Bài 3: Cán bộ dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn
Nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ
Mặc dù việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được một số kết quả khả quan, song, nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS, nhất là cấp cơ sở ở vùng Tây Nam bộ, đội ngũ cán bộ DTTS vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn.
“Khan hiếm” cán bộ chủ chốt
Xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, có trên 54% dân số là đồng bào dân tộc Khmer nhưng nhiều năm nay, xã luôn “khan hiếm” cán bộ người dân tộc Khmer cơ cấu vào cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt. Ông Trần Ngọc Diệp, Bí thư Ðảng ủy xã Thạnh Quới, cho biết: Khó khăn nhất của xã là không có cán bộ người Khmer có đủ trình độ học vấn, chuyên môn. Ða số cán bộ quy hoạch có nguồn từ ấp, nhưng xét về trình độ thì không đạt chuẩn, tối thiểu là trình độ 9/12. Xã đã tập trung quy hoạch, đưa đi đào tạo để cơ cấu vào cấp ủy nhưng sau khi được đào tạo, nhiều cán bộ còn hạn chế về năng lực trong quá trình công tác”.
Cán bộ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, kiểm tra tuyến đường giao thông nông thôn (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: Lý Then
Vấn đề này, ông Mai Thanh Cầu, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Người có trình độ đại học ít khi về xã công tác do thu nhập thấp và kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Vì vậy, thời gian qua, nguồn quy hoạch của xã là từ các ấp nhưng khi được quy hoạch, đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị thì nhiều trường hợp do hoàn cảnh kinh tế gia đình, xin nghỉ việc để đi làm ăn xa. Tôi tha thiết đề nghị Ðảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ người Khmer sau khi tốt nghiệp đại học về công tác ở xã. Có như thế thì mới hy vọng có cán bộ người Khmer đạt chuẩn chuyên môn, có năng lực, công tác tại địa phương”.
Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có trên 62% dân số là đồng bào dân tộc Khmer nhưng đa số cán bộ xã là người dân tộc Kinh, nên việc trao đổi, giao tiếp tiếng Khmer còn hạn chế. Vì vậy, xã cũng gặp khó khăn trong công tác triển khai, tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính cho đồng bào dân tộc Khmer. “Lãnh đạo xã trực tiếp trao đổi với Sư cả, ban quản trị chùa và người có uy tín các ấp để hỗ trợ xã triển khai, tuyên truyền, vận động nhân các dịp lễ, Tết, các buổi thuyết pháp, cầu an. Ngoài ra, xã còn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ tuyên truyền tập trung định kỳ theo kế hoạch,… Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần phải quy hoạch, đào tạo cán bộ người DTTS đủ trình độ về chuyên môn và đủ năng lực về nghiệp vụ” - ông Bùi Trường An, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần, chia sẻ.
Thiếu lực lượng kế thừa
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ cơ sở là do thiếu lực lượng kế thừa. Ðiển hình như Trà Côn - một trong hai xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn, xã có 789 hộ Khmer, chiếm trên 15% dân số toàn xã. Nhờ thực hiện nhiều chương trình dự án dành cho đồng bào DTTS của Nhà nước, nên đời sống người dân thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của huyện, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực DTTS để làm công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán, thói quen cũ để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Ông Thạch Việt, Bí thư, Trưởng ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn, cho biết: “Hiện nay, trong ấp chỉ có người lớn tuổi tham gia phụ trách đoàn thể của địa phương. Thanh niên trẻ người dân tộc hầu như không tham gia các hoạt động tại cơ sở. Nguyên nhân là sau khi tốt nghiệp THPT, các cháu đã vào học đại học hoặc đi làm công nhân ở xa. Nếu tiếp tục học cao hơn, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hầu như thanh niên trong ấp không về địa phương công tác. Chúng tôi luôn gặp khó trong việc chuẩn bị nhân lực kế thừa hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác”.
TP Cần Thơ có 25 DTTS sinh sống với trên 8.818 hộ, với 31.303 người, chiếm tỷ lệ khoảng 2,52% tổng dân số của thành phố. Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn thiếu, chưa đạt so với chỉ tiêu và chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các địa phương trong thành phố; chưa tương xứng với cơ cấu dân tộc do đồng bào DTTS số sống đan xen, số lượng đông DTTS so với dân số chung còn thấp. “Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở một số nơi về chính sách cán bộ dân tộc chưa thật sự quan tâm đúng mức, còn mang tính chủ quan, chưa thấy rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ dân tộc. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm còn thiếu về nguồn và đội ngũ kế thừa. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại cơ quan, đơn vị còn mang tính chủ quan, chưa định hướng chuyên ngành đào tạo và cơ sở đào tạo, dẫn đến một số cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu theo quy định. Ngoài ra, đa số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm công tác chuyên môn ở các cơ quan, nhà nước còn hạn chế, đặc biệt chỉ có cán bộ người DTTS ở cấp xã. Số lượng đã ít, nhưng trình độ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn hạn chế, có 90 trường hợp có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở xuống, chiếm 15,2% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS” - ông Trần Việt Trường phân tích.
Theo ông Thạch Dương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có trên 600 cán bộ là người DTTS. Tuy nhiên, cán bộ giữ các vị trí chủ chốt không nhiều. Vì vậy, việc xây dựng cán bộ nòng cốt các cấp là người DTTS hoặc tâm huyết với công tác dân tộc là thực sự cần thiết. Cùng quan điểm này, ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thông tin, dù tỉnh Kiên Giang có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng số lượng cán bộ người DTTS nòng cốt cấp huyện, tỉnh hiện nay rất ít. Nguyên nhân là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng để bổ nhiệm các vị trí quan trọng.
Chị Lý Thị Tú Trinh - cán bộ trẻ người dân tộc Khmer, được chăm bồi, hiện giữ vị trí
Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: Ly Giang
Ngoài những nguyên nhân trên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác cán bộ người DTTS cũng còn một số hạn chế, khó khăn khác. Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: “Nhiều nơi chưa định lượng trong chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ người DTTS gắn với tiêu chí cụ thể; chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ…”. Mặt khác, chính sách đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ người DTTS không theo kịp thực tế dẫn đến tình trạng nhiều người DTTS đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học chưa có việc làm trong cơ quan nhà nước. Cơ chế ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS chưa có tiêu chí rõ ràng, chưa lượng hóa thành chỉ tiêu cụ thể. Ðào tạo chưa gắn với tuyển dụng, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ tại chỗ. Vẫn còn cơ chế cạnh tranh chung trong thi tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, thi nâng ngạch bậc, cả trong ứng cử, bầu cử vào cấp ủy và cơ quan dân cử… chưa tách ra thành cơ chế cạnh tranh chỉ tiêu riêng cho ứng viên là người DTTS trong từng chỉ tiêu cụ thể.
Tất cả những vấn đề trên cần có giải pháp để phát triển và nâng tầm đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp với tình hình mới.
(Còn tiếp)
Bài cuối: Lượng hóa chính sách phù hợp