30/01/2016 - 15:54

Xuân xanh...

 Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang

Mùa xuân có lẽ chỉ thực sự bắt đầu từ những vạt nắng vàng trải đều trên vại dưa hành bà muối, bên mấy chiếc áo len giặt phơi ngoài sân rộng, bên hàng rào đã được ông tỉa tót đều tăm tắp. Một năm mới có đôi lần trở về quê, lắm lúc ông sợ con chó đốm và cây cỏ vườn nhà không còn nhận ra mình từng là chủ ở đây mấy mươi năm. Khi còn trẻ chưa khi nào ông nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ bỏ quê mà đi. Rồi thì, những mảnh đất xa lạ dần trở thành thân quen còn quê hương thì mỗi ngày thêm biền biệt. Chỉ bởi con cháu mỗi đứa một nơi mà lại hay đau ốm, ông bà cũng già rồi nên cứ muốn tụ lại để săn sóc cho nhau. Thành ra khi thì ở với thằng cả tại Hà Nội, khi thì lại ở với đứa út trong Đà Nẵng, còn nhà cửa ở quê thì nhờ họ mạc trông nom. Con cháu biết ông bà thương nhớ quê hương, nên hằng năm đều nhắc nhớ nhau dù bận rộn thế nào cũng phải về quê trong vài ba ngày Tết. Để tận hưởng bầu không khí xuân trong lành, để có dịp ngồi hàn huyên cùng nhau, để quây quần cho cha mẹ già đỡ tủi. Những ngày Tết tuy ngắn ngủi nhưng ăm ắp tiếng cười, đủ bình yên cho cả năm trời xa cách.

Năm nào anh con cả cũng nhận nhiệm vụ đèo ông đi trồng hoa, tảo mộ từ chiều hai bảy Tết. Những khóm hoa vạn thọ tắm mình dưới nắng vàng ươm khi nằm lại nơi nghĩa trang heo hút. Ông thường ngồi nán lại, chuyện trò bâng quơ cho đến lúc chiều tàn mới lững thững ra về. Người con cả nhìn bóng cha mình nhỏ nhoi giữa hàng trăm bia mộ mà lòng thắt lại. Cha giờ như ngọn đèn trước gió, như nắng chiều sắp tắt. Ý nghĩ ấy đeo bám anh suốt chặng đường về. Còn ông thì chẳng mảy may để ý vì còn bận kể chuyện dọc đường. Nào thì chỗ này ngày xưa từng là đầm sen, cứ đến mùa hoa là xóm nhỏ như được ướp hương từ đêm trăng cho đến khi sương sớm. Nào thì "chỗ này ngày xưa có một thân cây cổ thụ, hôm nào trời mưa mà đang chơi ở ngoài đồng con cũng chui vào đây trú tạm. Con còn nhớ đó là cây gì không?". Anh khẽ lắc đầu. Ông cười bảo đó là cây nhãn, thân to bằng mấy vòng ôm trẻ nhỏ. Bây giờ cây mất rồi, chỗ gốc cũ chỉ còn là khoảng trống, không đủ để che mưa che nắng cho một vài kỷ niệm. Vậy mà ông vẫn nhớ đến nao lòng…

*

* *

Năm nay ông đã bước sang tuổi tám mươi. Con cháu tính mừng thượng thọ cho ông vào những ngày xuân mới. Nên con dâu cả chọn may hai bộ khăn áo mới, xem ra ông bà ưng ý lắm. Còn con dâu út chuẩn bị chu đáo từng bông hoa, từng ấm chè ngon để mời bà con chòm xóm đến chung vui. Riêng ông con rể quý vốn là một cây văn nghệ thì xung phong đàn ca suốt Tết. Cụ ông cười bảo:

- Có khi chúng ta nên gọi là kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới của ông bà cho nó trẻ trung, phấn khởi.

 

Cụ bà ngồi xuống, vỗ nhẹ tay ông trêu:

- Vậy là tôi cũng chịu đựng cái tật ngủ ngáy của ông những mấy chục năm rồi cơ đấy.

- Chứ ai kê tay cho bà gối đầu êm ái từng ấy năm trời.

Tụi nhỏ cười khúc khích bảo ngày xưa ông bà còn trẻ chắc vui lắm. Bà bảo ừ vui, hồi ấy ông đào hoa lắm, gái theo về nhà, thư từ thì nườm nượp hoài nên cái tính hay dỗi hờn, ghen tuông của bà được thể phát huy. Ông tủm tỉm cười bảo bà hồi đó cũng trẻ đẹp đấy thôi, có mấy anh xây dựng tưởng chưa chồng, tán tỉnh à ơi mãi. Con cháu, dâu rể ngồi nhặt rau, gói bánh, cắm hoa ở ngoài hiên ai nấy đều bật cười. Tiếng cậu út nói vọng vào:

- Bố nghe câu "gừng càng già càng cay, duyên càng già càng thắm" hay chưa? Thế nên bố đừng tưởng giờ mẹ con già rồi mà không cần giữ. Ai cũng khen mẹ con trẻ lâu. Bố phải có phương pháp kịp thời chứ cứ sáng sớm để mẹ con đi tập thể dục một mình là không ổn đâu. Mà mấy cụ ông trong ngõ phố nhà con lại vô cùng hài hước. Con thấy sáng nào đi tập về mẹ cũng cứ cười suốt thôi.

Cô con dâu út tiếp lời chồng:

- Chồng con nói phải đấy ạ! Dạo này con thấy bố ít vận động, như thế không tốt cho sức khỏe tí nào. Bố nên đi tập cùng mẹ vừa là để rèn luyện sức khỏe vừa là cho mẹ đỡ buồn.

Tự nhiên bà khẽ thở dài bảo không biết còn đón được bao nhiêu cái Tết đầm ấm thế này. Ông bảo Tết không được nói chuyện buồn, sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, nên mình vui vẻ sống và đón nhận. Lúc này đã là chiều ba mươi Tết, mọi công việc chuẩn bị cho bữa cúng tất niên đều đã tươm tất. Nắng cũng đã tắt dần trên mái ngói, ngọn cây. Không khí làng quê trong lành, giữa cái chộn rộn của ngày xuân vẫn là sự bình yên của lòng người. Hoa đào vườn đã nở, chậu quất cảnh các con mang về tươi rói cả góc sân. Nồi bánh chưng gói cho cả mấy nhà kế bên đang đỏ lửa. Hai cụ ngồi nhớ Tết của ngày xưa thấy so với bây giờ thì Tết cũng không mấy đổi thay. Niềm vui vẫn ngầm ngập trong lòng…

*

* *

Chỉ có vợ chồng cậu út là chạnh buồn. Ông cụ để ý thấy hai con cười mà không vui, biết là lòng các con còn vướng víu nhiều chuyện gia đình. Dù không ở với cậu út nhiều nhưng nhà chúng có chuyện gì ông đều biết hết. Thấy bảo hai vợ chồng xích mích vì chuyện bồ bịch của cậu út, trong lúc nóng giận con dâu còn đòi lôi nhau ra tòa ly hôn. Ông nghe chuyện nghĩ ngợi mông lung suốt cả tuần. Ông biết con dâu ông tốt tính, vốn chịu thương chịu khó mà cũng hay nhẫn nhịn. Ông cũng biết tính thằng con ông nhiều khi hay trêu hoa ghẹo nguyệt nhưng thương vợ thương con hết lòng. Các con cơm không lành canh không ngọt, ông thấy Tết nhất mất vui. Thế nên sau bữa cơm tất niên, ông gọi tất cả con cháu ra dặn dò:

- Các con thấy đấy. Bố mẹ sống với nhau từng này tuổi rồi còn có lúc không vừa lòng nhau chuyện này, chuyện kia. Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi những lúc xích mích. Nhưng các con phải biết nhường nhịn, cảm thông và nhất là sống có trách nhiệm với nhau.

Con dâu út nghe xong thì bật khóc, ông đưa bàn tay già nua run run khẽ vỗ về rồi quay qua mắng cậu út:

- Nếu không có người khéo léo vun vén, chăm sóc gia đình thì sao con có thể yên tâm mà lo sự nghiệp. Vì thế phải biết thương lấy vợ con mình.

Trong những phút giây trầm lắng ngắn ngủi ấy lòng người như chùng xuống. Có chút gì đó vừa thân thương vừa xa xót, vừa thảnh thơi lại vừa bề bộn. Dù là người già hay trẻ cũng đều nghĩ may mà có Tết, nếu không chẳng biết lúc nào mới dám dứt khỏi cái guồng quay công việc bận rộn để mà ngồi lại bên nhau.

*

* *

Thời khắc giao thừa sắp đến. Con dâu tự tay chỉnh trang lại nếp áo dài cho ông bà, thấy màu áo rất hợp mà từng đường may cũng khéo léo vừa vặn nên vui lắm. Ông khẽ mỉm cười nhắc con cháu đứng ra sân cùng thắp hương vái lạy tổ tiên trịnh trọng trong một nghi lễ đầy ý nghĩa. Khoảnh khắc đất trời giao hòa, vạn vật tương sinh ấy ông khẽ cúi đầu đọc một bài văn khấn giao thừa. Khắp xóm nhỏ rộn vang tiếng cụng ly, tiếng chúc tụng. Cả nhà cười rạng rỡ nhìn những bóng người đi hái lộc trong bóng tối. Tuy không nhìn thấy mắt môi nhau nhưng chắc hẳn ai cũng hạnh phúc trong thời khắc tiễn năm cũ đi, đón năm mới đầy an vui, hạnh phúc. Ông bảo năm mới là không được bứt cành cây, hoa cỏ vì cũng giống như con người, vạn vật đang bắt đầu một mùa sinh sôi mới. Xuân đến là phải ươm mầm xanh, chăm hoa nở, chỉ có như thế mới phúc lộc đầy lòng. Hai ông bà dắt nhau ra vườn tìm chỗ con dâu hồi chiều đã đào sẵn hố rồi cùng nâng niu trồng xuống một cây con. Đó là lộc của mùa xuân, ông dành tặng cho con cháu sau này. Để những bình minh của tương lai, nắng sẽ nhảy nhót trên lá mướt xanh, chim chóc sẽ kéo nhau về làm tổ. Để mảnh vườn này, chốn quê này lúc nào cũng là một bến đỗ bình yên cho những từ biệt, cách xa.

Mùa xuân đã ngập tràn khắp
đất trời…

Chia sẻ bài viết