26/01/2008 - 11:29

Xuân về trên vùng biển Tây Nam

Đúng 23 giờ 30 phút ngày 15-1-2008, Tàu HQ 627 thuộc Hải đội 512 - Đoàn M27 nhổ neo, oằn mình rú một hồi còi dài chào tạm biệt quân cảng. Chiếc tàu lướt sóng chở Đoàn cán bộ Vùng E Hải quân và lãnh đạo chính quyền, các ban ngành đoàn thể các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, TP Cần Thơ...; các phóng viên báo, đài Trung ương, địa phương đi thăm, chúc Tết, tặng quà quân và dân trên các đảo Tây Nam. Ròng rã 5 ngày đêm, đoàn đã có cuộc hành trình hơn 300 hải lý đường biển …

Xuân đến sớm nơi đảo xa

Đại tá Lê Nguyên Hội, Phó Chính ủy Vùng E Hải quân – Trưởng đoàn công tác, cho biết: “Tết Nguyên đán Mậu Tý, ngoài các chế độ tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng ăn Tết, Vùng E Hải quân còn trích quỹ 350 triệu đồng cho bộ đội. Đợt này, Đoàn đi thăm, chúc Tết tặng quà của Vùng và của 2 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng cho các đơn vị bộ đội hải quân, biên phòng, kiểm lâm, hải đăng và chính quyền địa phương ở đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau); Củ Tron, Nam Du, Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang)”.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị của Vùng E Hải quân đã bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho bộ đội trong các ngày Tết. Ngoài số tiền của cấp trên cho, các đơn vị trên đảo còn trích quỹ tăng gia cho bộ đội ăn trong các ngày Tết bình quân từ 120.000 đồng đến 150. 000 đồng/người.

Đại tá Lê Nguyên Hội, Phó Chính ủy Vùng E Hải Quân (người thứ hai từ trái sang) tặng quà cho cán bộ -chiến sĩ đảo Thổ Chu. 

Chuyến đi thăm các đảo Tây Nam năm nay, Tàu HQ 627 vận chuyển hơn 30 tấn hàng bảo đảm cho bộ đội đón Tết, gồm: gạo, nếp, đậu xanh, bánh kẹo, bia, nước ngọt... và còn có đầu máy vidéo, cờ... để bộ đội giải trí trong các ngày Tết. Mặc dù đóng quân nơi đảo xa, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vào những ngày giáp xuân này, đến các đảo, chúng tôi được tận mắt chứng kiến không khí nồng ấm mang đầy sắc xuân đón Tết cổ truyền dân tộc của quân và dân trên các đảo.

Đến các đơn vị bộ đội, mọi công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tý đã chuẩn bị tươm tất, doanh trại được quét vôi và vệ sinh sạch sẽ. Trên các bàn thờ được trưng bày đầy đủ, nào là dòng chữ “Chúc mừng năm mới Xuân Mậu Tý”, rồi hoa mai, hoa rừng, mâm ngũ quả có dừa, chuối, bánh kẹo... Ông Ngô Văn Chuẩn, Tổ trưởng Tổ 1 (thuộc đảo Hòn Chuối) – thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, vui mừng nói: “Tôi gắn bó với đảo đến nay đã 16 năm, cuộc sống quân và dân ở nơi đây còn vất vả lắm. Nhưng chúng tôi rất đoàn kết, mỗi khi dân hết gạo thì đến vay mượn đỡ bộ đội, khi nào có thì trả, có hộ gia đình nghèo khó bộ đội cho luôn. Nghèo khổ nhưng quân - dân trên đảo đùm bọc thương yêu nhau hết lòng. Biết tin các chú, các anh ra thăm, chúc Tết sớm, bà con ở đảo Hòn Chuối mừng lắm. Chúng tôi ở xa đất liền, các chú, các anh đến thăm khi nào thì chúng tôi vui Tết khi đó...”.

Được biết, hiện nay trên đảo Hòn Chuối có 46 hộ dân, khoảng 126 nhân khẩu, không có hộ giàu, phần đông là hộ nghèo. Nguyện vọng của bà con nơi đây là mong được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước mỗi khi xuân về.

Vững vàng tay súng đón xuân

Đại tá Đào Phúc Lâm, Đảo trưởng đảo Thổ Chu, đã có hơn 20 năm gắn bó với đảo, sẽ ở lại đón Tết Mậu Tý cùng với bộ đội và nhân dân. Anh Lâm vui vẻ nói: “Cán bộ, chiến sĩ đảo Thổ Chu rất vui khi được đón các đoàn đến thăm và chúc Tết đơn vị. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với quân và dân trên đảo. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển để nhân dân cả nước đón một cái Tết đầm ấm, yên bình...”.

Cán bộ ở đảo Thổ Chu có khoảng 20% vợ con ra sinh sống lập nghiệp trên đảo. Nhiều chị có nghề nghiệp ổn định ở quê nhưng chấp nhận bỏ nghề theo chồng ra đảo sinh sống. Đặc biệt là chị Trần Thị Miền, quê ở huyện Thủy Nguyên – TP Hải Phòng, vợ của Thiếu úy Nguyễn Văn Cảnh, Trung đội phó (Đại đội 23) Đảo Thổ Chu, vật lộn hơn 2.000 km đường bộ và đường biển ra đảo ăn Tết cùng chồng. Chị Miền cho biết: “Chuyến đi này đến khi nào em có cháu bé mới về quê”.

Còn ở đảo Củ Tron thì có khoảng 50% cán bộ Trạm S00 xây dựng gia đình tại đảo. Được biết, có 4 cặp vợ chồng cán bộ của Trạm nên vợ nên chồng bắt nguồn từ hoạt động kết nghĩa. Chị Trần Thị Tươi, giáo viên Trường Tiểu học xã An Sơn (đảo Củ Tron – quần đảo Nam Du), vợ của Thiếu úy Đinh Văn Phong - Trạm phó Trạm S00 - cho biết: “Em và anh Phong quen biết nhau từ phong trào vận động con em trên đảo “xóa mù” (xóa mù chữ). Trước đây, vào giờ nghỉ, ngày nghỉ anh Phong chở em đến từng gia đình vận động con em đến trường. Quen nhau thấy tâm đầu ý hợp “chồng bộ đội – vợ giáo viên” chúng em xây dựng gia đình và quyết tâm bám trụ ở đảo. Cuộc sống ở đây so với đất liền tuy có vất vả nhưng vợ chồng được gần bên nhau là em thấy hạnh phúc lắm rồi! Tết này em theo chồng lên trạm ăn Tết cùng với các anh bộ đội”.

Năm nay là năm thứ 3 Hạ sĩ Nguyễn Văn Toàn – Trắc thủ ra đa Trạm S15 (đảo Hòn Chuối) ăn Tết ở đảo. Anh vui vẻ nói: “Mặc dù em rất nhớ nhà, nhớ quê mỗi khi xuân về. Nhưng nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trong những ngày Tết, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của bộ đội. Nguyện vọng của em là được phục vụ trong quân đội lâu dài. Em đã xem đảo Hòn Chuối là quê hương thứ hai của mình”. Tết này, trên các đảo Tây Nam, bộ đội đón Tết với phương châm “vui xuân không quên nhiệm vụ”, không những bảo đảm về vật chất và tinh thần để bộ đội có một cái Tết vui vẻ, các đơn vị còn xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu trong những ngày Tết thật cụ thể và chi tiết.

Trong chuyến đi thăm, chúc Tết quân và dân trên các đảo, chị Hồ Cẩm Đào, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, nhận xét: “Đi đến tận nơi mới thấu hiểu cuộc sống của quân và dân trên các đảo Tây Nam còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vượt qua 3 con dốc đến nơi ở của bộ đội, tôi càng thấm thía về nỗi khổ cực của các anh bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo. Điều đáng quý, đáng trân trọng là tình cảm của quân và dân nơi đảo xa thật là ấm áp, chân thành, cởi mở...”.

Ấn tượng khó quên đối với đoàn công tác là mỗi khi rời đảo, bộ đội và nhân dân tiễn chân mãi tới khi không còn nhìn thấy rõ mặt người, họ mới chịu trở về. Giây phút chia tay đầy lưu luyến giữa người ở lại đảo ăn Tết và người trở về đất liền vui xuân là những cái bắt tay chắc nịch quyến luyến không muốn rời nhau. Quân và dân trên các đảo muốn nhắn nhủ với đất liền rằng: “Hãy bình yên đón Tết, nơi đảo xa đã có chúng tôi!”.

Bài, ảnh: PHẠM HỒNG SOI

Chia sẻ bài viết