15/10/2017 - 17:34

Xuất khẩu lao động - không chủ quan 

Nhiều năm nay, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là thị trường tìm việc khá phổ biến trong cộng đồng dân cư, từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, nhiều người còn rất mơ hồ, thiếu thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường lao động ngoài nước, các đơn vị XKLĐ cũng như chi phí, thủ tục XKLĐ.

    Đại biểu trao đổi thông tin XKLĐ tại Hội thảo thông tin về chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản vừa tổ chức tại TP Cần Thơ. 

Tại Hội thảo thông tin về chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) - thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu trình bày thắc mắc về thực trạng tuyển dụng lao động xuất khẩu tại các địa phương. Đại diện ngành LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh quan tâm đến thông tin các công ty XKLĐ đang được cấp phép tuyển lao động sang làm hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản. Mới đây, có đơn vị đến liên hệ trực tiếp với Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh tổ chức tư vấn và tuyển người XKLĐ nhưng không tổ chức lớp dạy tiếng Nhật bài bản, chỉ có chương trình giáo dục định hướng học tiếng Nhật 6 tháng, đạt trình độ N5, chi phí 12 triệu đồng/ứng viên. Một số đại biểu khác cho biết, có rất nhiều công ty XKLĐ trực tiếp đặt vấn đề tuyển dụng với các trường. Cùng đi với những công ty này có người nước ngoài, xưng là đại diện Bệnh viện A, Cơ sở y tế B… ở các nước để tạo thêm lòng tin với sinh viên và Ban Giám hiệu các trường.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Dolab,  khẳng định: “Đến thời điểm này, đối với mã ngành điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản, duy nhất kênh tuyển chọn theo chương trình Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản là hợp pháp và chỉ có Dolab được triển khai phối hợp phía Nhật Bản tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động ngành này sang làm việc. Vì thế, một số đơn vị thông tin tuyển chọn lao động chương trình này trên các trang web hoặc trực tiếp tư vấn tại các địa phương với những hứa hẹn hấp dẫn, tiêu chuẩn tuyển thấp hơn và theo hình thức visa du lịch hoặc du học là không hợp pháp. Người lao động dễ gặp rủi ro khi tham gia. Đặc biệt, XKLĐ Nhật Bản làm việc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trình độ tiếng Nhật mức N5 là rất thấp, không đảm bảo nhu cầu giao tiếp cơ bản”.

Những chương trình XKLĐ khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người lao động chủ quan, thiếu tìm hiểu. Ở TP Cần Thơ, người lao động dễ dàng tìm hiểu thông tin XKLĐ tại các kênh uy tín như: Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ và cổng thông tin điện tử của trung tâm; các Văn phòng giao dịch Bảo hiểm thất nghiệp và việc làm đặt tại phường Phước Thới (quận Ô Môn), thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) và phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt). Ngoài ra, lao động có thể tìm hiểu tại các trang thông tin: www.molisa.gov.vn (của Bộ LĐ-TB&XH); www.dolab.gov.vn (của Dolab); www.colab.gov.vn (của Trung tâm Lao động ngoài nước).

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ cho biết thêm, Trung tâm đang giới thiệu một số thị trường XKLĐ như: Điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản và điều dưỡng làm việc tại Đức (do Dolab triển khai); Thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan và lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (do Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai). Ngoài ra, còn nhiều đơn hàng tuyển dụng lao động trình độ phổ thông hoặc đã qua đào tạo xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia. Trung tâm lựa chọn các đơn hàng có ngành nghề phù hợp phần lớn lao động tại địa phương; quy trình tuyển dụng cụ thể, rõ ràng, đúng quy định. Về các đối tác phối hợp tuyển lao động đi XKLĐ, bên cạnh các đơn hàng do đơn vị sự nghiệp nhà nước triển khai, với những công ty XKLĐ, Trung tâm phối hợp với các công ty được cấp phép hoạt động (có danh sách đăng tải trên cổng thông tin của Dolab); điều kiện cơ sở vật chất của công ty đảm bảo các nhu cầu tối thiểu cho ứng viên tham gia học tập, sinh hoạt và các chương trình XKLĐ do các công ty này thực hiện phải đạt hiệu quả nhất định.

Lựa chọn thử sức thị trường lao động ngoài nước, chắc chắn người lao động sẽ trải qua nhiều thử thách so với tìm việc trong nước. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không chỉ các cơ quan chức năng, mà người lao động cần hết sức cẩn trọng, lựa chọn thật kỹ, tránh “mất cả chì lẫn chài”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết