28/02/2015 - 19:41

Xây dựng niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, tháng đầu năm 2015, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang hoạt động trên địa bàn tăng so với tháng 12-2014. Đây là tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp (DN) về tiếp cận vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh trong năm mới, khi nền kinh tế vừa thoát khỏi tình trạng trì trệ, bắt đầu phục hồi. Song, nhiều DN vẫn cho rằng, DN rất cần vay vốn trung và dài hạn, nhưng lãi suất kỳ hạn này còn cao so với mức lợi nhuận mà DN có khả năng đạt được trong năm 2015.

Tín hiệu khả quan

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 52 TCTD với 230 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, đến cuối tháng 1-2015, vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đạt 42.700 tỉ đồng, tăng 0,72% so với tháng 12-2014; trong đó vốn huy động trên 12 tháng chiếm 31,38%. Nguồn vốn huy động đáp ứng được 85,06% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 1-2015 ước đạt 50.200 tỉ đồng, tăng 0,59% so với tháng 12-2014; trong đó dư nợ VND chiếm 85,46% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 68,53%, trung dài hạn chiếm 31,47%. Khối tín dụng ngoài Nhà nước chiếm 52,39% thị phần, còn lại là thị phần của khối tín dụng Nhà nước. Tính đến ngày 31-12-2014, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam với lãi suất từ 13%/năm trở xuống chiếm 93,12% tổng dư nợ, trong đó lãi suất cho vay từ 9%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 51,66% dư nợ bằng VND. Riêng khối ngân hàng thương mại Nhà nước dư nợ lãi suất từ 13%/năm trở xuống chiếm 99,71% trong tổng dư nợ.

Các TCTD trên địa bàn thành phố đều chú trọng cho vay theo chương trình tín dụng. Tính đến cuối tháng 1-2015, phần lớn các chương trình tín dụng ưu tiên đều có dư nợ tăng so với đầu tháng 1-2015. Theo đó, có 46 TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt 19.900 tỉ đồng, chiếm 39,64% tổng dư nợ, tăng 0,75% so đầu tháng. Cho vay xuất khẩu có 25 TCTD cho vay với dư nợ đạt 11.300 tỉ đồng, chiếm 22,51% tổng dư nợ, tăng 0,94% so với đầu tháng. Cho vay công nghiệp hỗ trợ có 7 TCTD, dư nợ đạt 580 tỉ đồng, tăng 0,52% so đầu tháng. Cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa có 43 TCTD với dư nợ đạt 13.200 tỉ đồng, chiếm 26,29% tổng dư nợ, tăng 1,56% so đầu tháng; cho vay bất động sản dư nợ đạt 5.200 tỉ đồng, tăng 2,36% so đầu tháng… Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm 2015 trên địa bàn thành phố có sự khởi sắc, chứng tỏ sự nỗ lực chia sẻ khó khăn với DN của ngành ngân hàng và tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn thành phố đang phục hồi. Đây là tiền đề quan trọng để khơi dòng vốn tín dụng trong năm mới.

Nhiều DN đang cần sự chia sẻ của ngân hàng (Ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại SOUTH VINA, khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ).

Theo bà Phan Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung vốn các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, chi nhánh còn tiếp tục theo dõi, giám sát việc cơ cấu lại nợ, việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu và tình hình hoạt động của các TCTD trên địa bàn; báo cáo thanh khoản, khả năng chi trả hằng ngày của 2 chi nhánh ngân hàng thương mại thuộc diện theo dõi đặc biệt theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các TCTD ổn định so với tháng trước. Vốn huy động và dư nợ cho vay trong tháng đầu năm 2015 tăng nhẹ so với tháng 12-2014. Nợ xấu trên tổng dư nợ chiếm tỷ lệ dưới 3%, vẫn trong tầm kiểm soát.

Củng cố niềm tin

Hiện nay, lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%-5,5%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 6%-7,2%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng 7%-7,8%/năm. Lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế tối đa là 7%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 9%-10%/năm, trung và dài hạn 11%-12%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến đối với ngắn hạn 3,5%-5,5%/năm, trung và dài hạn 6%-7,5%/năm. Theo nhận định của một số DN trên địa bàn TP Cần Thơ, thị trường tín dụng hiện nay, các nhà băng đều tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho DN, nhưng phần lớn là gói ngắn hạn, trung và dài hạn lãi suất vẫn còn cao so với mức lợi nhuận mà DN có khả năng đạt được trong năm 2015. Do đó, nhiều DN đề nghị ngành ngân hàng xem xét hạ thêm lãi suất cho vay trung và dài hạn để DN có nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong năm mới.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho rằng: "Trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, DN có sự lựa chọn và ngân hàng cũng có sự lựa chọn. DN chọn lãi suất thấp, ưu đãi, còn ngân hàng sẽ chọn DN theo các điều kiện và tiêu chí của mình. Vì vậy, lãi suất chỉ mới là một vế, còn một vế khác là điều kiện và tiêu chí. Khi nào cả 2 vế đều phù hợp thì hợp đồng mới được tiến hành". Theo bà Mỹ Thuận, trong một khảo sát mini của CBA tiến hành hồi giữa tháng 1-2015, có 55% DN hội viên CBA dự kiến mở rộng kinh doanh trong năm 2015. Để mở rộng kinh doanh, tất nhiên DN cần vốn trung và dài hạn. Vì vậy, CBA rất mong các ngân hàng cần quan tâm đến tình hình này của DN để đáp ứng vốn cho phù hợp. "Nếu chúng ta chỉ bán những gì dễ bán và ít rủi ro thì chưa phải là kinh doanh. Ngân hàng thường cho mình cũng là DN và kinh doanh tiền tệ, vì vậy cần đáp ứng nhu cầu của thị trường giống như DN kinh doanh các ngành khác"- bà Thuận nói.

Năm 2015, được đánh giá sẽ có rất nhiều chuyển động khi thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tiến tới lộ trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015… Sức ép cạnh tranh đang áp sát DN, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cạnh tranh toàn cầu đang nóng và không phải DN Việt nào cũng đủ sức vượt qua. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực CBA, thì DN trên địa bàn thành phố cũng có quan tâm về FTA, hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng chưa nhiều. "Không chỉ DN, tôi thấy cán bộ các cơ quan Nhà nước cũng chưa quan tâm nhiều. DN còn rất bận rộn với những lo toan vượt khó, ổn định kinh doanh, đồng thời những thông tin tuyên truyền về các vấn đề này cũng chưa nhiều để có những cảnh báo  hướng DN về sự chuẩn bị"- bà Thuận băn khoăn. Từ đó, bà Thuận cho biết trong khả năng hạn chế của mình, CBA sẽ tiếp tục thông tin và hỗ trợ DN và hội viên củng cố hoạt động quản trị, tổ chức công ty sao cho vững vàng để có thể đối phó với bên ngoài trong tình hình mới.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết