19/03/2024 - 09:34

Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho hàng Việt 

Tại Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững - nâng cao chất lượng hàng Việt tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, nhấn mạnh, qua 11 năm triển khai thực hiện kết nối xây dựng chuỗi cung ứng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày một nhiều. Qua đó, góp phần cung cấp nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước. Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới…

Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững

Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đơn vị chủ quản hệ thống các thương hiệu bán lẻ: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, HTV Co.op, Cooponline… với hơn 800 điểm bán trên 43 tỉnh thành. Đặc biệt, siêu thị Co.opmart là thương hiệu Việt lâu đời đối với người dân cả nước, là nơi mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng, nhất là tại những thành phố lớn, trong đó có TP Cần Thơ. Saigon Co.op không ngừng đưa Co.opmart tiến xa bằng cách thâm nhập vào địa bàn tuyến huyện, góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn thị trường đến phục vụ người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế địa phương.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị GO! Cần Thơ.

Tại Hội nghị, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ cùng 6 đối tác kinh doanh các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Theo đó, Saigon Co.op ký kết với 6 doanh nghiệp và hợp tác xã, dự kiến cung ứng trung bình 500 tấn hàng hóa mỗi tháng đến các hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc với mặt hàng: thịt gia súc, thịt gia cầm, rau rau củ quả, trái cây...  Saigon Co.op và các đơn vị này cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Saigon Co.op tham gia cùng UBND TP Hồ Chí Minh trong chuỗi chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố với các tỉnh, thành trên cả nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa, kết nối cung cầu, thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa phù hợp với định hướng và quy hoạch của từng tỉnh, thành.

Tập đoàn Central Retail, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO!/Tops market phục vụ cho hơn 390.000 khách hàng mỗi ngày tại hơn 40 tỉnh thành trên cả nước. Hơn 10 năm qua, Central Retail tại Việt Nam luôn đồng hành phát triển hàng Việt thông qua các sự kiện kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư tại các vùng, miền trên cả nước. Hiện nay, tại Siêu thị GO! Cần Thơ, những sản phẩm của HTX Nông sản xanh (quận Cái Răng); HTX rau Long Tuyền (quận Bình Thủy); trái cây của HTX Thuận Phát (huyện Thới Lai); chả cá của HTX Nhất Tâm… đang bày bán và được người tiêu dùng chọn lựa.

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện bộ phận truyền thông của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết: Có đến hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống bán lẻ thuộc Central Retail là hàng Việt. Đơn vị đặt trọng tâm trong việc phát triển, đưa vào hệ thống các sản phẩm an toàn vùng miền với nhiều chính sách ưu đãi nổi bật như ưu tiên hỗ trợ không chiết khấu với các hộ kinh doanh là các HTX; ưu tiên các sản phẩm OCOP, hỗ trợ trưng bày, chăm sóc hàng hóa và các chương trình thúc đẩy bán hàng; hỗ trợ tư vấn toàn diện để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể gia nhập chương trình “Sinh kế cộng đồng”. Đặc biệt, chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” cũng là một trong số rất nhiều các hoạt động của Central Retail nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại. Bên cạnh đó, Central Retail còn thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã; cung cấp thông tin và tín hiệu thị trường để người nông dân dựa vào đó để lên kế hoạch sản xuất, tránh lâm vào tình trạng “được mùa mất giá”.

Đẩy mạnh kết nối

Trong những năm qua, Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức các sự kiện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối thông qua các hoạt động tổ chức các hội chợ, quảng bá các doanh nghiệp, sản phẩm địa phương, vùng miền cũng như sản phẩm Việt Nam có thế mạnh kết nối vào các hệ thống bán lẻ hiện đại và xuất khẩu.

Năm 2023 là năm cao điểm TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết vùng, theo đó đã tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước. Đây là hoạt động kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thành phố, nhất là các dịp Lễ, Tết. Hiện Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Tiki đăng ký hỗ trợ cho toàn bộ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của TP Hồ Chí Minh và dự kiến mở rộng các tỉnh, thành trong thời gian tới.

Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, duy trì thường xuyên hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác ngành Công Thương, xây dựng chuỗi cung ứng giữa 2 địa phương, Sở Công Thương TP Cần Thơ và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh ký kết biên bản hợp tác phát triển ngành Công Thương đến năm 2025. Nội dung bản hợp tác nhằm phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác toàn diện trong lĩnh vực Công Thương. Tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên. Xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp theo hướng phát huy lợi thế về thị trường, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực,... của từng địa phương; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; kết nối cung cầu đầu tư máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển logistics. Phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường. Phối hợp phát triển và liên kết chặt chẽ hệ thống phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng, chuỗi thực phẩm an toàn. Phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, kết nối 2 chiều, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của hai địa phương phát triển và mở rộng thị trường...

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Công Thương thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương trong việc chủ động, tích cực đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương. Trong đó, trọng tâm là xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bắt đầu từ tín hiệu thị trường. Tăng tần suất các sự kiện kết nối cung - cầu trực tiếp, đồng thời phát huy nền tảng kết nối trực tuyến ketnoicungcau.vn để thực hiện kết nối liên tục 24/7...  Cùng với đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mong muốn các địa phương có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng; kiểm soát chặt và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại… tại các thị trường lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết