02/01/2012 - 17:43

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra

Xu thế tất yếu

Ngành sản xuất và chế biến cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hàng năm mang về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, nhưng trong chuỗi giá trị của ngành hàng này lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất ổn. Tìm mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ cá tra theo hướng bền vững và làm thế nào phát huy hiệu quả mô hình này đang là vấn đề đặt ra…

Những khó khăn...

 Thu hoạch cá tra tại Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, tình trạng mất cân đối cung cầu nguyên liệu cá tra diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị của ngành hàng xuất khẩu thuộc thế mạnh vùng ĐBSCL. Những năm qua, diện tích nuôi cá tra gia tăng nhanh chóng rồi sụt giảm liên tục đi kèm với những thời điểm khủng hoảng thừa hoặc thiếu cá tra nguyên liệu tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người nuôi và các doanh nghiệp (DN) chế biến.

Ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong, cho rằng: “Giá cá tra nguyên liệu luôn bấp bênh là nỗi trăn trở của DN lẫn người nuôi. Ở những thời điểm thị trường khan hiếm, DN tranh nhau mua đẩy giá cá lên cao. DN không có lời vì đã ký kết hợp đồng xuất khẩu với giá thấp nhưng phải mua nguyên liệu với giá cao. Còn sau đó, chính người nuôi chịu thiệt vì mức giá cao này tạo ra lợi nhuận ảo khiến diện tích nuôi tăng dẫn đến cung vượt cầu. Cá tra nguyên liệu rớt giá!”.

Theo các chuyên gia, trong chuỗi ngành hàng cá tra, những người nuôi nhỏ lẻ luôn gánh phần thiệt và khó tồn tại lâu dài. Người nuôi cá nhỏ lẻ chỉ hưởng lợi khi nhu cầu nguyên liệu trên thị trường tăng. Còn khi khủng hoảng thừa, họ sẽ gặp khó về đầu ra. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư ao nuôi, chi phí thức ăn hay ký kết hợp đồng bao tiêu cần sản lượng lớn theo yêu cầu DN là những trở ngại lớn đối với người nuôi nhỏ lẻ.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu chế biến, DN chọn hình thức ký kết với người nuôi hợp đồng bao tiêu hoặc hợp đồng nuôi gia công. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (Ô Môn), mặc dù giữa DN và người nuôi đã có sự liên kết để cân đối cung cầu nguyên liệu nhưng mâu thuẫn vẫn phát sinh. Nguyên nhân chủ yếu do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung và chưa sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro khi thị trường có biến động về giá. Trong quá trình hợp tác, tình trạng “bẻ kèo” thường xuyên xảy ra làm giảm sút lòng tin giữa 2 bên, ảnh hưởng đến giá trị của chuỗi ngành hàng. Khi cá được giá, người nuôi sẵn sàng bán cho công ty nào trả giá cao hơn thay vì thực hiện hợp đồng. Hay ngược lại, khi thừa nguyên liệu, giá cá xuống thấp, DN viện cớ cá không đạt chất lượng buộc người nuôi phải tự hạ giá bán. Ngoài ra, trong trường hợp thực hiện được hợp đồng đã ký kết thì việc DN chậm thu mua hoặc chậm thanh toán cũng gây không ít khó khăn cho người nuôi...

Liên kết là xu thế tất yếu

DN cần nguồn nguyên liệu với sản lượng, chất lượng phù hợp và người nuôi cần đầu ra ổn định thì nhất định phải có sự liên kết. Vấn đề này đã được các chuyên gia, DN và người nuôi khẳng định tại hội thảo “Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra bền vững” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia (thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN) phối hợp tổ chức. Tại hội thảo, một số DN cho rằng, trong quá trình phát triển ngành sản xuất và chế biến cá tra, chắc chắn sẽ có sự sàng lọc. Những DN và người nuôi nào không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải. Nhà nước phải xác định ngành hàng cá tra là mặt hàng mang tính chiến lược quốc gia, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu và cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nuôi tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho rằng: “Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, vấn đề liên kết giữa các bên liên quan là xu thế tất yếu. Trong khái niệm liên kết này có 4 hình thức không thể tách rời là liên kết ngang giữa các cá thể trong mỗi khâu, liên kết dọc giữa các tác nhân tham gia chuỗi, liên kết “nhiều nhà” và “liên kết vùng”. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, khi những người nuôi nhỏ lẻ thực hiện liên kết ngang dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, gia tăng sản lượng, thuận lợi khi ký kết hợp đồng với DN. Trong liên kết dọc, người nuôi được cung ứng vật tư đầu vào như thức ăn, con giống với giá cả hợp lý và được DN bao tiêu đầu ra. Thực hiện liên kết này, DN đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, thuận tiện quản lý chất lượng của sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, muốn phát triển bền vững, phải có sự liên kết “nhiều nhà” với sự tham gia của nhà nông, nhà chế biến, xuất khẩu, nhà khoa học, ngân hàng và Nhà nước để giải quyết hàng loạt các vấn đề như: kỹ thuật sản xuất, kiểm soát thị trường, chất lượng thức ăn, con giống, xây dựng chính sách trợ vốn, xúc tiến thương mại... Liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin để quy hoạch phát triển vùng nuôi hợp lý, cân bằng nhu cầu thị trường.

Theo các chuyên gia, trước tình hình giá cá bấp bênh, khủng hoảng cung cầu nguyên liệu, giữa DN và người nuôi có thể liên kết theo hình thức cổ phần. Những người nuôi có đất có thể chuyển sang cổ phần và góp vốn với DN để được phân chia lợi nhuận hợp lý, công bằng. Khi đó, cả DN lẫn người nuôi đều cùng có lợi, cùng chia sẻ trách nhiệm để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra của vùng ĐBSCL và cả nước.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết