạch và Ðầu tư sớm trình Hội đồng Thẩm định thành phố thông qua chủ trương đầu tư của dự án để triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định. Các quận Ninh Kiều, Bình Thủy rà soát, tính toán nhu cầu tái định cư của dự án, nghiên cứu phương án tái định cư phù hợp, xúc tiến sớm đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án… Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải thông tin đến người dân dự án này chuẩn bị triển khai, để thực hiện ngay công tác kiểm đếm trong năm 2023 đối với các trường hợp bị ảnh hưởng, đến khi dự án được phê duyệt và có nguồn vốn tiến hành chi trả cho dân ngay.

Chia sẻ bài viết