17/02/2008 - 22:15

Xây dựng phần mềm theo dõi tình hình vay nợ của học sinh, sinh viên

*Thêm 1.000 tỉ đồng cho vay trong học kỳ II năm học 2007 - 2008

*Nhiều phương thức đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học

(TTXVN – Website Chính phủ)- Tin từ Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết: Qua kiểm tra tại 64 tỉnh, thành phố với 2.901xã và 44 nghìn hộ vay vốn cho con em đi học đại học, cao đẳng, học nghề , phát hiện 1% hộ vay không thuộc diện khó khăn. Các hộ này được vay vốn do Ủy ban nhân dân xã, phường xác nhận sai đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, 0,02% hộ vay sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích (vay nhưng chi cho sinh hoạt không đóng học phí) do thiếu sự phối kết hợp giữa Ngân hàng và nhà trường.

Để khắc phục tình trạng trên, ngay trong tháng 2-2008, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ kiên quyết thu hồi nợ số hộ vay sai đối tượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng phần mềm theo dõi tình hình vay nợ của học sinh, sinh viên để Ngân hàng thông báo cho nhà trường, cơ sở đào tạo về kết quả cho vay từng em và ngược lại nhà trường thông báo cho Ngân hàng những trường hợp đã vay vốn nhưng chưa đóng học phí. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn chỉ đạo Ủy ban nhân dân địa phương xác nhận hộ gia đình vay vốn để chi phí học tập phải đúng đối tượng. Các trường yêu cầu học sinh, sinh viên làm cam kết việc trả nợ trước khi tốt nghiệp và khi có việc làm cần thông báo cho Ngân hàng và cơ quan, đơn vị tuyển dụng vào làm việc.

Được biết, doanh số cho vay sau 3 tháng thực hiện chủ trương mới này (1/10-31/12/2007) đạt 2.505 tỉ đồng; với 596 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn trong kỳ. Tổng dư nợ cho học sinh, sinh viên vay đạt 2.803 tỉ đồng, với 630 nghìn học sinh, sinh viên đang vay vốn, trong đó cho sinh viên đại học, cao đẳng vay chiếm 68%, trung cấp 24%, học nghề trên 1 năm 6% và học nghề dưới 1 năm là 2%.

Ngay đầu tháng 2-2008, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước chuyển 1.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để có nguồn vốn cho vay trong học kỳ II năm học 2007 – 2008, bảo đảm không có học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền học phí.

Trong quý I năm 2008, các địa phương tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình này.

*Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học. Theo đó, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển đại học.

Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp, còn người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo.

Những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp phải tham dự thi tuyển 3 môn gồm 2 môn cơ bản và 1 môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề).

Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ 1 năm rưỡi đến 2 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo. Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ 2 năm rưỡi đến 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ 1 năm rưỡi đến 2 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.

Người học có thể chọn hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường hoặc vừa làm vừa học.

Chương trình đào tạo liên thông được thiết kế theo nguyên tắc mềm dẻo, phát triển theo hướng kế thừa và tích hợp, để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích lũy ở các trình độ khác.

HOÀNG HOA - ĐỨC TUÂN

Chia sẻ bài viết