10/07/2024 - 21:23

Xây nền tảng, rèn tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên 

Trong 2 ngày 9 và 10-7, Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức “Khóa đào tạo về tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST)”. Với sự tham gia của 50 học viên là sinh viên của trường Cao đẳng Cần Thơ, khóa đào tạo đã truyền cảm hứng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp ÐMST; tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các học viên nhận giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Bà Lê Nguyễn Trung Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30-6-2021 của UBND TP Cần Thơ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 3 khóa tập huấn, đào tạo về khởi nghiệp ĐMST cho các đối tượng là cố vấn, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, các startup. Và khóa đào tạo lần này tập trung chủ yếu vào các bạn sinh viên. Mục tiêu khóa đào tạo nhằm trang bị cho học viên kiến thức, tư duy nền tảng, chuẩn mực về khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST; hình thành tư duy doanh nhân, thích nghi trong mọi hoàn cảnh; trang bị kỹ năng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tinh gọn, linh hoạt, thích ứng điều kiện thị trường. Đây cũng là cơ hội để học viên định hướng, xây dựng lộ trình khởi nghiệp đúng đắn cho bản thân.

Trong 2 ngày, các học viên được cung cấp kiến thức xoay quanh: tư duy khởi nghiệp và ĐMST; giới thiệu khái niệm và thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, vai trò và tâm thế của người khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; lộ trình phát triển doanh nghiệp mang tính ĐMST: các giai đoạn từ ý tưởng đến hiện thực hóa; tư duy sáng tạo và các nguyên lý tư duy hiệu quả của doanh nhân; năng lực cơ bản trong khởi nghiệp ĐMST như xây dựng kế hoạch kinh doanh, phân tích thị trường, quản lý tài chính và phát triển sản phẩm…

Với vai trò người truyền cảm hứng, đồng thời là giảng viên chính của khóa đào tạo, ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST, Phó Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ: Một trong những nội dung quan trọng mà tôi muốn truyền tải là các bạn sinh viên phải nhận thức rõ được sự khác biệt của một doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đó là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được xây dựng dựa trên một yếu tố ĐMST nhất định (công nghệ, quy trình, mô hình kinh doanh) và lợi thế cạnh tranh tiềm năng. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thường có khả năng thua lỗ trong giai đoạn đầu và cần phải được cấp vốn, đến giai đoạn sau mới có khả năng tăng trưởng theo hàm mũ. Đồng thời, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần hướng đến thị trường toàn cầu, tạo việc làm trên quy mô toàn cầu... Bên cạnh đó, tôi còn mang đến các bạn sinh viên thông tin về 10 loại ĐMST gồm: mô hình lợi nhuận, mạng lưới kết nối, cấu trúc, quá trình, sản phẩm chính, hệ thống sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, thương hiệu và thu hút khách hàng”.

Em Nguyễn Hoài Tín, sinh viên năm thứ 2, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù mới bước vào năm thứ 2, nhưng em đã có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực thủy sản và mong muốn học hỏi, xây đựng nền tảng kiến thức về khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST ngay từ bây giờ. Qua các buổi học, em nhận thấy, khóa đào tạo là sân chơi cho sinh viên có đam mê, tinh thần khởi nghiệp và là cơ hội cho sinh viên được học hỏi, đào tạo, tư vấn, chia sẻ, giao lưu, kết nối các chương trình khởi nghiệp từ các chuyên gia, các tổ chức khởi nghiệp… Em đặc biệt thích nội dung kiến thức tư duy khởi nghiệp và ĐMST, vài trò và tâm thế của người khởi nghiệp và rèn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp”.

Hằng năm, TP Cần Thơ có khoảng 100-150 dự án có yếu tố sáng tạo và có 23 tổ chức hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST. Thành phố xác định hỗ trợ, tiếp sức cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST nói chung và khởi nghiệp ĐMST trong học sinh, sinh viên nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. “Sắp tới, trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp cho đối tượng là các startup, thực hành trải nghiệm gọi vốn để startup có điều kiện tương tác, cọ xát thực tế. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đang phát động cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST TP Cần Thơ (CANTHO STARTUP TALENT). Năm trước, thông qua các buổi đào tạo, huấn luyện, các bạn sinh viên cũng có dự án tham gia cuộc thi và đạt giải. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng lại có thêm các dự án “nảy mầm” từ các buổi đào tạo, huấn luyện với những ý tưởng mới mẻ, độc đáo từ đội ngũ startup trẻ, nhiệt huyết từ các trường đại học, cao đẳng” - bà Lê Nguyễn Trung Khanh chia sẻ.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết