07/12/2009 - 21:31

Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020

Xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế

Ngày 2-6-2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đưa ra định hướng phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết 49-NQ/TW đã được cụ thể hóa bằng Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Buổi tọa đàm về dự thảo chiến lược này tại TP Cần Thơ mới đây, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến thiết thực...

Đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Phó vụ trưởngVụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp:

LUẬT SƯ VIỆT NAM CẦN TRANH THỦ, HỌC HỎI ĐỂ PHÁT TRIỂN

 

Mục tiêu của chiến lược Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 là xây dựng đội ngũ luật sư đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế. Đến 2020, đội ngũ luật sư chuyên nghiệp đạt khoảng 18.000 luật sư, tăng gấp 3 lần hiện nay; 150 luật sư đạt trình độ luật sư quốc tế; 30 tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn với trên 100 luật sư. Với tầm nhìn như thế cho thấy mô hình luật sư Việt Nam hiện nay còn nhỏ lẻ so với các nước.

Hiện nay, mặc dù thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, nhưng chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của luật sư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa. Sự hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng tranh tụng làm luật sư lúng túng, thiếu tự tin khi thực hiện bào chữa tại tòa. Ngoài ra, trong thời gian qua, một số cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án.

Thực trạng trên cho thấy chất lượng luật sư ở Việt Nam hiện nay đang rất thấp. Các luật sư chủ yếu tham gia ở lĩnh vực tố tụng, các mảng tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng... còn hạn chế. Cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn luật sư có chất lượng, có khả năng tranh tụng quốc tế để hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, các chi nhánh công ty luật nước ngoài vào Việt Nam là động lực thúc đẩy sự phát triển và tạo ý thức tự vươn lên của đội ngũ luật sư Việt Nam. Để có sự canh tranh lành mạnh, hơn lúc nào hết thì chính luật sư Việt Nam phải tự ý thức lượng sức của mình, tự học, tranh học bổng để có thể đi du học. Thực tiễn đã có một số luật sư Việt Nam hành nghề tốt có thể tranh tụng quốc tế được đã từng làm cho các chi nhánh công ty luật của nước ngoài ở Việt Nam, đây là điều thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của luật sư Việt Nam. Luật sư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam sẽ chiếm lĩnh một phần thị trường của luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang ngày càng rộng mở. Luật sư Việt Nam cần có sự tranh thủ, học hỏi để phát triển.

Luật sư Nguyễn Xuân Mai, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ:

MONG MUỐN CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ MỌI NGƯỜI THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT

Cho đến bây giờ, trong hệ thống văn bản pháp luật chỉ có Chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư quy định về phát huy nhận thức vai trò luật sư là chưa đủ, phải có chỉ thị để các cơ quan khác nhận thức được vai trò vị trí của luật sư trong xã hội. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn cho ngành dọc của mình nhận thức về vai trò của luật sư, có như thế thì mới có thể xây dựng được các văn bản pháp luật hoặc các thông tư liên tịch giúp luật sư hoàn thành vai trò mà Đảng và Nhà nước giao. Bên cạnh đó, Luật Luật sư cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi mong muốn những cơ quan tiến hành tố tụng và mọi người trong xã hội nâng cao nhận thức, thượng tôn pháp luật, có như vậy thì hoạt động luật sư sẽ thực hiện trôi chảy và được tôn trọng hơn.

* Luật sư Nguyễn văn Tư, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang:

PHẢI CÓ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ

 

Từ khi Luật Luật sư được ban hành, Bộ Tư pháp không đưa vào đề cương tuyên truyền phổ biến pháp luật về luật này, nên chưa thể tuyên truyền sâu rộng. Bản thân các đoàn luật sư cũng chưa chú trọng trong quảng bá nghề nghiệp của mình nên làm sao tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chiến lược đào tạo đội ngũ luật sư, không nên để phát triển theo hướng tự phát. Nhà nước phải có trách nhiệm đào tạo đội ngũ luật sư đủ số lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, nơi nào có điều kiện thì tự túc, còn nơi nào chưa đủ điều kiện thì Nhà nước phải bỏ kinh phí vào từng vùng để đào tạo cho phát triển đúng hướng và đáp ứng số lượng. Chương trình đào tạo luật sư hiện nay chưa phù hợp, đây là nghề hết sức cao quý đòi hỏi năng lực, đạo đức nghề nghiệp. Phát triển nghề luật sư có phần quan trọng là tập sự. Nghề này không chỉ mang cái mác luật sư để kiếm tiền, mà phải là người luật sư thực thụ, giỏi nghề.

* Luật sư Vưu Văn Kía, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu:

CẦN CƠ CHẾ ĐỂ NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ

 

Sau mấy mươi năm có chế định về luật sư, đến nay hoạt động luật sư vẫn phải mò mẫm, chưa có chiến lược phát triển. Hụt hẫng lớn nhất hiện nay của luật sư là cơ chế pháp lý chưa hoàn thiện, làm luật sư bị hạn chế, trói buộc vào cơ chế pháp lý đó. Theo quy định, luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra, là một bước tiến mới, nhưng trong thực tiễn vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn, do đó cần có một cơ chế để nâng cao vai trò luật sư. Bên cạnh đó, cách nhìn luật sư của người tiến hành tố tụng trong cơ quan nhà nước theo hướng luật sư là người làm tiền, thiếu tôn trọng nên rất khó trong vấn đề phát triển luật sư, rất cần có cơ chế, văn bản pháp lý để thay đổi quan điểm, cách nhìn này.

Hiện nay, tỷ lệ luật sư so với số dân chỉ có 1/21.000 người là rất thấp. Dịch vụ pháp lý đến với người dân còn quá ít. Nên phát triển lực lượng luật sư là rất cần thiết nhưng phải đồng bộ với chất lượng. Trong đào tạo nguồn luật sư cần chú ý đến yếu tố vùng miền. Phải có chính sách đặc biệt đối với đào tạo luật sư ở vùng sâu, vùng xa để người dân ở những vùng này có thể thụ hưởng các dịch vụ pháp lý tại chỗ.

* Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang:

NÊN HOÀN THIỆN HỆ THỐNG TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG ĐOÀN LUẬT SƯ

 

Tạo sự đồng thuận về vai trò của luật sư trong các cơ quan nhà nước không thôi là chưa đủ, trước tiên phải tạo ra sự nhận thức đồng thuận trong Đảng. Nên hoàn thiện hệ thống tổ chức đảng trong các đoàn luật sư, để nâng cao vai trò của các luật sư trong xã hội. Nếu hoàn thiện tổ chức đảng trong các đoàn luật sư sẽ tác động mạnh hơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, cần có sự liên kết của luật sư với các đoàn thể và Mặt trận. Có như vậy mới tạo sự đồng thuận trong Đảng, đoàn thể, các cơ quan nhà nước và xã hội.

SƠN HÀ (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết