31/10/2021 - 09:21

Xoay trục phát triển nông nghiệp ÐBSCL hậu COVID-19 

Giai đoạn 2004-2020, nông nghiệp ÐBSCL đóng góp bình quân 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng để phát triển bền vững, cần định vị lại các giá trị của nông nghiệp ÐBSCL, trong đó thay đổi tư duy phát triển là mấu chốt quan trọng. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều hệ giá trị.

Nông dân Tiền Giang thu hoạch cá tra.

Kết nối không gian phát triển

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2004-2020, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp ÐBSCL là 4,6%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (3,76%). ÐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, thủy sản và trái cây. Trong 9 tháng năm 2021, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,53% GDP quốc gia, trong đó có sự đóng góp của vùng ÐBSCL. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao nông nghiệp ÐBSCL vẫn phát triển bấp bênh, vẫn còn tình trạng “được mùa, rớt giá” dù luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế nhiều năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, sự bấp bênh là do thiếu kết nối trong các chuỗi ngành hàng nông sản, nặng tư duy kinh tế địa phương.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết vừa có chuyến đi ÐBSCL và làm việc với các doanh nghiệp (DN) 2 chuỗi ngành hàng tôm và cá tra. “Nhiều ý kiến cho rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chế biến vừa qua là do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng theo tôi, đó không phải là tác nhân chính. Bởi không có đại dịch thì chuyện “được mùa, rớt giá” đã diễn ra nhiều năm qua tại ÐBSCL. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu chúng ta thống kê diện tích trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, trồng lúa trên từng tỉnh bao nhiêu thì đó không phải là giá trị kinh tế. Khi nào cá còn dưới ao, lúa còn trên đồng, trái còn trên cây thì nó là sản lượng chứ không phải kinh tế. Tư duy hiện nay của chúng ta là tư duy sản lượng, chúng ta cố gắng tạo ra nhiều hơn sản lượng nhưng giá trị gia tăng không cao hơn. Chuỗi giá trị cuối cùng của nông sản không phụ thuộc vào sản lượng làm ra, mà sản lượng làm ra đó đến được thị trường bao nhiêu. Muốn đến được thị trường thì phải thông qua hệ thống thương lái, DN thu mua, chế biến…”- ông Lê Minh Hoan nói.

Theo ông Lê Minh Hoan, như ngành cá tra ở ÐBSCL, chuỗi ngành hàng của nó như một ma trận chạy chi chít từ đồng ruộng, ao nuôi đến nhà máy. Từ nhà máy đến các thị trường trong và ngoài nước. Nếu nhìn chuỗi ngành hàng trên phạm vi địa phương sẽ rất khó phát triển, nên cần ghép 13 mảnh ghép (13 địa phương) với nhau để “kiến tạo không gian phát triển”. Nông nghiệp ÐBSCL cần có cái nhìn mới hơn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhắc đến khái niệm “VUCA” (Biến động -  Không chắc chắn - Phức tạp - Mơ hồ) trong môi trường thế giới đầy biến động, nhất là trong đại dịch COVID-19 thể hiện rõ nét hơn. Việc vừa sản xuất, vừa chống đỡ với đại dịch đã làm tổn hao nhiều nguồn lực, yếu đi nhiều chuỗi giá trị kinh tế. Vì vậy phải tư duy lại để tham gia chuỗi nông nghiệp toàn cầu.

Nhiều ý kiến của chuyên gia cũng cho rằng, câu chuyện liên kết ÐBSCL đã đặt ra nhiều năm và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Nhưng câu chuyện tăng trưởng riêng lẻ của từng địa phương vùng ÐBSCL vẫn chưa thể giải quyết căn cơ. “Thay đổi tư duy để kiến tạo không gian phát triển. Xây dựng không gian phát triển phải dựa trên tam giác gắn kết giữa Nhà nước, thị trường và xã hội để tạo động lực mạnh cho nông nghiệp phát triển hậu COVID-19” - ông Lê Minh Hoan nói.

Tạo động lực cho “trụ đỡ”

Theo TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ÐBSCL, trong khó khăn trăm bề của đại dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát trên diện rộng, một lần nữa, vai trò của tam nông lại nổi lên trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Kỳ vọng đặt ra hậu COVID-19 là sẽ có những bước chuyển mới, tư duy mới hơn trong phát triển nông nghiệp và tam nông vẫn đang rất cần thêm lực đẩy chính sách. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP…, mở ra nhiều cánh cửa mới cho nông sản Việt, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Hệ quả tích cực hay tiêu cực của nó phụ thuộc vào việc tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, môi trường thay đổi và các vấn đề của đại dịch… đang đặt nền nông nghiệp Việt Nam trước bước chuyển lịch sử không dễ dàng.

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, thực tế vẫn đang tiềm ẩn và biểu hiện ngày càng hiện rõ hơn các “xung đột lợi ích địa phương” nếu các tỉnh, thành trong vùng tiếp tục lựa chọn con đường phát triển theo “ranh giới hành chính” của mình. Các ngành công nghiệp, năng lượng, thương mại, dịch vụ đang có xu hướng phát triển vượt lên, xung đột lợi ích với các ngành Nông nghiệp, thủy sản về sử dụng đất đai, đe dọa ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái… nếu thiếu điều hòa, phối hợp sẽ trở thành các điểm nghẽn phát triển. Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho tam nông. Tư duy làm chính sách cần được đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận hệ thống để gắn kết nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ, khu vực nông thôn với đô thị vững chắc hơn.

Ở góc nhìn của nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, “4 nhà” phải cùng kiến tạo không gian phát triển cho từng ngành hàng, tạo ra những mô hình và mô hình này sẽ tạo ra chính sách phát triển. “Tới đây, Bộ sẽ đẩy mạnh kêu gọi hợp tác công - tư trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình nông nghiệp. Không thể để nhà này chờ nhà kia mà sẽ chủ động liên kết, tương tác với nhau” - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề xuất đổi mới tư duy phát triển có thể bắt đầu từ xây dựng các mô hình liên kết thí điểm. Có mô hình thành công và có thể nhân rộng thì sẽ đề xuất lên trên ban hành chính sách phát triển. Và tất cả mô hình đều được xây dựng dựa trên thị trường. Nhà quản lý và DN cần ngồi sát với nhau để bàn cách phát triển thị trường. Và không làm riêng với nhau mà phải làm cho một chuỗi ngành hàng, để khuyến nghị chính sách. Cạnh đó, các DN cần hợp tác cùng nhau để chia sẻ gánh nặng bài toán vốn phát triển, góp vốn cùng nhau mua thiết bị, máy móc, công nghệ… DN xây dựng cho mình một hệ sinh thái của từng ngành hàng, trong đó có DN, có nông dân, có nhà quản lý, nhà khoa học. “Hợp tác công - tư trong từng ý tưởng phát triển nông nghiệp, chứ không chỉ là hợp tác làm đường sá, hạ tầng…” - ông Lê Minh Hoan nói.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết