15/07/2013 - 21:43

Xuất khẩu thủy sản chật vật vượt rào cản

Thu hoạch tôm tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Vượt qua tất cả những khó khăn, 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thủy sản của nước duy trì mức tăng trưởng của năm 2012. Các chuyên gia đầu ngành dự báo, từ nay đến cuối năm 2013, tình hình tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có dấu hiệu khả quan.  Song, sản lượng và giá trị xuất khẩu cả năm chỉ đạt mức tương đương năm 2012. Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật là những thách  thức mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đương đầu.

Khó vượt ngưỡng năm 2012

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt trên 2,86 tỉ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tiếp tục giảm sâu (giảm 15,6%), các thị trường còn lại đều có mức tăng trưởng so với năm trước. Điển hình, thị trường Mỹ tăng 16,4%, Trung Quốc và Hong Kong tăng 13,3%, khu vực ASEAN tăng 16,8%... Riêng mặt hàng tôm, dù đến hết quý I/2013, xuất khẩu tôm chỉ mới đạt gần 424,7 triệu USD, song nhờ sự tăng trưởng mạnh trong tháng 4 và 5, kim ngạch xuất khẩu tôm vượt lên mức 1,088 tỉ USD, tăng 7,17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm tiếp tục đối mặt với khó khăn. Hiện mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang bị một số nước áp đặt rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) phát động vụ kiện chống phá giá đối với cá tra và cáo buộc tôm nước lợ nhận trợ cấp từ Chính phủ, tạo tâm lý nặng nề lên các nhà xuất khẩu cũng như các nhà nhập khẩu tôm tại thị trường này. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc quy định nghiêm ngặt về hàm lượng Ethoxyquyn, Triphulamin trên tôm; còn Ucraine tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra do dư lượng một số loại vi sinh vật vượt tiêu chuẩn; Mexico ngưng nhập khẩu tôm của 4 nước, trong đó có Việt Nam… Song song đó, xuất khẩu tôm sang thị trường EU sẽ khó cải thiện, do tình hình kinh tế khu vực này chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong nước, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do ít đơn đặt hàng, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao… Từ những cản ngại nói trên, Bộ Công thương dự báo sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khó vượt ngưỡng năm 2012.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định: “Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường EU sụt giảm. Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi mạnh của thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản cả nước đạt xấp xỉ năm 2012, với kim ngạch dao động khoảng 6-6,2 tỉ USD. Trong đó, sản lượng tôm xuất khẩu các loại dự đoán đạt gần 200.000 tấn, giá trị đạt khoảng 2,1 tỉ USD, giảm 5% so với năm ngoái; xuất khẩu cá tra, hải sản đạt mức tương đương năm 2012, với giá trị lần lượt khoảng 1,75 tỉ USD và 2,2 tỉ USD”.  

Cần chiến lược khả thi

Trong xu thế toàn cầu hóa, các nước đã dựng lên nhiều rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất trong nước, do vậy nông sản Việt sẽ rất chật vật trong cuộc cạnh tranh này. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản chuẩn bị tài liệu để chứng minh ngành tôm không được trợ cấp và các khoản đầu tư đối với ngành này là hoàn toàn minh bạch, nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Bộ đã cung cấp các nghiên cứu khoa học có liên quan đến dư lượng Ethoxyquyn có trong tôm và các biện pháp khắc phục cho phía Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, gửi tài liệu chứng minh Việt Nam đã cơ bản khống chế được bệnh hoại tử gan tụy và sản phẩm tôm của Việt Nam đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đến Mexico. Từ những nỗ lực này, hiện Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ việc kiểm soát dư lượng Triphulamin”. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tám, về lâu dài, sản phẩm thủy sản cần được kiểm soát chất lượng từ gốc, kiểm soát chất lượng theo chuỗi giá trị, thực hiện truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt như: Viet GAP, Global GAP, ASC, BMP… mới thâm nhập sâu vào thị trường khó tính.

Theo Bộ Công thương, năm 2013, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã phê duyệt 3 đề án tham gia hội chợ chuyên ngành quốc tế về thủy sản tại Bỉ, Hoa Kỳ và Trung Quốc với tổng kinh phí hơn 6,26 tỉ đồng. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tham gia các hội chợ là cách hiệu quả nhất để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam. Đây cũng là dịp duy trì, củng cố mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, tạo cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đồng thời giúp các doanh nghiệp đánh giá lại thị trường để xây dựng định hướng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao.

Tại Hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các địa phương trong vùng đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thủy sản của vùng. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, xuất khẩu thủy sản đã và đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Muốn khắc phục điều này thì việc chủ động liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp để quy hoạch lại sản xuất, điều tiết sản lượng là hết sức cần thiết. Ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị: Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chính sách ưu đãi tín dụng để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, hạ tầng phục vụ các vùng nuôi thủy sản chuyên canh. Đồng thời, hỗ trợ vốn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường cho các doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn. Trên cơ sở này có thể tổ chức thành mô hình tập đoàn xuất khẩu lớn với các doanh nghiệp vệ tinh sẽ mang lại hiệu quả cao cho xuất khẩu. Đây cũng là giải pháp tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong việc vượt qua các rào cản của các nước nhập khẩu.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết