13/02/2019 - 10:46

VĨNH THẠNH

Xây dựng hệ thống giao thông, tạo đột phá để phát triển 

Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, 15 năm qua huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn.

Khánh thành cầu Thắng Lợi 2 (T5) ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh.

Giao thông là khâu đột phá

Những ngày qua bà con ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh vô cùng vui mừng phấn khởi vì chỉ trong thời gian ngắn 2 chiếc cầu bắc ngang qua kinh Thắng Lợi và ngã ba kinh 6 (tiếp giáp kinh Thắng Lợi) được xây dựng hoàn thành. Trước đây 2 chiếc cầu cũ bằng cây ván tạm bợ lại nhỏ hẹp, qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, hư hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của bà con và các em học sinh. Thấy được những khó khăn trên, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Trinh chủ trương xây dựng lại 2 chiếc cầu này bằng hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Hai chiếc cầu lần lượt có chiều dài 25m và 30m với tổng kinh phí 720 triệu đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 265 triệu đồng, còn lại do mạnh thường quân và bà con địa phương đóng góp. Cùng thời gian này, chiếc cầu thứ 3 trên tuyến kinh này được khởi công xây dựng với kinh phí khoảng 300 triệu đồng được trích từ nguồn tiền thưởng xã nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Trong, người dân ấp Vĩnh Lợi, phấn khởi nói: "Trước đây đường giao thông ở ấp chỉ là đường đất đi lại rất khó khăn, sau được trải cát núi đi lại tạm, mấy năm qua được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng đường bằng bê tông rộng rãi, nay lại được bắc cầu kiên cố nên xe cộ lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, bà con ai cũng vui mừng". Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: "Vĩnh Lợi là ấp vùng sâu của xã và là ấp cuối cùng hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. 15 năm qua, bằng nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa, tính đến nay các tuyến đường nông thôn của xã đều được bê tông hóa, nhựa hóa đạt tỷ lệ 100%".

Không chỉ ở xã Vĩnh Trinh mà các địa phương còn lại của Vĩnh Thạnh, hệ thống GTNT cũng đã cơ bản hoàn thiện. Còn nhớ khi mới chia tách và thành lập huyện Vĩnh Thạnh (năm 2004) hệ thống hạ tầng giao thông kém, huyện chỉ có 2 tuyến giao thông chính đi qua là quốc lộ 80 dài 25km và đường tỉnh 919 dài 7km, nhưng tuyến giao thông 919 - Bốn Tổng - Một Ngàn được xây dựng từ rất lâu bị xuống cấp nặng nề, xe cộ lưu thông rất khó khăn. GTNT chỉ có khoảng 5km mặt cứng còn lại chủ yếu là đường trải cát núi đi lại tạm hoặc là đường đất gồ ghề, 5 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, gồm: Thạnh Lộc, Vĩnh Bình, Thạnh An, Thạnh Thắng và Thạnh Lợi. Cầu thì đa phần là cầu ván tạm bợ lại bị hư hỏng chưa kịp khắc phục, sửa chữa hoặc cầu khỉ gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương. Theo ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, xác định những khó khăn, thách thức, huyện chủ trương trước tiên là phải hoàn thiện hệ thống GTNT, đây được xem là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hằng năm, UBND huyện đưa chỉ tiêu xây dựng giao thông trở thành những chỉ tiêu chủ yếu trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 15 năm qua, cùng với sự đầu tư của thành phố xây dựng tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn (đường tỉnh 919) và đường ô tô vào trung tâm các xã, huyện đã mở rộng, xây dựng trên 296,7km (tăng gần 600% so với trước năm 2004), xây dựng mới 606 cầu (trong đó, kiên cố bê tông cốt thép 216 cầu), góp phần cho huyện xóa cầu khỉ nông thôn; nâng cấp trải đá 742,5km, tổng kinh phí 339 tỉ đồng và hơn 15.000 ngày công lao động (trong đó, vốn ngân sách 178 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 161 tỉ đồng).

Tuyến giao thông phía Bắc dọc kênh Cái Sắn từ xã Vĩnh Trinh đến thị trấn Thạnh An, 15 năm trước chỉ là đường đất gồ ghề nhỏ hẹp, mùa mưa thì lầy lội, mùa nước nổi thì đi lại bằng xuồng, nhiều đoạn chưa hình thành, vậy mà đến nay đã được thay thế bằng con đường bê tông luồng tuyến rộng rãi, hay tuyến đường và cầu kinh E nối liền 2 bờ Nam Bắc dẫn xe ô tô đến được trung tâm các xã Thạnh An, Thạnh Thắng và Thạnh Lợi, mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này. Hệ thống giao thông phát triển đã phá thế chia cắt giữa 2 khu vực các xã phía Nam và các xã phía Bắc Cái Sắn, tạo ra một bước ngoặt lịch sử phát triển hạ tầng giao thông của huyện Vĩnh Thạnh. Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân ấp Qui Lân 2, xã Thạnh Quới, vui mừng, nói: "Người dân chúng tôi được thụ hưởng rất nhiều từ chính sách của Đảng và Nhà nước. Đơn cử như tuyến giao thông Bắc Cái Sắn này chạy dài song song với tuyến quốc lộ 80 nhưng hơn 15 năm trước chỉ là đường mòn, nhiều đoạn chưa hình thành. Vậy mà hiện nay đã được thay thế bằng con đường bê tông rộng rãi, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi".

Hợp lòng dân

Để hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn, mà nguồn ngân sách lại hạn hẹp, vì thế để hoàn thành mục tiêu đề ra, cùng với tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố, Vĩnh Thạnh tất yếu phải huy động sức đóng góp của các mạnh thường quân và nhân dân. Từ chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân việc xây dựng GTNT trở thành phong trào thi đua sôi nổi được cán bộ và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hoặc "đường trước nhà ai nhà đó làm"… bằng cách làm thiết thực, gắn với mô hình thi đua "Dân vận khéo" các địa phương đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo huy động tín đồ, giáo dân đóng góp tiền của, nhân công để công trình sớm hoàn thành và tiết kiệm chi phí. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, những con người đầy nhiệt huyết với tấm lòng thiện nguyện, họ là các vị chức sắc, chức việc tôn giáo hay những người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư tự nguyện tham gia ban vận động, ban xây dựng công trình… Ông Lê Quan Trường - Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trinh, bộc bạch: "Xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, tôi cùng với các anh em đứng ra làm đầu mối vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và bà con gần xa để bắc cầu, làm đường và cá nhân tôi cũng góp thêm tiền và tham gia ngày công để công trình sớm hoàn thành. Nhờ đường sá khang trang, việc đi lại của bà con và học sinh dễ dàng hơn trong lòng tôi thấy vui lắm".

Ông Thái Ngọc Ẩn, ở xã Vĩnh Bình, nói: "Bây giờ các con tôi đã lớn, đã trưởng thành, tôi lo chu tất cho gia đình rồi thì tôi toàn tâm toàn ý phục vụ cho xã hội. Mỗi năm tôi đều trích ra một phần thu nhập của gia đình góp phần xây dựng cho quê hương mình sánh vai với địa phương bạn". Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: "Nhờ huy động được nguồn lực xã hội mà GTNT huyện ngoại thành cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân giao thương hàng hóa, nên thu nhập và đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, vài năm trở lại đây các địa phương còn phát động phong trào xây dựng các tuyến GTNT theo tiêu chí sáng -xanh - sạch - đẹp, góp phần cùng với huyện làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện
ngoại thành".

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết