05/11/2012 - 22:30

Xử lý nợ xấu phải có giải pháp tổng thể và dài hơi

Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet.vn

Những tháng qua đã phác họa bức tranh khá đầy đủ về thị trường tiền tệ với bước điều hành đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo hướng đảm bảo chính sách mục tiêu. Việc hút và bơm vốn rất nhịp nhàng, phù hợp với nhu cầu của thị trường thể hiện bước đi thận trọng, cảnh giác với lạm phát; kiên trì kiểm soát và phòng ngừa tối đa lạm phát quay trở lại.

Điều hành theo chính sách mục tiêu

Tại cuộc hội thảo "đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ và những khuyến nghị" được tổ chức ngày 5-11 tại Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Đỗ Thị Nhung cho biết: Năm 2012 kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát nên việc điều hành các chính sách tiền tệ không thể chủ quan mà phải tập trung làm tốt hơn nữa các giải pháp.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã năm lần điều chỉnh giảm (khoảng 5%) các mức lãi suất, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng rà soát lại toàn bộ kế hoạch tăng trưởng tín dụng, kêu gọi các Tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tích cực phối hợp với khách hàng vay để có những biện pháp tháo gỡ phù hợp; xem xét miễn giảm lãi vốn vay và cho vay mới. Qua đó, thanh khoản của Ngân hàng thương mại (NHTM) được bảo đảm và cải thiện, hiện nguồn vốn dồi dào, ngoại hối và tỷ giá ổn định.

Tuy nhiên, năm 2012 tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn thấp mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp. Nguyên nhân là do xây dựng mục tiêu và điều hành chính sách tiền tệ phải phụ thuộc vào tình hình sức khỏe nền kinh tế. Bên cạnh đó, lực cầu trong nước và nước ngoài còn yếu khiến sức hấp thụ vốn giảm. Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng vượt khó và đứng vững, sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí phá sản, ảnh hưởng đến cầu tín dụng.

Mặc dù nhu cầu vay vốn trung dài hạn của doanh nghiệp rất lớn nhưng huy động trung dài hạn của ngân hàng cũng gặp khó khăn. Bởi vậy, các NHTM thận trọng trong cho vay và đánh giá, thẩm định doanh nghiệp. Theo bà Nhung, hiện bất cập lớn nhất là có biện pháp tháo gỡ cho NHTM khi cho vay nhóm đối tượng theo yêu cầu, cho vay không có tài sản bảo đảm. Điển hình như nhóm khách hàng nông nghiệp, chịu tác động lớn từ các yêu tố khách quan. Vì vậy, khoản vay của nhóm này dễ đem lại rủi ro cao cho các NHTM vì vẫn chưa có cơ chế xử lý, nhất là khi gặp rủi ro trong diện rộng. Do vậy, hiện NHNN vẫn kiên trì thực hiện các giải pháp điều hành linh hoạt, hỗ trợ cho các TCTD; giám sát chặt chẽ, theo dõi tăng trưởng tín dụng để điều chỉnh kịp thời, hợp lý; giám sát chặt chẽ chấp hành quy định về lãi suất; giải quyết nợ xấu để khơi thông nguồn vốn.

Dư địa giảm lãi suất không còn

Mặc dù, những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm nhưng nay đã tăng trở lại (3,3%) với cơ cấu tín dụng được chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trước sức ép giảm lãi suất và mở rộng tín dụng rất lớn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng không còn dư địa để giảm lãi suất. Bởi ngoài những yếu tố bất thường như về giá, tín dụng... thì vấn đề lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia: Lạm phát lõi thấp nhất khoảng 0,8% mỗi tháng và leo dần lên 0,85% chứng tỏ khả năng lạm phát lõi có nguy cơ tăng trở lại và ở mức khá cao. Lạm phát lõi hoàn toàn do cung ứng tiền, vì vậy không thể mở rộng tiền tệ nhanh vào lúc này. Độ trì trệ của nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Đơn cử như ở lĩnh vực công nghiệp, mặc dù giá trị của nhóm dịch vụ không thay đổi nhiều nhưng một số mặt hàng sản xuất chủ chốt như khai khoáng, chế biến lại giảm sút mạnh.

Hiện lãi suất cho vay đang rục rịch vượt trần buộc NHNN phải quyết định việc tiếp tục duy trì trần lãi suất. Nếu cứ giữ quy định này sẽ đẩy các ngân hàng vượt trần vào vòng rủi ro pháp lý, khiến tính minh bạch giảm sút. Do đó, NHNN phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, buộc các ngân hàng tuân thủ. Trong năm, NHNN đã bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài thì nên tính toán để đầu năm tới từng bước bỏ trần lãi suất ngắn hạn - ông Nghĩa nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi cho rằng, thời gian tới, cần nắn dòng vốn và xử lý bất ổn trong nội tại một số ngân hàng để hướng dòng vốn vào nơi thực sự có hiệu quả, phục vụ sản xuất kinh doanh và nên chú ý đến khu vực kinh tế tư nhân vì có sức bật nhanh. Hiện nay, cùng với các vấn đề về chính sách tín dụng, mặt bằng lãi suất..., các ngân hàng còn đang phải đối mặt với thách thức rất lớn từ các khoản nợ xấu.

Giải bài toán nợ xấu

Nhìn lại thời điểm quý IV/2011, các chuyên gia cho rằng hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ rất cao. Tuy nhiên, cùng với việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, NHNN đã kịp thời tái cấp vốn nhanh, kết hợp chặt chẽ với việc mua lại, sáp nhập các ngân hàng. Như vậy, một mũi tên đã trúng hiệu quả cả mục đích là tái cấp vốn tạo thanh khoản và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Nợ xấu được đánh giá là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. NHNN bơm tiền mua lại nợ để kích hoạt đẩy tín dụng ra. Nhiều ngân hàng đã mua lại trái phiếu nợ, nhiều nhất là nợ xấu bất động sản đã được chứng khoán hóa. Nếu không xử lý nợ xấu thì không gỡ được tín dụng, không thể giảm lãi suất và không thể cứu được doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng tới 82% khu vực kinh tế doanh nghiệp, trên 30% khu vực đầu tư công và 28% vốn FDI… Vì vậy, muốn xử lý nợ xấu, Chính phủ phải vào cuộc bởi nếu để nhiều doanh nghiệp phá sản thì phục hồi không đơn giản. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, khi bắt tay vào xử lý mới thấy nợ xấu là rất lớn, gấp khoảng 20 lần con số thống kê. Vì vậy, tại Việt Nam rất cần sự minh bạch và áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, tiêu chí an toàn trong dài hạn và có cảnh báo sớm.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng cho rằng: Nợ xấu lớn nhất tại Việt Nam tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản và công ty sân sau của ngân hàng (các công ty con). Trên thế giới có hai mô hình xử lý nợ xấu, trong đó Hoa Kỳ là điển hình với mô hình xử lý nợ tập trung thông qua việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, mua nợ và chứng khoán hóa các khoản nợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia chọn cách xử lý không tập trung tức là để các ngân hàng tự xử.

Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại Việt Nam được ông Hiếu chỉ ra là do tăng trưởng ảo vì cạnh tranh giữa các ngân hàng và áp lực từ phía cổ đông. Vậy trách nhiệm nợ xấu trước tiên là thuộc về ngân hàng nhưng cùng đó phải kể đến cả chính sách vĩ mô thả lỏng đồng tiền và nới lỏng cung tiền. Nhìn chung, nợ xấu của quốc gia có đóng góp của cả người vay và người gửi. Hiện con số trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng đang là 70 nghìn tỉ đồng.

Theo tính toán của ông Hiếu, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện vào khoảng 2,5 triệu tỉ đồng. Nếu chỉ tính mức nợ xấu chiếm khoảng 10% thì con số này đã là 250 nghìn tỉ đồng nhưng trên thực tế có khi còn lớn hơn rất nhiều. Mỗi tháng nợ xấu tăng khoảng 8% nhưng vẫn chưa lên đến cực điểm và dự báo sẽ tiếp tục cao hơn nữa bởi nền kinh tế chưa được cải thiện. Nếu khả năng nợ xấu lên đến 15% thì con số này vào mức 375 nghìn tỉ đồng. Theo kinh nghiệm quốc tế, khoảng 50% số nợ xấu là mất. Vậy tại Việt Nam, con số trích lập dự phòng từ các ngân hàng là 70 nghìn tỉ đồng vẫn là quá ít, phải tăng lên ít nhất 2,5 lần nữa - ông Hiếu nhận xét.

Hiện 84% số nợ xấu có tài sản bảo đảm với giá trị bằng 135%. Mặc dù các ngân hàng đã thẩm định giá trị này nhưng trong khi bất động sản tụt dốc, giảm giá tới 30% thì giá trị tài sản này không còn thực tế. Bởi vậy, nếu cộng dồn tất cả lại, đem đi xử lý thì số tiền mang về cũng không đủ giải quyết 50% số nợ xấu. Như vậy, bản thân các ngân hàng không thể tự giải cứu mình trong hoàn cảnh này. Theo ông Hiếu, bản chất nợ xấu tại Việt Nam không giải quyết được nếu không thành lập công ty xử lý nợ quốc gia. Đơn vị đó phải do NHNN chủ trì vì nắm rõ nhất mọi ngóc ngách cũng như sức khỏe toàn hệ thống. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của công ty mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính cùng kiểm toán và các bộ ngành liên quan.

Với con số đề xuất dành 100 nghìn tỉ đồng cho công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu, theo ông Hiếu, không nhất thiết phải bỏ tất cả số tiền này ra để giải quyết vấn đề nhưng có thể dùng khoảng 20%, các ngân hàng đóng góp 20- 30%, kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ giúp đỡ 20-30% hoặc có thể dành một phần ngân sách hoặc phát hành trái phiếu... Nhìn chung, xử lý nợ xấu phải có giải pháp tổng thể và dài hơi.

THU HẰNG (TTXVN)

Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết